Ngày 22/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã họp bàn xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội,...
Tại cuộc họp, theo các đại biểu, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vấn đề cho học sinh, sinh viên đi học hay nghỉ học rất quan trọng.
Do diễn biến dịch bệnh ở ngoài nước rất phức tạp, dư luận lại đặc biệt quan tâm, do đó các địa phương trong cả nước quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP |
Căn cứ vào tình hình phòng chống dịch bệnh trong nước, công tác bảo đảm các điều kiện an toàn trường học, xem xét các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm các nước có điều kiện tương đồng,… quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương là phải thực hiện đồng bộ 2 mũi “giáp công” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân,… các ý kiến cho rằng bây giờ, đã đến lúc xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Các ý kiến đều thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, công an, quân đội… mà của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho đến từng người dân.
Phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là câu chuyện của các địa phương hay tại Việt Nam mà có tính chất toàn cầu.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có chỉ đạo rất kịp thời ngay từ đầu.
Phó Thủ tướng khẳng định: Đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ kiểm soát những người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19.
Đặc biệt chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông cho toàn xã hội biết nguy cơ dịch bệnh này để mọi người dân cùng biết biết bảo vệ sức khoẻ của mình, tham gia chống dịch với tinh thần “hết sức thận trọng nhưng không quá lo sợ”.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở các nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành y tế và các bộ ngành, “không lúc nào được chủ quan, lơi lỏng”.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP |
Trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, Phó Thủ tướng lưu ý các cháu học sinh, nhất là trẻ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, chưa có đủ kiến thức, hiểu biết để gìn giữ đúng vệ sinh trong điều kiện có dịch.
Vì vậy, thời gian qua, các địa phương đã căn cứ vào điều kiện thực tiễn để điều chỉnh lịch học của học sinh nhưng vẫn đảm bảo theo khung chương trình năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là cần thiết.
Đồng thời nhiều giải pháp tăng cường bảo đảm môi trường vệ sinh an toàn trong trường học đã được thực hiện.
Đơn cử như hướng dẫn dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng, lau rửa trường lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập rất tỉ mỉ; hướng dẫn phụ huynh, giáo viên theo dõi sức khoẻ học sinh khi ở nhà cũng như khi đến trường…
Các bộ ngành cũng đã có những nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các nước vẫn tổ chức cho học sinh đi học trong điều kiện có dịch.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Vì sao Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19? |
Hiện nay, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng thì việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020.
Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không quyết định thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện yêu cầu chuyên môn nhằm bảo đảm trường lớp vệ sinh, an toàn một cách rất chi tiết như bố trí chỗ rửa tay ở đâu; lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang thế nào, ai lau; quy định cụ thể những người được ra, vào trường trong điều kiện có dịch.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước, bởi trụ sở cơ quan nhà nước còn có những người không rõ lai lịch đến làm việc còn trong trường học chúng ta biết rõ từng học sinh, từng giáo viên.
Các cháu học sinh được hướng dẫn biện pháp giữ vệ sinh cá nhân. Hàng ngày, phụ huynh, giáo viên, y tế trường học kết hợp với y tế cơ sở kiểm tra, nắm sát tình hình sức khoẻ của mỗi học sinh ở nhà cũng như khi đến trường. Làm được như vậy, phụ huynh và xã hội sẽ yên tâm.
Ngành giáo dục thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, các diễn đàn giáo dục… để hướng dẫn cụ thể đến phụ huynh, học sinh từ nhà đến trường giữ vệ sinh thế nào, vào trường thì làm những gì.
Qua đó thăm dò, tiếp thu các ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh để có các giải pháp thật cụ thể, đồng thuận thực hiện.
“Các đồng chí phải làm thật chứ không phải đề ra trên giấy để bảo đảm vệ sinh trường học”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nhất là về công tác kiểm soát đối tượng có nguy cơ, phát hiện, cách ly ngay người nhiễm COVID-19, tập trung điều trị theo mô hình phân tán, sử dụng công nghệ thông tin kết nối tất cả các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ đến tận y tế tuyến huyện.
Bảo đảm những trường hợp nhiễm COVID-19 đều được chữa khỏi. Những trường hợp có nguy cơ đều được cách ly.
“Chúng ta phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ý thức được nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, quan trọng là biết đúng những biện pháp để phòng bệnh cho mình và tham gia vào chống dịch trong sinh hoạt tại nhà, trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người, nơi làm việc. Không chủ quan nhưng cũng không hoảng sợ một cách vô lý”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công bố điều chỉnh khung chương trình
Bàn thảo về thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, các ý kiến đều thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới.
Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung, hiện tổng dân số Hà Nội, số người nước ngoài, sinh viên học tập lao động trên địa bàn Thủ đô vào khoảng 10,3 triệu; trong đó có hàng chục nghìn người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch. Hà Nội còn tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc (địa phương có người nhiễm COVID-19 nhiều nhất), ở gần biên giới phía Bắc,.. nên áp lực trong công tác phòng chống dịch bệnh rất lớn.
Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần phòng là chính, đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe của người dân, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, rà soát, sàng lọc, ngăn chặn, kịp thời cách ly các trường hợp nghi ngờ,… Đến giờ phút này trong số trên 2500 người thuộc diện kiểm soát chỉ còn 62 người đang cách ly, nếu không phát sinh gì thêm, thì tuần tới sẽ hết người cách ly. Trên địa bàn Thủ đô chưa có trường hợp nào dương tính với COVID-19.
Căn cứ thực tế tình hình phòng chống dịch bệnh ở trong nước, khả năng điều trị,… Hà Nội đề xuất đến ngày 2/3 sẽ tổ chức đi học lại. Đồng thời, Hà Nội cũng triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ trường học.
Đến nay, thành phố đã thực hiện 4 lần vệ sinh, tiêu độc khử trùng trường học, đến khi các cháu đi học sẽ phun đến lần thứ 5,… Đồng thời, thành phố cũng hướng dẫn, tập huấn toàn bộ cho giáo viên cách ứng xử, kỹ năng phát hiện, xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; không tổ chức chào cờ tập trung toàn trường, thực hiện chào cờ trong lớp học; giảm bớt các hoạt động tập thể tập trung đông người để bảo đảm an toàn;…
Chia sẻ với một số ý kiến còn lo lắng về việc quyết định cho đi học trở lại, lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu vấn đề: Chẳng lẽ chúng ta cứ lo suốt? Dịch SARS năm 2003 còn nguy hiểm hơn nhưng Hà Nội đã đối mặt và vượt qua. Thậm chí thời chiến tranh, Thủ đô bị ném bom, nhưng học sinh vẫn đi học, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường,…
Thực tế tại nhiều nước có dịch vẫn cho học sinh đi học bình thường. Vả lại, cho các cháu ở nhà cũng không phải là giải pháp an toàn. Thậm chí ở nhà không kiểm soát được còn nguy hiểm hơn là đi học.
Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học sẽ gây nhiều hệ lụy không chỉ đối với giáo dục và còn gây ảnh hưởng không tốt tới nhiều lĩnh vực khác… Do đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội một lần nữa nhắc lại đề nghị cho đi học trở lại kể từ ngày 2/3 tới.
Tán thành với đề xuất của Hà Nội, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Trường Đoàn Thị Điểm… đều cho rằng việc cho học sinh, sinh viên cả nước đi học trở lại vào đầu tháng 3 tới là phù hợp và khả thi.
Đồng thời, việc tổ chức đi học trở lại phải bảo đảm các giải pháp an toàn học đường để ngăn ngừa dịch bệnh như: Bố trí nước rửa, xà phòng,… đặt ở những khu vực đông người để sát khuẩn.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng học sinh, sinh viên đi học không phải đeo khẩu trang. Bởi đeo khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn ngừa người nhiễm bệnh lây lan ra cộng đồng, không có tác dụng phòng bệnh, thậm chí đeo khẩu trang không đúng cách còn không tốt cho sức khỏe… Thực tế cho thấy, trong mùa dịch du khách châu Âu đến Hà Nội rất đều nhưng không ai đeo khẩu trang. Thậm chí phát cho họ cũng không sử dụng. Sinh viên Đại học Y Hà Nội vẫn đi học bình thường và cũng không đeo khẩu trang trong lớp học.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng thực tế vẫn còn những tiềm ẩn và người dân vẫn còn lo lắng.
Do vậy bên cạnh việc tiếp tục thực hiện thật tốt các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh; bảo đảm cho con em chúng ta đến trường an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu đúng và cách hành xử đúng, không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, nhà trường, gia đình, hội phụ huynh cần phối hợp thật tốt trong việc này.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc cho trẻ em đi học, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói là phải bảo đảm an toàn về chuyên môn và an tâm về tâm lý. Cái khó là các cháu ở cấp học mầm non, tiểu học còn bé, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân trong phòng chống dịch bệnh, nên vừa qua các địa phương đã chủ động cho các cháu nghỉ học một thời gian.
Đây là việc làm cần thiết, để nhà trường chuẩn bị các điều kiện phòng dịch, khử khuẩn, tập huấn kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho các đội ngũ giáo viên…
Tính tới ngày 29/2 tới đây, học sinh, sinh viên cả nước sẽ nghỉ trọn 4 tuần. Bộ đã bàn rất kỹ và đang xây dựng quyết định chuẩn bị sau buổi hôm nay sẽ trình Bộ trưởng quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học.
Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ lùi một tháng tương ứng với thời gian đã nghỉ. Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 23-26/7, đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo, học sinh thi tốt nghiệp.
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - ông Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã có công điện gửi các đơn vị yêu cầu tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương để cho học sinh nghỉ học (không phải nghỉ đồng loạt), đồng thời tiến hành triển khai khử trùng, tiêu độc cơ sở đào tạo; tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho học sinh, giáo viên...
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về cơ bản các học viên đã trưởng thành và có ý thức phòng ngừa dịch bệnh nên không có vấn đề gì khi tổ chức đi học trở lại.