Ngày 3/8, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn sẽ còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn tổ hợp. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.
Trong năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng cho lớp 10. Theo đó, cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục và định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều trường trung học phổ thông đã dựa trên năng lực của học sinh, đội ngũ giáo viên hiện có của nhà trường để phân lớp dựa trên tổ hợp môn được bố trí.
Thầy Quách Thắng Cảnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình cho hay, nhà trường phân ban tự nhiên (khối A, D) và ban xã hội (khối C), ngoài ra còn có khối A1 (Lí, Toán, Văn), A0 (Văn, Toán, tiếng Anh) nhưng số lượng rất ít.
Một giờ học của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hoà Bình (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, do nhà trường chưa có giáo viên dạy môn này nên học sinh chọn môn Tin học để học tập.
"Năm nay nhà trường tuyển sinh 280 em, các em đa phần đăng ký lựa chọn tổ hợp các môn theo khối thi truyền thống, chưa có sự đột biến ở các tổ hợp khác", thầy Cảnh cho hay.
Theo thầy Cảnh, việc phân tổ hợp môn theo các khối truyền thống sẽ tạo điều kiện cho học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như để xét tuyển vào các trường đại học.
Kể từ năm ngoái, khi có sách giáo khoa mới, nhà trường cũng đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, có định hướng phân tổ hợp môn theo các khối thi truyền thống.
Chia sẻ thêm về việc phân lớp dựa theo tổ hợp môn, thầy Cảnh cho hay, nhà trường căn cứ vào điểm thi của thí sinh để xét tuyển dựa trên nguyện vọng.
"Nhà trường căn cứ vào điểm thi Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Nếu học sinh nào có điểm cao môn Toán thì sẽ được xếp vào lớp Toán, em nào học tốt Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thì cho vào lớp ban xã hội", thầy Cảnh nói.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình cho hay, đối với một số học sinh chọn khối A0 và A1, nhà trường vẫn sẽ tổ chức bồi dưỡng cho các em.
Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đà Bắc (huyện Đà Bắc, tỉnh Hỏa Bình) cho biết, hiện nhà trường đã thông báo điểm chuẩn thi vào lớp 10 tới phụ huynh, học sinh.
Giờ thực hành môn Vật lí của học sinh Trường Trung học phổ thông Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Trước đó theo kế hoạch tuyển sinh, nhà trường đã thông báo các tổ hợp môn sẽ được dạy ở trường, căn cứ vào đó, nếu phụ huynh nhất trí sẽ đăng ký cho con.
"Tới đây, khi học sinh nhập học, sẽ viết phiếu đăng ký lại tổ hợp môn để cụ thể hóa việc các em học ở lớp nào", cô Thúy chia sẻ.
Em Nguyễn Mai Lan, thí sinh dự thi vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho hay, cuối năm lớp 9, Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn đã chuyển giấy đăng ký nguyện vọng về cho giáo viên chủ nhiệm và đưa cho học sinh lớp 9 có đăng ký sơ bộ trước.
"Em nghĩ nhà trường phân chia tổ hợp như vậy cũng hợp lý, giúp chọn được các môn học phù hợp với năng lực học sinh", Mai Lan chia sẻ.
Theo nữ sinh này, khi còn học ở bậc trung học cơ sở, các em vẫn được học các môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) nhưng trong phiếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 không có các môn này do thiếu giáo viên.