Chọn cơ sở GDĐT trọng điểm ngành không nên chỉ căn cứ vào quy mô

07/01/2024 06:28
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc phát triển các cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia đối với khối các trường đại học thuộc các Bộ, ngành trong nền kinh tế chưa được làm rõ trong dự thảo.

Sau khi Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được công bố đã nhận được sự góp ý từ nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Theo dự thảo này, dự kiến đến năm 2030, nước ta sẽ có từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc nhìn nhận về phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia như vậy có một số điểm chưa được đề cập đầy đủ.

Trường Đại học Lao động – Xã hội và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh là một trong những trường đại học trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Nghiên cứu dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Lao động – Xã hội bày tỏ quan điểm, để có một bản quy hoạch tốt cho việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần dự báo xu thế phát triển một cách tốt hơn và toàn diện hơn.

Sinh viên Ngành Hệ thống thông tin quản lý của Trường Đại học Lao động - Xã hội trong chương trình chào tân sinh viên (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Ngành Hệ thống thông tin quản lý của Trường Đại học Lao động - Xã hội trong chương trình chào tân sinh viên (Ảnh: Website nhà trường).


Theo thầy Hà, đối với Việt Nam, việc hội nhập quốc tế là xu thế không thể đảo ngược, do vậy, giáo dục đại học của Việt Nam cũng phải đi theo xu thế đó.

Có thể thấy, trên thế giới, các cơ sở giáo dục đại học muốn phát triển được cần phải phấn đấu được xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín (QS, THE, ...).

Do đó mô hình University – School đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, bởi nó giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể có được quy mô đào tạo lớn cũng như dễ dàng hơn trong việc đạt được các điều kiện để xếp hạng (đơn cử như thuận lợi hơn về các công bố quốc tế). Trong bối cảnh đó, việc phát triển theo hướng thành lập các trường chuyên ngành trong cơ sở giáo dục đại học và việc sáp nhập các trường đại học nhỏ thành đại học lớn đã diễn ra.

Tại Nga, Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov (Moscow) đã sáp nhập với Đại học Thương mại và Kinh tế Quốc gia Nga và Đại học Kinh tế, Thống kê và Tin học Quốc gia Moscow. Đồng thời, Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov cũng phát triển các trường đại học chuyên ngành; các phân hiệu ở trong và ngoài nước.

Do đó, theo thầy Hà, việc phát triển theo hướng thành lập các trường chuyên ngành trong cơ sở giáo dục đại học và việc sáp nhập các trường đại học nhỏ thành đại học lớn phải chăng chính là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập?

Tuy nhiên, trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc phát triển theo hướng thành lập các trường chuyên ngành trong cơ sở giáo dục đại học đã được thể hiện, song xu hướng sáp nhập lại chưa được đề cập đến.

Do đó, dẫn đến việc nhìn nhận về phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia có một số điểm chưa được đề cập đầy đủ. Đơn cử như việc phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đối với khối các trường đại học thuộc các Bộ, ngành trong nền kinh tế chưa được làm rõ trong dự thảo này.

Để khắc phục được hạn chế này, thầy Hà mong rằng, trong danh sách cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia nên bổ sung các trường đại học trực thuộc các Bộ, ngành sẽ đầy đủ hơn.

Bởi, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của các Bộ, ngành ngày càng trở nên nặng nề hơn, đòi hỏi các trường thuộc Bộ phải được quan tâm và đầu tư phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu mới của sự phát triển.

Mặt khác, thầy Hà chia sẻ thêm, đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, việc mở rộng tuyển sinh đối với viên quốc tế vào học là một xu thế phổ biến, vì điều đó mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trường, đặc biệt là tăng nguồn thu để đảm bảo cho tự chủ đại học.

Như nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Canada, họ thực hiện thu học phí của sinh viên quốc tế cao hơn nhiều so với sinh viên bản địa, từ đó đảm bảo được nguồn kinh phí cần thiết cho sự phát triển.

Vậy nên, thầy Hà cho rằng, từ nay đến 2050, nếu Việt Nam có thể đi theo được xu thế đó (đề cập đến vấn đề này theo tầm nhìn đến 2050 cũng như cần thực hiện các giải pháp nào để đạt được điều đó tại dự thảo trên) chắc chắn sẽ làm cho việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện hơn.

Ngoài ra, thầy Hà cũng cho rằng, việc Trường Đại học Lao động - Xã hội không nằm trong danh sách trường trọng điểm ngành quốc gia tất nhiên cũng sẽ có những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, trường sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tạo sự đột phá lớn khi phát triển các chương trình đào tạo.

Rõ ràng, để tạo sự phát triển trong bối cảnh hội nhập, các cơ sở giáo dục đại học cần cung cấp cho xã hội các sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Điều này sẽ khó thực hiện khi trường chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư trọng điểm.

Thứ hai, trường sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút và phát triển các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển. Điều này sẽ gây ra những rào cản nhất định đối với sự phát triển của nhà trường.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ và các nhà đầu tư sẽ quan tâm đầu tư hơn đối với các trường trọng điểm. Do đó, trường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút, phát triển giữ chân nhân tài,…

Cũng theo thầy Hà, nếu trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia, Trường Đại học Lao động và xã hội sẽ đáp ứng được các yêu cầu, quy định đặt ra. Bởi, về mục tiêu chiến lược trong tương lai, nhà trường có thể sẽ phát triển theo một số hướng chính.

Trước hết là, tạo sự đột phá trong việc xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo với mục tiêu đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Có lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu này;

Bên cạnh đó, từng bước phát triển các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh với chất lượng cao, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập. Tăng cường các chương trình đào tạo liên kết;

Hơn nữa, trường cũng sẽ phát triển mạnh mẽ đội ngũ nhà giáo thông qua việc phát triển đội ngũ nhà giáo hiện có, giữ chân các nhà giáo có học hàm học vị và năng lực cao, thu hút nhân tài phù hợp với kế hoạch và chiến lược phát triển;

Không những vậy, trường cũng dự định đầu tư mạnh mẽ cho các nhóm nghiên cứu, khuyến khích các công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín cao; trên cơ sở các định hướng và chủ trương của Bộ chủ quản, quy hoạch lại bộ máy, nhân sự và đầu tư phát triển Trường theo mô hình của các đại học tiên tiến trên thế giới.

Trong khi đó, Tiến sĩ Thái Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh bày tỏ quan điểm cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Ảnh: Website nhà trường).

Tuy nhiên, thầy Tuấn cho rằng, nếu có thêm lĩnh vực sư phạm kỹ thuật (chọn 1 - 2 trường đại học) vào danh mục các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia sẽ phù hợp hơn nữa.

Bởi, thực tế hiện nay, có thể thấy rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đáng nói, việc phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chính là vấn đề then chốt, cốt lõi để phát triển hệ thống này.

Và các trường đại học sư phạm kỹ thuật đang là những đơn vị có vai trò, chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, theo thầy Tuấn, nếu được lựa chọn là cơ sở giáo dục trọng điểm ngành về lĩnh vực sư phạm kỹ thuật, trường sẽ có những chính sách riêng, được chú trọng cả về mặt đầu tư, phát triển thương hiệu cũng như công tác tuyển sinh, đào tạo, … để đảm bảo, phát triển hơn nữa cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, trường cũng sẽ có kế hoạch và chiến lược phát triển để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành.

Mặt khác, trước quan điểm cho rằng để là một trường đại học trọng điểm ngành quốc gia cần phải chọn cơ sở có quy mô đào tạo thực tế khoảng 6.000 - 8.000 sinh viên, thầy Tuấn bày tỏ, việc có quy mô đào tạo như vậy không phải điều khó thực hiện.

Thế nhưng, khi lựa chọn cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, chúng ta không nên xác định theo quy mô, mà nên xác định dựa vào tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, sứ mạng của trường đó có phù hợp theo từng lĩnh vực, khu vực hay không mới là điều quan trọng.

Tường San