Cho rằng vợ "láo", chồng dìm vào nước cho chết ngạt

29/12/2011 11:10
Phạm Mai/Hôn nhân & Pháp luật
Trút lên mình vợ những cán chổi liên hồi mà chưa hả giận, gã đàn ông gầm gừ túm tóc chị vợ dìm đầu vào thùng phi đầy nước bên hông nhà rồi lạnh lùng bỏ đi...
Chưa kịp tỉnh lại sau trận đòn nhừ tử lại bì dìm vào nước, người vợ đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại đứa con thơ bốn tuổi…

Giết vợ vì chuyện cỏn con

Vụ án Hà Văn Tím (SN 1981) giết vợ từng gây xôn xao khắp xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đó là kết thúc bi đát của một gia đình khi những người trong cuộc không hề đồng cảm, không biết tôn trọng, vị tha để tìm được tiếng nói chung trong đời sống vợ chồng. Và lẽ đương nhiên, khi bi kịch xảy ra, không ai là người ngoài cuộc, nhất là những đứa trẻ sớm chịu cảnh bơ vơ cùng những lời đàm tiếu oan nghiệt về vụ án gia đình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hà Văn Tím sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo tỉnh Đồng Tháp. Cha mẹ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bản thân chẳng giỏi giang trong việc học hành nên khi vừa qua lớp 4, Tím đã nghỉ học để phụ giúp gia đình. Rồi Tím phiêu bạt lên Đồng Nai làm rẫy, quen biết với Đ.T.N. – người con gái thua mình 5 tuổi. Họ kết hôn, thành vợ thành chồng rồi sinh con như bao cặp vợ chồng khác. Chỉ có điều cuộc sống khó khăn lại mỗi người một tính, ít ai chịu nhường nhịn ai nên giữa vợ chồng Tím – N. thường nảy sinh mâu thuẫn.

Mỗi khi cuộc chiến xảy ra, cậy sức đàn ông, Tím thường hung hăng, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Những lúc như thế, chị N. không tiếc những lời lẽ xúc xiểm chồng. Cứ thế, khoảng cách giữa họ ngày một xa hơn, cuộc sống gia đình như đi vào ngõ cụt, không thể tìm cho mình một lối thoát, khi họ thỏa mái dành cho nhau những lời mạt sát, xúc phạm và những cái bạt tai, những trận bạo hành.

Chuyện mâu thuẫn giữa vợ chồng Tím vốn xảy ra như cơm bữa nên nó chẳng còn xa lạ với bà con lối xóm cũng như hai bên gia đình thông gia. Trong những lần bị Tím đánh đập, người vợ trẻ ngoài 20 tuổi vì đau đớn, hậm hực nên thường đem chuyện kể với mẹ đẻ và thậm chí còn gọi điện về Đồng Tháp “tố cáo” thói bạo hành của Tím với gia đình nhà chồng.

Nghĩ rằng bát đũa còn có lúc xô, cuộc sống vợ chồng tránh sao khỏi những mâu thuẫn, nên những bậc sinh thành chỉ biết hết lời khuyên nhủ cả hai. Thế nhưng mọi chuyện vẫn tái diễn như vòng luẩn quẩn không hồi kết. Rồi chuyện gì đến cũng đến, một trận cãi vã tưởng chừng như bao lần cãi vã khác không ngờ lại trở thành cuộc chiến định mệnh bóp nát cái gia đình nhỏ vốn rất mong manh.

Đứng trước vành móng ngựa, với nước da trắng bệch, gương mặt Tím cúi rạp khi nghe vị chủ tọa phiên tòa nhắc lại nội dung vụ án. Không hiểu vì lý do gì, gương mặt gã đàn ông giết vợ với nước da xanh xao trong chốc lát trở thành không thần sắc như một kẻ ngẩn ngơ, khờ khạo.

Theo lời khai của Tím, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 30/12/2010, hắn tỉnh dậy để chuẩn bị đi làm rẫy. Thấy vợ chưa chuẩn bị gì, Tím kêu vợ ăn cơm để đi làm. Vốn sẵn có nỗi ấm ức với chồng nên nghe Tím gọi, chị N. chỉ im lặng, không thưa, thể hiện thái độ bất cần. Thấy vậy, Tím nổi nóng, lúc đó chị N. lớn tiếng cãi lại, khiến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng họ lại có dịp bùng nổ.

Thấy vợ “láo quá”, Tím dọa đánh nhưng N. không sợ, vẫn tiếp tục chửi rủa, xúc phạm chồng, thậm chí còn cầm cái chổi quét sân ném ra xa rồi thách thức chồng. Như chỉ đợi có vậy, Tím xông lên, giật cán chổi quật mạnh vào lưng vợ làm N. ngã xuống.

Chưa hả giận, Tím tiếp tục vung cán chổi đập mạnh vào ngực, vai, chân, đầu N. khiến chị vợ ngất lịm trong đau đớn. Nhìn N. nằm dài trên sàn đất, cơn thịnh nộ trong Tím vẫn ùn ùn chẳng nguôi, hắn chợt nghĩ đến việc phải dìm vợ vào cái phi nước bên hông nhà. Nghĩ là làm, Tím trở thành gã đàn ông độc ác, lẳng lặng dìm đầu vợ vào cái thùng phi đầy ắp nước rồi quay lưng bỏ đi, bình tĩnh nghĩ cách để che đậy tội ác của mình.

Tím vội qua nhà hàng xóm vờ hốt hoảng kêu cứu, sau đó tức tốc quay về đưa xác vợ ra khỏi thùng phi hòng che mắt thiên hạ. Chị N. chết do tự tử - đó là cách mà Tím lý giải về sự ra đi của người vợ trẻ. Được cơ quan công an triệu tập để lấy lời khai, lúc dầu Tím một mực xác nhận vợ mình chết do tự tử. Nhưng những lời khai ấy không thể qua mắt cơ quan điều tra. Và khi thấy mình hết đường chối tội, Tím buộc phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình. Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định, người vợ cũng một phần có lỗi nên tuyên phạt Tím mức án 17 năm tù về tội “Giết người”.

“Mong nó sớm trở về”

Hành vi phạm tội của Tím khiến phòng xử án râm ran. Những tiếng xì xào, những ánh mắt của người dự khán đổ dồn về gã đàn ông đang ngồi trước vành móng ngựa. “Sao cô lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Tím?” – câu hỏi làm ánh mắt mẹ chị N. – đại diện bị hại – bất chợt trở nên se sắt. Nỗi đau mất còn khiến đôi mắt ấy cứ nhìn chết trân vào khoảng không trước mặt. “Con tôi chết rồi. Thương đứa cháu tội nghiệp nên tôi mong nó sớm trở về để lo cho con” – mẹ chị N. chia sẻ.

Mỗi đứa con như một khúc ruột, mất con là mất một khúc ruột, một phần sự sống trên cơ thể mình, ai mà không đau đớn? Thế nhưng không phải vì nỗi đau ấy mà người mẹ nhìn đứa con rể cũ như kẻ thâm thù. Hơn ai hết, bà cũng hiểu con gái mình một phần có lỗi khi luôn lớn tiếng mạt sát chồng. Phiên tòa lần trước, bà không có mặt bởi bà còn giận Tím, không muốn phải đối mặt với sự thật đau lòng một lần nữa. Vậy mà khi nghe tin Tím bị phạt 17 năm tù, bà lại thấy phân vân. Người mẹ ấy đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho đứa con rể tội đồ cũng như để giảm nhẹ nỗi canh cánh trong lòng.

Tại tòa lần này, bà tha thiết xin tòa giảm án cho con rể, để hắn sớm có cơ hội trở về, để có thể chuộc lại phần nào lỗi lầm với người vợ quá cố bằng cách chăm sóc đứa con thơ đang phải đưa về tận Tiền Giang ở với ông bà nội. “Tôi xin tòa xem xét giảm án cho Tím để Tím sớm được về với con nó, với cháu tôi…” – người mẹ nhắc lại yêu cầu kháng cáo. Hiểu được sự bao dung của người mẹ, Tím ngoái đầu nhìn mẹ vợ với ánh mắt đầy xúc cảm đan xen.

Có lẽ hắn vui vì mình được tha thứ, được xin giảm nhẹ, hắn buồn vì nỗi day dứt, tủi hổ về tội ác của mình… Chẳng biết họ nói những gì nhưng chỉ thấy Tím nhìn mẹ vợ gật đầu rồi rân rấn nước mắt quay đi. Trước vành móng ngựa, với dáng người cao ngồng, Tím đứng chênh vênh như một cây khô gặp bão. Ngoài người mẹ vợ, tại phiên tòa xét xử Tím lần này, chẳng có người thân nào khác.

Trong phần thẩm vấn, hắn cũng chẳng nói được nhiều, chỉ lí nhí khai nhận hành vi phạm tội bằng mấy câu đơn giản, khác hẳn vẻ tinh ranh mà hắn thể hiện với những lời khai gian dối sau khi gây án trước đây.

Trời gần trưa, phiên tòa bước vào phần nghi án. Bên hiên phòng xử, ánh nắng trước ngày lễ Giáng sinh trở nên nhợt nhạt nhường chỗ cho những cơn gió mang chút hơi lạnh hiếm hoi giữa Sài Gòn. Tím ngồi chúi đầu, hai tay chống gối, cúi gằm trước vành móng ngựa, để lộ cái lưng gầy guộc. Tòa nhận định trong vụ án, hành vi của Tím đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân đã khuất, vụ án không có nhân chứng nên quá trình điều tra chỉ dựa theo lời khai của Tím.

Thế nhưng, việc Tím khai chị N. có những lời lẽ xúc phạm chồng dẫn đến bị cáo bị kích động là không có cơ sở, sau khi gây án bị cáo có những lời khai gian dối gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Dù người vợ có lỗi thì hành vi đánh vợ rồi dìm vào phi nước của bị cáo vẫn thể hiện bản chất côn đồ, vũ phu… nên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tím có thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đại diện bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Viện kiểm sát cũng kháng nghị giảm án nên Hội đồng xét xử ghi nhận và xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho hắn. Nghe tòa tuyên giảm án xuống còn 15 năm tù về tội “giết người”, Tím và người mẹ mừng mừng tủi tủi. Tra tay vào còng, hắn khẽ cúi đầu chào tạm biệt mẹ rồi lủi thủi theo chân đồng chí công an về chỗ ngồi chờ xử những phiên tòa khác.

Ngoài hành lang phòng xử, người mẹ bước vội ra về không một lần quay đầu nhìn lại, từng bước đi như chạy, có lẽ bà đang trốn chạy nỗi đau mất con, trốn chạy cái không khí nặng nề, u ám chốn pháp đình với mong muốn duy nhất bị cáo sớm trở về để đứa cháu ngoại bé nhỏ sớm thấy bóng cha.

Phạm Mai/Hôn nhân & Pháp luật