Cục Quản lý chất lượng nêu giải pháp hạn chế bất cập trong thực hiện 3 công khai

30/12/2023 06:37
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng, nhiều nội dung công khai tại Thông tư 36 đã không còn phù hợp với quy định hiện hành.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã được triển khai nhiều năm.

Việc thực hiện công khai nhằm mục đích để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, thực tế việc thực hiện 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn chưa thật sự nghiêm túc, kịp thời và đầy đủ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp thông tin được cung cấp tới người học và gây khó khăn cho việc giám sát của xã hội với cơ sở giáo dục đó.

Để có thêm thông tin về công tác quản lý, thực hiện 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

_____
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay, việc gửi báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học và hậu kiểm với các báo cáo này đang được thực hiện ra sao? Ông đánh giá việc thực hiện Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có vấn đề gì cần được giám sát chặt chẽ hơn để thực hiện đúng các quy định?

Ông Phạm Quốc Khánh: Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Thông tư 36) được ban hành từ năm 2017, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật (văn bản quy phạm pháp luật) được sử dụng làm căn cứ ban hành Thông tư 36 đều đã được thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới.

Đơn cử, Luật Giáo dục năm 2019 thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục năm 2009; Luật Giáo dục đại học năm 2018 được Quốc hội thông qua sửa đổi nhiều nội dung của Luật Giáo dục đại học năm 2012; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã được thay thế bởi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục…

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, trong đó có nhiều nội dung quy định chi tiết về việc công khai của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học; ngoài việc thực hiện công khai còn phải cập nhật thông tin liên quan đến nội dung công khai trên cơ sở dữ liệu ngành. Trách nhiệm minh bạch, công khai thông tin của cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội trong bối cảnh thay đổi cơ chế quản lý nhà nước từ hành chính tập trung sang trao quyền tập trung vào quá trình và chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thực tế, do có nhiều quy định mới về nội dung, cách thức, thời gian công khai trong các văn bản nêu trên đã thay thế cho một số nội dung có liên quan tại Thông tư 36 làm cho Thông tư này không còn giữ nguyên tính tổng thể. Bên cạnh đó, nhiều nội dung công khai còn gắn với việc cập nhật số liệu trên trên cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật .

Vì vậy, với 21 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 36 chi tiết các nội dung mà cơ sở giáo dục cần công khai có nhiều nội dung chồng chéo, không bảo đảm tính thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, không còn phù hợp với quy định hiện hành về tuyển sinh; mở ngành; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy đối với đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục tư thục, phần nào gây khó khăn cho cơ sở giáo dục khi thực hiện.

Dự thảo Thông tư mới được bố cục lại theo hướng giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 02 phụ lục trong Dự thảo). Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, do thông tin cơ bản công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành. Dự thảo chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Về hình thức và thời điểm công khai, Dự thảo Thông tư đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai ở cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non chưa có cổng thông tin điện tử), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Ngoài ra, Dự thảo còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.

Để giảm bớt thủ tục phiền hà trong báo cáo và tăng cường tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình của cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Dự thảo lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương, cơ sở giáo dục chỉ phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới của nữa của Dự thảo Thông tư là bổ sung quy định về nội dung Báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của Thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục trong theo từng năm. Thông qua số liệu công khai trong Báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh của năm sau so với năm trước.

_____
Phóng viên: Nếu các trường thực hiện không đúng Thông tư 36 như không đăng tải thông tin 3 công khai, đăng không đúng thời điểm quy định, đăng không đầy đủ, đăng sai thông tin thì hình thức xử lý ra sao?

Ông Phạm Quốc Khánh: Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công khai được quy định cụ thể trong Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể như sau:

Vi phạm về công khai trong tổ chức quản lý cơ sở giáo dục được quy định tại điểm a khoản 1; điểm b, c khoản 2; điểm a khoản 5 Điều 7; vi phạm các quy định công khai liên quan đến tuyển sinh, văn bằng chứng chỉ, liên kết đào tạo… được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13; điểm a, b khoản 1 Điều 16; Điều 23; vi phạm về công khai trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục được quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 34;...

_____
Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng xử lý trường hợp cơ sở giáo dục đại học nào không thực hiện đúng các quy định của Thông tư 36 chưa, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Khánh: Cục Quản lý chất lượng mới được chuyển giao tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi công khai của cơ sở giáo dục đào tạo theo Thông tư 36 từ 2 năm học gần đây. Trong quá trình triển khai các cuộc kiểm tra theo kế hoạch hằng năm, Cục Quản lý chất lượng đã phát hiện một số bất cập trong quy định và đã tập trung việc đánh giá để xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 36. Dự kiến trong quý I năm 2024 sẽ được ban hành. Cục không có thẩm quyền xử phạt, vì vậy trong quá trình kiểm tra nếu cơ sở có thiếu sót chưa đến mức xử lý thì đoàn kiểm tra yêu cầu trường thực hiện ngay.

_____
Phóng viên: Qua thực tiễn thực hiện Thông tư 36 của các cơ sở giáo dục đại học, ông có kiến nghị, giải pháp gì để việc thực hiện Thông tư 36 đầy đủ, hiệu quả, thúc đẩy việc thực hiện minh bạch, công khai hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học?

Ông Phạm Quốc Khánh: Như đã nêu tại câu hỏi trên, sau 2 năm học được nhận chuyển giao theo dõi việc thực hiện Thông tư 36, Cục Quản lý chất lượng đã tham mưu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 36 với mong muốn sau khi Thông tư mới được ban hành đi vào hoạt động sẽ thuận lợi cho việc minh bạch thông tin và thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, thanh tra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Nhàn