Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là có thêm chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Với yêu cầu có chứng chỉ hành nghề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều giáo viên vì thầy cô cho rằng việc này sẽ phát sinh thêm thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, tiền bạc...
Không có chứng chỉ hành nghề, giáo viên sẽ không được đứng trên bục giảng
Trước đây, theo Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên ở mỗi hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng, mỗi giáo viên có thể phải có 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nếu có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Hiện nay, giáo viên vẫn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên mỗi cấp học chỉ còn quy định 1 chứng chỉ duy nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của cấp học đó. Ví dụ, giáo viên mầm non thì chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, một số trường hợp khi cần thăng hạng chức danh nghề nghiệp mới cần đến chứng chỉ này, nó cũng không phải là chứng chỉ bắt buộc mọi người phải có, không có chứng chỉ vẫn được đi dạy.
Nhưng đối với chứng chỉ hành nghề được quy định trong dự thảo là một chứng chỉ bắt buộc, nếu không có hoặc bị thu hồi sẽ không được đứng trên bục giảng. Kể cả quá trình học sư phạm, thực tập, tập sự giỏi nhưng không có chứng chỉ hành nghề thì sẽ không được đi dạy.
Có thể nói, với những gì được nêu trong dự thảo và phát biểu của ban soạn thảo Luật Nhà giáo cho thấy, nếu được thông qua, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo sẽ như giấy thông hành, nếu ai không có nó hoặc bị thu hồi sẽ không được đứng trên bục giảng.
Đối tượng được cấp chứng chỉ này bao gồm: giáo viên đang dạy sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo được cấp miễn phí; giáo viên mới trúng tuyển sau ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành phải học, trải qua kỳ sát hạch, nếu đạt thì được cấp chứng chỉ hành nghề và được đi dạy.
Dù mới là dự thảo, chưa có quy định chương trình bồi dưỡng chứng chỉ hành nghề ra sao nhưng trước đây chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thực chất chỉ là truyền tải các thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn, các quy định của pháp luật về giáo viên,…những điều đã được quy định trong Luật viên chức, Luật Giáo dục và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo,…
Do trước khi làm giáo viên đã học đại học sư phạm hoặc đại học ngành khác nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên về cơ bản họ đã được đào tạo đầy đủ các quy định về giáo viên, đủ kiến thức, năng lực,…Và những kiến thức khác, quy định mới sẽ được giáo viên cập nhật trong quá trình giảng dạy hoặc được phổ biến.
Do đó, nhiều giáo viên, sinh viên sư phạm băn khoăn việc có thêm chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo liệu có phù hợp?
Dự kiến chứng chỉ được cấp miễn phí cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo cả nước
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.
Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.
"Chứng chỉ hành nghề này nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, đặc biệt phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo", và hiện tượng này đang rất phổ biến, nhất là trên mạng xã hội”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhấn mạnh thêm mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp", Tiến sĩ Vũ Minh Đức chia sẻ. [1]
Theo những chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho thấy những giá trị của chứng chỉ hành nghề tuy nhiên người viết cho rằng ban soạn thảo dự thảo nên lý giải rõ việc có thêm chứng chỉ này có dẫn tới phát sinh thêm thủ tục gì không? Có làm giảm bớt các thủ tục trong nâng lương, thuyên chuyển.... đối với giáo viên không?
Có được câu trả lời cho những băn khoăn đó mới giúp giáo viên, sinh viên sư phạm bớt lo lắng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/chung-chi-hanh-nghe-de-phan-biet-nguoi-du-tu-cach-day-hoc-va-nha-giao-tu-xung-post242824.gd
[2] Dự thảo Luật Nhà giáo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.