Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về định hướng phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia của quy hoạch nêu yêu cầu:
Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia; nâng cấp, xây dựng một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm, đào tạo y khoa trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.
Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia căn cứ vào tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống giáo dục đại học, định hướng tới năm 2030. Theo dự thảo, đến năm 2030, nước ta sẽ có từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Ảnh chụp màn hình trong Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Hiện, danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 đang nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ của lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (hai cơ sở giáo dục đại học cùng trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học công lập duy nhất phía Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh trên website nhà trường |
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các ngành nghề khác theo nhu cầu của xã hội. Do vậy, mục tiêu phát triển để trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho ngành tài nguyên, môi trường vẫn đang được nhà trường triển khai.
Theo thầy Quyền, việc định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quyền lợi của trường đại học trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, để trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, cụ thể là trọng điểm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đòi hỏi Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục phấn đấu. Các tiêu chuẩn phấn đấu cơ bản được trường đặt ra như:
Thứ nhất, chất lượng đào tạo của nhà trường phải đáp ứng được nhu cầu xã hội, đạt trình độ của khu vực và quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực của thời kỳ công nghệ 4.0, kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đào tạo phải đạt trình độ khu vực và thế giới. Các hướng nghiên cứu phải tiếp cận hoặc đón đầu so với các hướng nghiên cứu mà thế giới đang triển khai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh trên website nhà trường |
“Việc trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia sẽ giúp trường thu hút được nhiều đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học", thầy Quyền chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, nhiều năm nay, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành rà soát, bổ sung, và đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng đến đạt trình độ khu vực và thế giới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Cụ thể, nhà trường tăng cường xây dựng, triển khai dự án hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thông qua các dự án, đề tài giúp nâng cao năng lực, kinh nghiệm đào tạo và trình độ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác, triển khai các dự án, đề tài quốc tế cũng giúp nhà trường tăng cường cở sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu.
“Với tình hình hiện nay, đến năm 2025, nhà trường có đủ điều kiện về quy định cũng như năng lực thực hiện triển khai đề án tự chủ đại học. Điều này giúp nhà trường có nhiều quyền hơn trong cạnh tranh và hội nhập giáo dục, tiếp tục ổn định và phát triển. Đến năm 2030, mục tiêu của nhà trường là trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngang tầm khu vực và thế giới trong lĩnh vực tài nguyên môi trường”, thầy Quyền chia sẻ thêm.
Cùng trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn, đề nghị xem xét đưa nhà trường vào danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, chiếu theo Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 như dự thảo báo cáo tóm tắt của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhà trường không có tên trong đó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Sau khi nghiên cứu dự thảo, thầy Huy bày tỏ quan điểm, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia sẽ được đầu tư ngân sách nhà nước. Trong đó bao gồm cả đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Như vậy, nếu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là trường đại học trọng điểm quốc gia thì sẽ nhận được sự đầu tư từ nhà nước, cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo, chưa có văn bản chính thức.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhà trường đã làm công văn, đề nghị xem xét đưa trường vào danh mục trường đại học trọng điểm quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
“Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà trường có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm khoa học, công nghệ cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phục vụ đào tạo nhân lực làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
Từ góc độ cơ sở giáo dục đại học, hiện nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chủ quản. Trước đó, nhà trường cũng đã đề xuất các tiêu chí, tiêu chuẩn quy hoạch trường đại học trọng điểm quốc gia. Ví dụ, dự thảo nên đưa vào tiêu chí về chất lượng đầu ra, năng lực đào tạo – thước đo đầu tiên khi xem xét quy hoạch trường đại học trọng điểm quốc gia", thầy Huy chia sẻ.
Thách thức nào khi không là trường đại học trọng điểm ngành?
Một giả thiết đặt ra, rằng nếu cơ sở giáo dục đại học không là trường đại học trọng điểm quốc gia sẽ khiến trường có những rào cản nhất định trong vận hành, đặc biệt là khi tự chủ.
Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền bày tỏ, có thể các cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh mục trường đại học trọng điểm quốc gia sẽ có nhiều cơ hội, ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hơn là các cơ sở giáo dục đại học không trọng điểm. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, dù là trọng điểm hay không trọng điểm thì cơ sở giáo dục đó vẫn phải phấn đấu bằng nội lực.
“Nếu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh không là trường đại học trọng điểm quốc gia như quy hoạch thì cũng không gặp khó khăn, thách thức lớn.
Bởi, nhà trường đã xây dựng lộ trình và các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025. Các nhiệm vụ này được xác định dựa vào sự phát triển nội lực, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đây là chìa khoá cho việc đa dạng hoá các nguồn tài chính cho trường.
Quan điểm phát triển nhà trường được đúc kết từ kinh nghiệm của các trường đại học lớn trên thế giới, việc quá phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước đôi khi lại là trở ngại cho sự phát triển ổn định và bền vững của một cơ sở giáo dục đại học trong xu thế tự chủ đại học và hội nhập quốc tế”
_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền_
Thầy Quyền cũng cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đang thực hiện tự chủ, trong đó phần lớn trường đại học triển khai tự chủ thành công là trường đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở giáo dục đại học rất khó khăn trong tiến tới tự chủ hoàn toàn.
Do vậy, nếu Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là trường đại học trọng điểm quốc gia có thể giúp tháo gỡ khó khăn, được ưu tiên đầu tư nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng đề án tự chủ và thực hiện tự chủ đại học.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy chia sẻ, việc trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia một phần sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học nâng cao uy tín, thương hiệu, chất lượng. Do đó, cơ sở giáo dục đại học nào cũng mong muốn trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, hiện danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 vẫn đang để dấu “...”. Do đó, mong muốn của trường là mở rộng thêm lĩnh vực trọng điểm để đưa nhà trường vào danh mục trường đại học trọng điểm quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường.