Lãnh đạo ĐH địa phương chỉ ra chỉ số trong dự thảo Chuẩn CSGDĐH chưa phù hợp

26/06/2023 06:23
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo, giảng viên của một số trường cho rằng có những tiêu chí trong dự thảo cần xem xét, điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm của trường ĐH địa phương.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc kết quả hoạt động mà một cơ sở đào tạo phải đáp ứng, được đánh giá theo các tiêu chí và chỉ số tương ứng. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 6 tiêu chuẩn gồm tổ chức và quản trị, giảng viên, điều kiện dạy và học, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu đổi mới và sáng tạo.

Trước các tiêu chí trong dự thảo, một số ý kiến cho rằng có những điểm chưa được phù hợp với các trường đại học địa phương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đức Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho hay, tại Tiêu chuẩn 6 về Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của dự thảo có đưa ra quy định: "Tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 5%, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%".

Tuy nhiên, tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ như vậy là cao đối với các trường đại học địa phương, khiến các trường khó có thể đạt được. Bởi, các trường địa phương vốn hạn chế cơ hội về các hoạt động khoa học – công nghệ hơn so với các trường đã có bề dày phát triển trong việc được chọn thực hiện các đề tài có nguồn thu lớn.

Sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng trong tiết thực hành (Nguồn: Báo Quảng Ngãi).

Sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng trong tiết thực hành (Nguồn: Báo Quảng Ngãi).

Hơn nữa, trong Tiêu chuẩn 6 của dự thảo cũng đưa ra quy định về số lượng công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài/năm, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ (không phải trường chuyên ngành đặc thù) chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus.

Theo thầy Hoàng, tiêu chí này là cao đối với các trường đang phát triển đội ngũ giảng viên nên số công bố khoa học tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian chưa thể theo kịp được mức tối thiểu 0,3 bài/năm.

Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên cũng cho rằng, các quy định về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ, số lượng công bố khoa học) đưa ra chưa phù hợp lắm, bởi quy định này còn phải phụ thuộc vào trường đó phát triển theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng.

Trường nào phát triển theo định hướng nghiên cứu phải quy định tỉ trọng và số lượng công bố khoa học của hoạt động khoa học – công nghệ này cao hơn trường đại học theo định hướng ứng dụng.

Đối với trường đại học địa phương như Trường Đại học Phú Yên cũng không phát triển mạnh về hoạt động khoa học công nghệ như các trường theo định hướng nghiên cứu nên sẽ gặp khó khăn nếu áp quy định như vậy.

Mặt khác, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tại Tiêu chuẩn 4, Tiêu chí 4.3 nêu “Hệ số biến động tài sản ròng, tính trung bình của 3 năm gần nhất và áp dụng đối với cơ sở đào tạo đã hoạt động từ 10 năm trở lên, không thấp hơn 2%” không phù hợp với các các trường đại học địa phương.

Theo thầy Hoàng, nếu áp dụng tiêu chí quy định này, các trường đại học địa phương sẽ rất khó để đạt được, bởi trong cơ cấu tài sản, chủ yếu là giá trị vật kiến trúc, được tỉnh đầu tư và số hao mòn hàng năm lớn. Phần hao mòn này không được tính là phần tích lũy tái đầu tư. Kinh phí nhà trường tự chủ để đầu tư rất hạn chế, không thể bù đắp được số hao mòn hàng năm nên giá trị tài sản ròng luôn nhỏ hơn .

Bên cạnh đó, thầy Hoàng cũng bày tỏ quan điểm, không nên tính kinh phí thực hiện nhiệm vụ không thường xuyên vào tổng thu hoạt động vì nguồn thu này không mang tính ổn định như Tiêu chí 4.4 của dự thảo đưa ra là “Chỉ số tăng trưởng bền vững, được xác định từ tăng trưởng tổng thu và tăng trưởng nguồn thu ngoài học phí, tính trung bình của 3 năm gần nhất, không thấp hơn 2%”.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã đưa ra một số đề xuất, ý kiến đóng góp để chuẩn cơ sở giáo dục đại học được phù hợp hơn cho tất cả các trường và góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học nước ta.

Thứ nhất, về Khoản 10, Điều 2 nêu “Đạt chuẩn là việc một cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn theo kết quả đánh giá hằng năm” nên điều chỉnh thành “Đạt chuẩn là việc một cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học đáp ứng từ 80% các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn theo kết quả đánh giá hằng năm”.

Thứ hai, về Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3, nên điều chỉnh Mục a, Tiêu chí 2.3 từ “Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù” nên điều chỉnh thành “Đạt trên 15% từ năm 2025 đạt trên 20% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù”.

Tường San