Chuẩn cơ sở GDĐH cần phân biệt loại hình trường, tránh quy định "đồng phục"

12/07/2023 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với các trường đào tạo khối ngành Khoa học xã hội, việc đạt tỉ trọng nguồn thu từ hoạt động khoa học – công nghệ vốn không dễ thực hiện.

Bên cạnh đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đối với các trường đại học định hướng nghiên cứu

Tỉ trọng thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là một trong những tiêu chí được quy định trong Dự thảo thông tư “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường đại học, không phải cơ sở giáo dục nào cũng đạt được tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ như trong dự thảo quy định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, nhà trường đạt được cả 2 tiêu chí trong Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, với tiêu chí 6.1. quy định “tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%”, trường đạt 20-30%. Có năm, trường đạt hơn 30%.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình đang giới thiệu về hệ thống Chip sinh học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình đang giới thiệu về hệ thống Chip sinh học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lý giải nguyên nhân vì sao đạt được tỉ trọng trên, thầy Trình cho biết, trong hoạt động khoa học công nghệ, ngoài nguồn kinh phí được cấp từ cơ quan chủ quản, trường còn xin được kinh phí từ các bộ, ngành, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó, hoạt động khoa học - công nghệ của trường có phần lớn kinh phí đầu tư từ các doanh nghiệp.

Trên thực tế, đối với các trường đại học không định hướng nghiên cứu thì sẽ khó đạt được tiêu chí 6.1 do không thu hút được nhiều dự án và các nguồn đầu tư.

Vậy nên, theo Giáo sư Chử Đức Trình, để thực hiện được tiêu chí 6.1, dự thảo thông tư "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" cần quy định chi tiết hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, nên quy định tỉ trọng thu được từ hoạt động khoa học - công nghệ theo đặc thù trường đại học. Bởi vì, trường đại học đào tạo khối ngành kinh tế có đặc thù nghiên cứu khác với khối ngành công nghệ, kỹ thuật, nên nguồn thu từ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu gần như không có, khiến tỉ trọng thu hút từ hoạt động khoa học – công nghệ trên tổng thu khó đạt theo quy định dự thảo.

Còn đối với trường đại học đào tạo về công nghệ, kỹ thuật, hàng hải,… có nguồn đầu tư cho trang thiết bị, nguyên vật liệu lớn nên tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học – công nghệ cao, dễ đạt được tiêu chí.

Thứ hai, có thể để cơ sở giáo dục đại học tự phấn đấu dựa trên chỉ tiêu khoa học công nghệ của từng trường. Bởi, đối với trường đào tạo khối ngành Khoa học xã hội, việc đạt tỉ trọng nguồn thu từ hoạt động khoa học – công nghệ vốn không dễ thực hiện.

Về tiêu chí 6.2. quy định số lượng công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài/năm, Giáo sư Trình cho biết, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng không dễ để đạt tiêu chí này.

“Những năm gần đây, nhà trường quy định mỗi giảng viên phải đạt 1,4 bài/năm. Nhưng trong năm 2022, trung bình mỗi giảng viên chỉ đạt 1 bài.

Để đạt được những con số này, trường bắt buộc giảng viên phải có giờ khoa học và công bố khoa học. Đồng thời, trường có hỗ trợ cho giảng viên làm nghiên cứu khoa học như: đầu tư cơ sở vật chất, chỗ ngồi làm việc cho giảng viên, trang bị máy móc, phân bổ kinh phí về từng khoa trong trường để hỗ trợ giảng viên làm nghiên cứu, từ đó tạo ra sắc màu nghiên cứu. Gần đây, trường thực hiện thêm chính sách hỗ trợ cho giảng viên có các bài báo, công bố khoa học", thầy Trình chia sẻ.

Để thuận lợi cho các trường, quy định về số lượng bài báo khoa học trong dự thảo cũng nên được phân bổ theo từng đơn vị trường khác nhau.

Cùng trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Đào tạo của một trường đại học chia sẻ, từ trước đến nay, nhà trường chú trọng tới hoạt động đào tạo, còn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn hạn chế.

Mặc dù nhà trường quy định giảng viên nữ dưới 40 tuổi và giảng viên nam dưới 45 tuổi phải tích cực tham gia làm nghiên cứu, có công bố khoa học và kế hoạch làm nghiên cứu sinh (đối với giảng viên chưa đạt trình độ tiến sĩ) để nâng cao chất lượng giảng dạy, đóng góp cho hoạt động khoa học - công nghệ.
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn 6, nhà trường khó đạt. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường hiện chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu, đặc biệt là hệ thống các phòng thí nghiệm chưa được đầu tư cải tiến, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, điều kiện nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ của Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc ban hành các quy định mang tính “đồng phục” cho tất cả các trường đại học mà không tính đến định hướng, điều kiện, môi trường hoạt động,… là khó khăn cho các trường.

“Sau khi nghiên cứu dự thảo thông tư "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn chung, tôi nhận thấy rằng, trong xu thế chuyển đổi số và bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đưa ra các tiêu chí mang nặng tính vật lý như: tỉ lệ sinh viên/giảng viên, tỉ lệ giảng viên cơ hữu, diện tích đất, diện tích sàn/sinh viên,… trong xu thế của đào tạo trực tuyến, trao đổi học thuật quốc tế,… liệu có phù hợp?

Với tiêu chí 6.2, riêng năm 2022, số lượng công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian của trường đạt khoảng 0,2 bài/năm.

Ở tiêu chí 6.1, theo tôi được biết, năm 2022, tỉ lệ thu từ hoạt động dịch vụ, khoa học - công nghệ của trường đạt 12,27%”, cán bộ Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết.

Vị này kiến nghị, việc xây dựng “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” cần phải được xem xét, nghiên cứu, cũng như tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, tránh tình trạng Chuẩn được ban hành nhưng không có tính khả thi hoặc nếu được áp dụng vào thực tiễn thì phần lớn các trường đại học không đạt tiêu chuẩn (Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT là một ví dụ).

Ngọc Mai