Chưa đăng 3 công khai năm học 2022-2023, ĐH FPT nói do Bộ duyệt chỉ tiêu chậm

28/02/2024 06:46
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo đại diện nhà trường, năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học FPT được Bộ GD&ĐT phê duyệt chậm nên chưa có căn cứ làm báo cáo.

Tổ chức giáo dục FPT được thành lập năm 1999, là một trong các đơn vị thành viên nắm giữ 1 trong 3 hoạt động cốt lõi của Tập đoàn FPT (viễn thông, công nghệ, giáo dục). Trong đó, Trường Đại học FPT được chính thức ra mắt vào năm 2006.

Trên website của Trường Đại học FPT có ghi sứ mệnh của nhà trường là: “Cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”.

Hiện Trường Đại học FPT do Tiến sĩ Lê Trường Tùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành là Hiệu trưởng.

Trường Đại học FPT có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học FPT có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Chưa đăng tải báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023

Căn cứ theo Điều 8, Chương I, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định, báo cáo 3 công khai cần đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm và cập nhật vào đầu năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

Tuy nhiên, vào ngày 29/1/2024, phóng viên truy cập vào trang thông tin điện tử của Trường Đại học FPT chỉ tìm thấy dữ liệu báo cáo 3 công khai gần nhất là năm học 2021-2022, không có báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 dù hiện tại đã là học kỳ II năm học 2023-2024.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Nga - Trưởng ban truyền thông Trường Đại học FPT thừa nhận nhà trường chưa công bố báo cáo 3 công khai năm học này. Nguyên nhân được bà Nga lý giải:

“Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học FPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chậm. Chỉ tiêu tuyển sinh do trường xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt dựa vào các thông tin trong báo cáo kết quả tuyển sinh năm trước và xác định chỉ tiêu năm hiện tại; và các thông tin trong báo cáo ba công khai cũng là nội dung chính của các báo cáo này.

Do xem xét phê duyệt chậm, nên ở thời điểm tháng 6, trường chưa có thông tin chính thức liên quan đến báo cáo 3 công khai để công bố. Thông tin trong báo cáo 3 công khai là một trong các cơ sở quan trọng để thí sinh chọn trường. Tuy nhiên, thời điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thí sinh đã hoàn tất việc chọn trường và đăng ký nguyện vọng.

Trong quá trình chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Trường Đại học FPT tập trung vào công tác tuyển sinh, do vậy đã chưa đưa báo cáo này lên website của trường”.

Ngày 29/1/2024, phóng viên truy cập vào website của Trường Đại học FPT và không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023. (Ảnh chụp màn hình ngày 29/1/2024)

Ngày 29/1/2024, phóng viên truy cập vào website của Trường Đại học FPT và không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023. (Ảnh chụp màn hình ngày 29/1/2024)

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu, với hành vi không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Quy mô đào tạo liên tục tăng, có năm tăng đến 71,7%

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học FPT các năm 2021, 2022, 2023 quy mô đào tạo của nhà trường ở hệ đại học chính quy tăng mạnh.

Cụ thể, quy mô đào tạo của Trường Đại học FPT năm 2021 (tính đến ngày 31/12/2021) là 22.210 sinh viên so với năm 2020 (tính đến ngày 31/12/2020) là 12.937, tăng 9.273 sinh viên (tương đương tăng 71,7%).

Năm 2022 (tính đến ngày 31/12/2022) quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của trường là 34.943 sinh viên, so với năm 2021 (tính đến ngày 31/12/2021) tăng 12.733 sinh viên (tương đương tăng 57,3%).

Trong đó, khối ngành III (gồm ngành: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế) và khối ngành V (gồm ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính) tăng nhanh nhất. Cụ thể:

Thống kê đến ngày 31/12/2020 khối ngành III có 2.673 sinh viên nhưng đến ngày 31/12/2021, khối ngành III có 6.246 sinh viên (tăng 3.573 sinh viên, tương đương tăng 133,67%).

Ở khối ngành V, tính đến ngày 31/12/2020 nhà trường có tất cả 7.763 sinh viên nhưng chỉ sau 1 năm đã tăng lên 13.604 sinh viên (tăng 5.841 sinh viên, tương đương tăng 75,2%).

Tương tự, tới 31/12/2022, quy mô đào tạo của trường tiếp tục tăng mạnh so với năm 2021, nhất là khối ngành III và khối ngành V. Theo đó, khối ngành III tăng 77,9%; khối ngành V tăng 58,5%.

quy-mo-dt.JPG
Quy mô đào tạo của Trường Đại học FPT qua các năm. Số liệu tổng hợp từ đề án tuyển năm 2021, 2022, 2023.

Về việc tăng quy mô đào tạo của trường, các khối ngành, Trưởng ban truyền thông Trường Đại học FPT thông tin: "Năm 2023, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thống kê quy mô đào tạo và tuyển sinh được thực hiện theo lĩnh vực chứ không theo khối ngành.

Với Trường Đại học FPT, trong các năm vừa qua, bên cạnh trụ sở chính trường còn mở rộng hoạt động và triển khai đào tạo ở 4 phân hiệu tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Định nên quy mô của trường có sự tăng trưởng. Tất cả các số liệu này đều được báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo và được Bộ xem xét, phê duyệt".

Theo tìm hiểu của phóng viên qua báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có xu hướng tăng.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học FPT 2 năm gần nhất được tổng hợp từ báo cáo báo 3 công khai của trường.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học FPT 2 năm gần nhất được tổng hợp từ báo cáo báo 3 công khai của trường.

Căn cứ vào bảng số liệu trên cho thấy, năm học 2020-2021 nhà trường chỉ có 5 giảng viên có chức danh phó giáo sư thì đến năm học 2021-2022, số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư tăng lên 16 thầy cô (tăng 11 thầy cô, tương đương tăng 220%).

Tương tự, giảng viên trình độ tiến sĩ năm học 2021-2022 tăng 90 thầy cô so với năm học 2020-2021 (tương đương 132,4%).

Ở trình độ thạc sĩ, số lượng giảng viên năm học 2021-2022 tăng 267 thầy cô so với năm học 2020-2021 (tương đương 57,7%).

Về cơ cấu đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học FPT, số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, năm học 2020-2021, nhà trường có 463 giảng viên trình độ thạc sĩ (chiếm 66,05% trên tổng số giảng viên).

Năm học 2021-2022, nhà trường có 730 giảng viên có trình độ thạc sĩ (chiếm 67,03% trên tổng số giảng viên).

bieu-do-1.jpg
Cơ cấu tỷ lệ trình độ giảng viên của Trường Đại học FPT 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Đáng chú ý, một số ngành nhà trường chỉ có 1 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu như: Thiết kế đồ họa (1 tiến sĩ, 10 thạc sĩ); Kinh doanh quốc tế (1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ); An toàn thông tin (1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ); Khoa học máy tính (1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ); Ngôn ngữ Hàn (1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ); Truyền thông đa phương tiện (1 tiến sĩ, 9 thạc sĩ); Quản trị khách sạn (1 tiến sĩ, 9 thạc sĩ).

Trong khi đó, theo Khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành trình độ đại học cần đảm bảo: "Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy".

Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng ban Truyền thông Trường Đại học FPT cho biết: "Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ chuẩn của giảng viên đại học là thạc sĩ trở lên. Hiện nay, giảng viên có trình độ tiến sĩ của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chiếm trên dưới 30%, đồng nghĩa với việc số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ vẫn chiếm đa số. Đây là bức tranh chung của giáo dục đại học Việt Nam, và Trường Đại học FPT không nằm ngoài xu hướng này.

Tuy vậy, trường vẫn tập trung thực hiện các hoạt động để tiếp tục tăng trưởng số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ và cao hơn bằng những chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo phù hợp".

Về việc một số ngành nhà trường chỉ có 1 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu bà Nga cho hay: "Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để mở ngành cần có ít nhất 01 tiến sĩ đúng chuyên ngành là giảng viên cơ hữu chịu trách nhiệm chủ trì ngành. Ngoài ra cần có thêm 4 (hoặc 2 đối với ngành đào tạo ngôn ngữ và một số ngành đặc thù) tiến sĩ tham gia giảng dạy các môn học của ngành được mở. Các môn này thuộc nhiều lĩnh vực và chuyên môn của các tiến sĩ cùng tham gia giảng dạy cũng thuộc nhiều lĩnh vực chứ không chỉ chuyên ngành. Số liệu thống kê chỉ là số giảng viên có chuyên ngành được đào tạo đúng ngành được mở".

Có đề tài nghiên cứu khoa học nhưng không có nguồn thu

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, nguồn thu của Trường Đại học FPT chủ yếu đến từ học phí. Cụ thể:

Năm 2020 tổng thu của nhà trường là 911.8 tỷ đồng. Trong đó, từ học phí là 842.8 tỷ đồng (chiếm 92,4%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 69 tỷ đồng (chiếm 7,6%). Đáng chú ý, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ Trường Đại học FPT bỏ trống, không có số liệu.

Năm 2021, tổng thu của trường là 1487.6 tỷ đồng. Trong đó, từ học phí là 1389.5 tỷ đồng (chiếm 93,4%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 98.1 tỷ đồng (chiếm 6,6%). Tương tự như năm 2020, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học FPT bỏ trống.

TONG-THU.jpg
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học FPT cả 2 năm 2020 và 2021 đều bỏ trống. (Ảnh chụp màn hình)
Tổng nguồn thu và cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học FPT năm 2020, năm 2021 . (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Tổng nguồn thu và cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học FPT năm 2020, năm 2021 . (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo 3 công khai hai năm này, nhà trường có 6 hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn.

Trong đó có 1 đề tài thực hiện trong năm 2017, 1 đề tài thực hiện từ năm 2016-2018, 1 đề tài thực hiện từ năm 2019-2021, 1 đề tài thực hiện từ năm 2020-2022. Kinh phí thực hiện của các đề tài dao động từ 535 triệu đồng - 20 tỷ đồng.

Mặc dù có 6 hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn nhưng trong báo cáo 3 công khai về nguồn thu nhà trường lại không có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trưởng ban Truyền thông Trường Đại học FPT thông tin: "Nguồn thu chủ yếu của Trường Đại học FPT gồm nguồn đầu tư từ Tập đoàn FPT và học phí thu từ người học. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đang có giá trị nhỏ và chiếm tỉ trọng nhỏ so với khoản thu khác của trường nên chúng tôi không liệt kê. Trường vẫn đang có kế hoạch để tăng dần nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư và khởi nghiệp".

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học FPT như sau:

Khối ngành II: Thiết kế đồ họa

Khối ngành III: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế

Khối ngành V: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính

Khối ngành VII: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị khách sạn

Nhật Lệ