Chưa có quy định mới, sao nhiều địa phương vội dừng trả thâm niên giáo viên?

12/07/2020 06:59
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi thấy cần có sự chỉ đạo chính thức từ cơ quan có thẩm quyền việc cắt thâm niên hay không để các nhà giáo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Những ngày đầu tháng 7, câu chuyện nhà giáo quan tâm nhất vẫn là chuyện phụ cấp thâm niên.

Có những địa phương giáo viên vẫn nhận lương bình thường nhưng theo phản ánh từ nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, không ít địa phương đã dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo (ví như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang...). Có nơi lại chậm làm lương để nghe ngóng tình hình.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Vũ Ninh.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Vũ Ninh.

Người ta đưa ra cái lý, cứ tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên trước cho chắc ăn, nếu sau này có quyết định không bị cắt thì cho truy thu vẫn dễ dàng hơn cho giáo viên nhận bây giờ sau này phải truy thu lại thì khó hơn nhiều.

Giáo viên thì đương nhiên phản đối việc cắt phụ cấp thâm niên lúc này vì có thầy cô sau khi cắt thâm niên một tháng cả gia đình (2 vợ chồng làm giáo viên) bị mất đi vài triệu đồng thu nhập, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình.

Cơ quan chức năng đưa Luật Giáo dục 2019 ra làm căn cứ để tạm dừng chi trả thâm niên, còn các thầy cô giáo cũng chỉ biết trích dẫn những bài báo viết về việc này.

Tuy nhiên, ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu rõ:

“Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:

Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy Nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có ý kiến về việc giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương hiện hành cho đến khi có quy định mới. [1] [2] [3]

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, tại thời điểm này, lương của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nghĩa là: Các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đã trả lời Báo Lao Động:

"Chính phủ chưa ban hành hệ thống lương mới thì mọi chế độ vẫn được thực hiện như cũ.

Như vậy, tính đến nay có thể nói thời điểm 1.7.2020, phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị cắt, giáo viên vẫn hưởng lương theo hệ số tính trên mức lương cơ sở dự kiến là 1.490.000 đồng/tháng khi Quốc hội chính thức đồng ý dừng tăng lương cơ sở cho đến khi có quyết định mới.” [4]

Luật Giáo dục 2019 quy định tiền lương giáo viên thế nào?

Theo Điều 76, Luật Giáo dục 2019 thì lương của “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.” Cụ thể:

Thu nhập giáo viên = Tiền lương theo vị trí việc làm + phụ cấp đặc thù nghề .

Nghĩa là thâm niên của giáo viên không còn nữa, thay vào đó lương giáo viên đã được xếp theo vị trí việc làm cùng phụ cấp đặc thù nghề và lúc này phụ cấp thâm niên mới bị cắt.

Nay, Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực nhưng lương giáo viên vẫn đang ăn mức lương cũ, chưa được xếp lương theo vị trí việc làm. Vậy cớ gì, chúng tôi lại bị cắt thâm niên?

Việc cắt thâm niên lúc này, đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn nhà giáo.

Bên cạnh đó, nơi thực hiện cắt ngay thâm niên, nơi chậm làm lương để đợi công văn hướng dẫn.

Giáo viên đa phần chỉ có đồng lương nên bị cắt thâm niên lúc này cũng như chậm nhận lương hàng tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của nhà giáo.

Cùng với đó, lại có nơi vẫn nhận thâm niên bình thường gây nên sự so sánh, phân bì, sự bất ổn trong chế độ chính sách cho nhà giáo.

Bởi thế, chúng tôi thấy ngay tại thời điểm này, cần có công văn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền trong việc hướng dẫn chuyện thâm niên để các nhà giáo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/kien-nghi-chinh-phu-xem-xet-sua-oi-en-che-o-chinh-sach-tien-luong-ai-ngo-thu-hut-oi-voi-oi-ngu-y-bac-si-vi-hien-nay-muc-luong-khoi-iem-cua-bac-si-ra-t?fbclid=IwAR1NWJHnI4f8s0SB94Pd5IuYBDxtmhsIKowQKngcSZ5eAM2HQ-baEKAJ20o

[2]https://www.bacgiang.gov.vn/documents/20181/8756222/1593404062822_2264.pdf/a66543b3-ac6c-45fd-a62b-85b763688e2f?fbclid=IwAR1aONQnvf67TdkW_CcExLFH-9FvtezABvp8064d596_Lj2ZODoT0PVPbjE

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cuc-nha-giao-thay-co-yen-tam-khong-co-chuyen-luong-giao-vien-se-bi-giam-post210517.gd

[4]https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-chua-bi-cat-phu-cap-tham-nien-theo-luat-giao-duc-moi-811596.ldo

Phan Tuyết