Không học môn Hóa 3 năm THPT vẫn có thể trúng tuyển sư phạm Hóa là bất hợp lý

07/04/2025 06:46
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thể suốt 3 năm ở cấp trung học phổ thông các em không học Vật lý, Địa lý, Tin học, Hóa học,…mà vẫn có cơ hội trở thành giáo viên các môn trên là chưa hợp lý.

Ngày 22/3, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Nghịch lý, không học đủ Lý, Hóa, Sinh ở THPT vẫn có thể trở thành GV môn KHTN” nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Không chỉ các môn tích hợp, còn có nhiều băn khoăn về chất lượng giáo viên sắp tới khi có 1 số môn học sinh không học ở trung học phổ thông nhưng có thể trúng tuyển sinh viên sư phạm và trở thành giáo viên môn đó trong thời gian tới.

ảnh minh họa - Việt Dũng.jpg
Ảnh minh họa: Việt Dũng

Nhiều môn tuyển sinh sư phạm nhưng không bắt buộc học sinh học môn đó ở trung học phổ thông

Học sinh trung học phổ thông ngoài học các môn bắt buộc, chỉ học 4 trong 9 môn tự chọn: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Khi đã chọn 4 môn thì học sinh sẽ không học 5 môn còn lại suốt cấp trung học phổ thông.

Việc trường đại học tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có cả tổ hợp không chứa một hoặc 2 môn trong 2 môn tích hợp ở trung học cơ sở gây băn khoăn. Cùng với đó, ngành sư phạm đơn môn, nhiều trường đại học dùng cả tổ hợp không chứa chính môn đó.

Cụ thể, một số trường đại học tuyển sinh sư phạm môn Vật lý gồm các tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh, Toán - Văn - Hóa, Toán - Hóa - Tiếng Anh, Toán - Hóa – Sinh,...không có môn Vật lý;

Tổ hợp xét tuyển như ngành sư phạm Hóa học xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Vật lý, Toán - Văn - Tiếng Anh.

Tổ hợp xét tuyển sư phạm Sinh học tuyển tổ hợp Toán - Văn – Hóa, Toán – Lý – Hóa,...

Ngành sư phạm Địa lý xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh,…

Ngành sư phạm Tin học tổ hợp xét tuyển Toán – Vật lý - Hóa học, Toán – Vật lý – Tiếng Anh, Toán - Vật lí - Sinh học, Toán - Ngữ văn - Vật lí,…

Có thể thấy hầu hết các môn tự chọn học ở bậc trung học phổ thông, khi tuyển sinh sư phạm các môn đó thì trong các tổ hợp xét tuyển có một số tổ hợp không có môn dự tuyển sinh.

Với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ hoặc thi tốt nghiệp với những tổ hợp như vậy có thể dẫn đến trường hợp, thí sinh không học môn này ở trung học phổ thông vẫn có thể trúng tuyển.

Nhiều hệ lụy khi tuyển sinh sư phạm nhưng không xét điểm hoặc không học môn dự tuyển sinh

Có 2 vấn đề trong một số tổ hợp tuyển sinh sư phạm các môn trên. Thứ nhất là không dựa vào điểm môn mà thí sinh sẽ học và trở thành giáo viên trong tương lai. Có thể xảy ra trường hợp, thí sinh không học tốt môn trên, ví dụ học không tốt môn Vật lý nhưng có thể trúng tuyển và sau này trở thành giáo viên Vật lý.

Vấn đề thứ hai, các em chọn môn xét tuyển vào các trường đại học sư phạm nhưng môn đó các em cũng có thể đã không chọn học 3 năm lớp 10, 11, 12 ở cấp trung học phổ thông.

Ví dụ, một số trường đại học tuyển sinh sư phạm môn Vật lý gồm các tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh, Toán - Văn - Hóa, Toán - Hóa - Tiếng Anh, Toán - Hóa – Sinh,...không có môn Vật lý.

Có thể các em trúng tuyển sư phạm môn Vật lý và trở thành giáo viên Vật lý nhưng không chọn học môn Vật lý ở trung học phổ thông;

Hoặc, các em trúng tuyển sư phạm môn Địa lý và trở thành giáo viên Địa lý nhưng có thể không chọn học môn Địa lý ở trung học phổ thông,…

Đối với môn tích hợp các em có thể không học chỉ 1 hoặc 2 phân môn ở cấp trung học phổ thông cũng khiến việc đào tạo giáo viên nhiều vướng mắc, nhưng đối với tuyển sinh sư phạm đơn môn như môn Hóa học chẳng hạn, suốt 3 năm cấp trung học phổ thông nếu các em không được học môn trên thì không thể tiếp thu kiến thức nâng cao, liên thông ở bậc đại học và khó trở thành giáo viên giỏi môn đó.

Nếu suốt 3 năm ở cấp trung học phổ thông có thể các em không học Địa lý, Tin học, Hóa học,…mà vẫn trở thành giáo viên các môn trên là không phù hợp.

Trước thực tế này, được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Vụ Giáo dục đại học dự thảo công văn yêu cầu các trường phải rà soát lại việc tuyển sinh các tổ hợp không có môn cốt lõi liên quan trực tiếp ngành học.

Tại cuộc trao đổi với báo chí vào chiều 3/4, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng phải dựa trên quy chế tuyển sinh. Quy chế không nói rõ từng ngành nào phải chọn tổ hợp nào vì có rất nhiều ngành, nhưng phải trên nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, đó là độ tin cậy đánh giá được yêu cầu đầu vào, sự phân biệt năng lực giữa các thí sinh. Nếu như một phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đào tạo thì các trường phải xem lại. [1]

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tài liệu tham khảo:

1/https://www.vietnamplus.vn/to-hop-tuyen-sinh-khong-co-mon-chinh-bo-gd-dt-se-yeu-cau-cac-truong-ra-soat-post1024657.vnp

Minh Khôi