Chọn tổ hợp môn lựa chọn theo khối thi ĐH, tôi thấy "bóng ma phân ban" quay lại

17/08/2022 06:46
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường trung học phổ thông xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn đều dựa trên các khối xét tuyển đại học hiện nay.

Ngày 03/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, chương trình trung học phổ thông có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn sẽ còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn tổ hợp. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Tổ hợp môn lựa chọn theo khối thi đại học, Chương trình 2018 giống như phân ban?

Trước đây, theo chủ trương phân ban ở cấp trung học phổ thông thì trung học phổ thông có 3 ban: Ban cơ bản, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn.

Ban khoa học tự nhiên: phù hợp với những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên.

Ban Khoa học xã hội và nhân văn: phù hợp những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực khoa học xã hội.

Ban cơ bản sẽ học các môn học theo chương trình chuẩn. Ngoài ra học sinh ban này sẽ sử dụng thời lượng dạy học tự chọn (4 tiết/tuần) để học theo chương trình và sách giáo khoa nâng cao của một số môn có nội dung nâng cao (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, các môn ngoại ngữ).

Học sinh có thể chọn học từ 1 đến 3 môn như vậy, đồng thời có thể sử dụng thời lượng dạy học tự chọn này để học một số chủ đề tự chọn.

Ảnh minh họa giaoduc.net.vnẢnh minh họa giaoduc.net.vn

Học theo phân ban đã biến hóa theo hướng đại học hóa phổ thông. Đó là chia học sinh theo các ban học các môn thi vào đại học các khối A, B, C, D...

Đáng nói, nhiều cơ sở giáo dục trung học phổ thông hiện nay xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn cho học sinh lớp 10, năm học 2022-2023 dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của mình.

Thực tế hiện nay, phần lớn các trường không có biên chế giáo viên môn Mĩ thuật, Âm nhạc, nên hai môn Mĩ thuật, Âm nhạc “vắng bóng” trong tổ hợp môn học các trường xây dựng.

Người viết nhận được chia sẻ của bạn đọc về Phiếu đăng ký nhập học và lựa chọn tổ hợp môn lớp 10, năm học 2022-2023 của con mình.

Phiếu đăng ký nhập học và lựa chọn tổ hợp môn lớp 10 do bạn đọc cung cấp. Ảnh: Nhật Minh

Phiếu đăng ký nhập học và lựa chọn tổ hợp môn lớp 10 do bạn đọc cung cấp. Ảnh: Nhật Minh

Theo đó, nhà trường đã chủ động phân chia thành 2 nhóm môn cho học sinh lựa chọn. Nhìn vào nhóm môn, dễ dàng nhận thấy bóng dáng của chương trình phân ban hiện hữu: Ban khoa học tự nhiên và Ban Khoa học xã hội và nhân văn.

Thầy Quách Thắng Cảnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình cho hay, nhà trường phân ban tự nhiên (khối A, D) và ban xã hội (khối C), ngoài ra còn có khối A1 (Lí, Toán, Văn), A0 (Văn, Toán, tiếng Anh) nhưng số lượng rất ít.[1]

Như vậy, học sinh Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình cũng chọn tổ hợp môn theo phân ban: phân ban tự nhiên (khối A, D) và ban xã hội (khối C) là chủ yếu, hay nói cách khác, tổ hợp môn lựa chọn tương tự chương trình phân ban trước đây.

Phần lớn các trường trung học phổ thông xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn, đều dựa trên các khối xét tuyển đại học hiện nay.

Phiếu đăng ký tổ hợp môn học của Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm học 2022-2023 có 6 tổ hợp môn học và các chuyên đề học tập tương ứng ứng với các khối thi xét tuyển đại học hiện nay.

Phương án xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn đều dựa trên các khối thi, xét tuyển đại học hiện nay nhận được sự đồng thuận của giáo viên và học sinh.

Dưới góc nhìn của người viết, tổ hợp môn các trường xây dựng cho học sinh lựa chọn theo khối xét tuyển sinh đại học hiện nay, chẳng khác gì chương trình phân ban trước đây.

Nếu xây dựng chỉ có 2 tổ hợp môn lựa chọn thì làm sao đáp ứng được phẩm chất, năng lực người học?

Nếu sau này Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách thức tuyển sinh đại học, liệu cách lựa chọn tổ hợp môn như thế có phù hợp?

Chương trình phân ban trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm từ năm học 2003-2004, tại gần 50 trường của 11 tỉnh/thành với 2 ban: Khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh) và ban Khoa học xã hội - nhân văn (ban C, học nâng cao Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ).

Lần điều chỉnh cuối cùng đã thêm Ban cơ bản - một ban được xem là “ban không phân ban”.

Phần lớn học sinh đã lựa chọn Ban cơ bản, đẫn đến chương trình phân ban "đổ vỡ", gây lãng phí cho xã hội. [2]

Có cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn trong năm học 2022-2023 chỉ có 2 tổ hợp môn lựa chọn, dựa trên nhóm môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, đã vô tình đưa chương trình phân ban quay trở lại trong Chương trình 2018.

Để chương trình mới không đi vào “vết xe đổ” của chương trình phân ban trước đây, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định số tổ hợp môn lựa chọn tối thiểu các trường phải xây dựng là 4 tổ hợp.

Với tối thiểu có 4 tổ hợp môn lựa chọn, trước mắt sẽ có thêm lựa chọn cho học sinh, cũng là cách xóa đi “bóng ma phân ban” trong chương trình mới.

Thực tế, nếu không xây dựng tổ hợp môn lựa chọn theo khối xét tuyển đại học hiện nay, các trường trung học phổ thông cũng khó có cơ sở nào khác để xây dựng.

Vì thế, Bộ cần sớm có hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-vien-cho-rang-phan-to-hop-mon-theo-khoi-xet-tuyen-dh-la-phu-hop-nhat-post228022.gd

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-chuong-trinh-phan-ban-2014120222204462.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh