Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/3/2021. [1]
Các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đều có điểm chung là mỗi cấp học giáo viên đều được xếp thành 3 hạng: Hạng III, hạng II, hạng I. Quy định về chuẩn trình độ đào tạo của hạng thấp nhất (hạng III) là giáo viên phải có bằng Cử nhân.
Quy định về chuẩn trình độ đào tạo của hạng thấp nhất (hạng III) là giáo viên phải có bằng Cử nhân. (Ảnh mang tính chất minh họa: Lã Tiến) |
Chưa kịp mừng giáo viên lại lo lắng với chuẩn mới
Giáo viên cả nước vui mừng từ nay hết cảnh phải bỏ một khoản tiền không nhỏ cho chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Thế nhưng bên cạnh niềm vui là sự lo lắng không hề nhỏ của một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu mới.
Thầy giáo Lê Bình ở Vũng Tàu chia sẻ “Mình thấy mừng cho anh em khi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã được Bộ thay đổi từ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Đây cũng là bước khởi đầu để chúng ta đánh giá năng lực thực sự của giáo viên thay vì qua bằng cấp, bằng thật nhưng học giả còn tệ hơn không có bằng nhưng làm được việc.
Niềm vui là niềm vui chung, nhưng lo lắng lại của riêng mình. Mình chưa có bằng cử nhân, chỉ còn vài năm nữa về hưu, không thuộc đối tượng đào tạo bồi dưỡng, bỗng thấy hụt hẫng.
Đọc Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, giáo viên trung học cơ sở có ba hạng, hạng III phải có bằng Cử nhân trở lên. Như vậy mình và những giáo viên như mình đã không còn trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương nữa.
Vậy đối tượng giáo viên như mình sẽ được đánh giá như thế nào, xếp lương như thế nào, lo lắng bất an quá. Nếu Bộ tạo điều kiện cho chúng mình nghỉ hưu trước tuổi, không bị trừ % lương hưu thì hay quá”.
Ngành giáo dục sẽ không bỏ rơi thầy cô chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm trích xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là: 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).
Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người).
Giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người). Giáo viên trung học cơ sở: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người)”.
Theo số liệu thống kê, có 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý (trong đó, mầm non: 7.207 người, tiểu học: 25.171 người, trung học cơ sở: 7.881 người) không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo sẽ thuộc đối tượng quy định tại Thông tư quy định sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo”.
Khi trả lời về hướng giải quyết cho 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
“Đa số giáo viên, cán bộ quản lý thuộc diện này đều là những giáo viên có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm, nhiều người là giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, quản lý trong các cơ sở giáo dục.
Những giáo viên, cán bộ quản lý này tiếp tục được tham gia các khóa bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”. [2]
Như vậy, thầy cô giáo thuộc đối tượng chưa chuẩn trình độ đào tạo nhưng không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo hãy yên tâm công tác, thầy cô sẽ tiếp tục được tham gia các khóa bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đôi điều kiến nghị
Hiện nay, chúng ta đang có hơn 70 ngàn cử nhân Sư phạm thất nghiệp, đây là những cử nhân trẻ, được đào tạo nhưng không được sử dụng, là sự lãng phí rất lớn của xã hội. [3]
Vì vậy, nếu Bộ tạo điều kiện nghiên cứu trình Chính phủ phương án cho 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo được về hưu trước tuổi (nếu muốn), không bị trừ tỷ lệ % lương hưu, sẽ giải được hai bài toán lớn của ngành giáo dục hiện nay:
1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về sức khỏe lẫn trình độ.
2. Tiết kiệm nguồn lực con người và chất xám cho xã hội.
Bộ cần có hướng dẫn thực hiện thông tư thật cụ thể, chi tiết cho các địa phương khi thực hiện các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT, tránh tổn thương cho thầy cô giáo không đạt chuẩn trình độ đào tạo, không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-chinh-thuc-bo-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-thay-co-post215431.gd
[2] https: //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html
[3] http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/857714/hon-70000-giao-vien-se-that-nghiep-co-cau-lai-truong-su-pham-ra-sao