Trường Đại học Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành với định hướng ứng dụng cao. Theo thông tin nhà trường cập nhập trên website, đơn vị có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành thạo ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo xu thế hội nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và của đất nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Hà Nội trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong tốp đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
Hiện nay, đơn vị đang đào tạo cả 3 trình độ: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Gặp khó trong việc đạt yêu cầu về nguồn thu khoa học công nghệ
Theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 03 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Theo số liệu công khai tài chính của nhà trường, phóng viên nhận thấy tổng nguồn thu tài chính của Trường Đại học Hà Nội đang bao gồm nguồn thu từ ngân sách, nguồn thu từ học phí và nguồn thu khác chứ không kê khai cụ thể nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và công nghệ là bao nhiêu.

Để tìm hiểu cụ thể, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có câu hỏi gửi đến nhà trường. Phúc đáp nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết: Để đạt được yêu cầu 5% nguồn thu khoa học công nghệ như Thông tư 01 yêu cầu, đối với nhà trường không phải chuyện dễ dàng.
Theo đó, tổng nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường đang chiếm 4,5% tổng nguồn thu.
Lý giải điều này, cô Phương cho biết phần lớn các nghiên cứu của nhà trường thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cũng như các ngành quản trị và kinh doanh. Những lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào nghiên cứu lý thuyết thay vì nghiên cứu để có thể chuyển giao trực tiếp, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ – một yếu tố quan trọng để tạo ra nguồn thu từ khoa học và công nghệ đối với nhà trường không phải là điều dễ dàng.
“Tuy nhiên, nhà trường vẫn cố gắng để thực hiện chiến lược tăng nguồn thu từ khoa học và công nghệ như thương mại hoá một số phần mềm dạy và học ngoại ngữ mà nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng được. Mặt khác cung cấp các dịch vụ tư vấn xuất phát từ kết quả nghiên cứu; xây dựng và chuyển giao một số phần mềm từ các nghiên cứu của ngành công nghệ thông tin. Đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả hợp tác trong các dự án nghiên cứu với đối tác nước ngoài”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương cho hay.
Theo Tiêu chuẩn 2 tại Thông tư 01 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ lại yêu cầu: "Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.
Trong khi đó phóng viên tìm hiểu, năm học 2023 - 2024, tổng số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Hà Nội là 512, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 105 (chiếm 20,5% trên tổng số giảng viên).
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết, đặc thù của Trường Đại học Hà Nội là giảng dạy tất cả các chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 11 ngành ngôn ngữ và 11 ngành khác giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Yêu cầu cao về năng lực, trình độ ngoại ngữ đối với giảng viên chính là thách thức của nhà trường trong công tác tuyển dụng. Chưa kể hiện nay, yêu cầu đối với giảng viên đại học khá cao, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà còn phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ ở bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
Bên cạnh đó là tình trạng chảy máu chất xám từ các trường đại học công lập do có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ lĩnh vực tư nhân nói chung, các trường đại học tư thục nói riêng. Tình trạng một số ít giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài theo học bổng của chính phủ Việt Nam hoặc chính phủ nước ngoài không trở về Việt Nam mà lựa chọn định cư tại nước ngoài cũng đã khiến cho việc tuyển dụng giảng viên trình độ cao ở các cơ sở giáo dục đại học trở nên khó khăn hơn.
“Do đó, số lượng giảng viên mà nhà trường tuyển dụng mới trong những năm qua chỉ đủ bù lại cho số lượng giảng viên đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác. Hiện nay, nhà trường đang gấp rút xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài chất lượng cao, tập trung vào đối tượng giảng viên có bằng tiến sĩ, có khả năng nghiên cứu khoa học và công bố khoa học tốt để phát triển đội ngũ giảng viên của đơn vị”, cô Phương thông tin.

Diện tích đất/sinh viên mới đạt 4,2m2
Hiện nay, Trường Đại học Hà Nội chỉ có 1 địa điểm đào tạo duy nhất tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo công khai thông tin cơ sở vật chất năm học 2023 - 2024 của nhà trường, diện tích đất/sinh viên là 4,2m2. Trong khi đó Tiêu chí 3.1 Thông tư 01 lại quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”. Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương được tính bằng 2,5 lần và các vị trí còn lại được tính bằng 1 lần.
Chia sẻ về diện tích đất/sinh viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết diện tích đất chính là một trong những thách thức lớn của nhà trường trong việc đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn tại Thông tư 01.
Theo chia sẻ của cô Phương, việc nhà trường xin đất để xây dựng cơ sở 2 phục vụ công tác đào tạo, cũng như đáp ứng Tiêu chí 3.1 tại Thông tư 01 phải cần rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Chưa kể kinh phí để đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tại cơ sở 2 rất lớn.
Trong khi đơn vị đang cố gắng không ngừng tăng thu nhập cho đội ngũ giảng viên, cũng như cải tạo các cơ sở vật chất hiện có đang xuống cấp, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo điều kiện học tập và nghiên cứu thì việc dành kinh phí để xây dựng, đầu tư cơ sở 2 là việc khá áp lực.

Do đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội bày tỏ mong muốn Thành phố Hà Nội có thể bố trí quỹ đất cho các trường đại học hiện đang có cơ sở 1 tại thành phố được xây dựng cơ sở 2 tại một địa điểm không quá xa cơ sở chính. Đồng thời, cô Phương cũng cho rằng Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, tạo điều kiện cho các trường có kinh phí để xây dựng các tòa nhà giảng đường, ký túc xá… ở cơ sở 2.
Trong trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư để khai thác các dịch vụ có thu (ví dụ như Ký túc xá) thì cần có hướng dẫn cụ thể cho các trường đại học để các đơn vị dễ dàng thực hiện.
Trước ý kiến khi quỹ đất tại các thành phố lớn ngày một hạn chế khiến các cơ sở giáo dục đại học gặp khó trong việc nâng cấp và mở rộng diện tích thì nên xây dựng những hệ thống dùng chung ở từng khu vực để các cơ sở đào tạo thuê dài hạn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương cho rằng việc này là cần thiết vì sẽ tiết kiệm được một nguồn chi phí lớn.
“Nếu các cơ sở này là trung tâm đổi mới sáng tạo dùng chung bao gồm các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu trang bị máy móc thiết bị hiện đại thì việc dùng chung sẽ mang lại nhiều hiệu quả và tránh tình trạng đầu tư lãng phí.
Tuy nhiên, việc xây dựng một khu cơ sở vật chất dùng chung sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, cũng như việc phân bổ sử dụng thế nào để các trường có một độ linh hoạt nhất định khi có sự thay đổi trong việc sử dụng phòng. Do đó, việc tính toán sử dụng một hệ thống cơ sở vật chất dùng chung là phương án hợp lý nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi cho phương án này”, cô Phương chia sẻ..