Chứng chỉ nội địa với giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh có thực sự cần thiết?

29/01/2024 09:31
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, yêu cầu có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh của Bộ GD góp phần lọc ra những giáo viên nước ngoài thật sự muốn gắn bó với nghề và học sinh Việt.

Tháng 12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo cho người nước ngoài dạy tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Việt Nam (chương trình) kèm theo Quyết định số 4159/QĐ-BGDĐT. Chứng chỉ mới này đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ các chuyên gia giáo dục về ngoại ngữ trên cả nước.

Cần làm rõ nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong tầm nhìn dài hạn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Mai - cố vấn đào tạo cho một số trung tâm tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho rằng, việc đưa ra yêu về chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ đối với giáo viên nước ngoài như vậy là tốt nhưng không thực sự cần thiết và chỉ nên là phương án lựa chọn chứ không nên là phương án bắt buộc. Hơn nữa, một chương trình đào tạo tốt cũng cần thời gian để có thể khẳng định chất lượng.

Bởi, trên thực tế, như tại tỉnh Nghệ An, hầu hết các giáo viên nước ngoài (trừ giáo viên bản ngữ) tham gia giảng dạy tại trung tâm tiếng Anh ngoài yêu cầu về chứng chỉ năng lực về ngôn ngữ cũng cần phải có chứng chỉ TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages) - chứng chỉ Quốc tế về kĩ năng và phương pháp giảng dạy tiếng Anh dành cho các giáo viên hoặc tương đương.

Không những vậy, có thể thấy rằng, hầu như những người nước ngoài xác định đi giảng dạy tiếng Anh ở những quốc gia khác cũng đều chuẩn bị cho mình những chứng chỉ sư phạm quốc tế như vậy. Thậm chí, kể cả người Việt Nam chúng ta cũng tham gia học TESOL để có thể đi dạy ngoại ngữ ở những nước khác.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Cô Mai cũng bày tỏ băn khoăn, nước ta hiện nay đã có những đơn vị đào tạo chứng chỉ TESOL rồi nhưng tại sao không phát triển mạnh hơn nữa những đơn vị như vậy? Bởi, giáo viên nước ngoài thường sẽ chọn đi học TESOL để có thể mở rộng thêm cơ hội nghề nghiệp cho bản thân thay vì chọn một chứng chỉ giới hạn phạm vi trong một nước.

Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho rằng, nếu chi phí và chất lượng đào tạo chứng chỉ này tương đương và tốt hơn các chứng chỉ CELTA, DELTA…, lực lượng lao động chưa có chứng chỉ ắt sẽ chọn chương trình nội địa nếu muốn gắn bó với công việc ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế là lực lượng giáo viên người ngoại quốc thường xuyên di chuyển biến động, đặc biệt là giữa các nước Đông Nam Á. Và việc chứng chỉ nội địa của Việt Nam chưa được công nhận quốc tế sẽ là điều mà người lao động nước ngoài cân nhắc.

Chính vì vậy, thầy Tâm cho rằng, Bộ Giáo Dục và Đào tạo cùng Bộ Lao Động - Thương binh và xã hội cần làm rõ nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong tầm nhìn dài hạn.

Ngoài ra, có một điểm quan trọng trong việc ban hành chứng chỉ nội địa trên là việc này sẽ không cho phép bất cứ trung tâm ngoại ngữ nào có thể chống chế nếu sử dụng lực lượng lao động không có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2.

Còn với đối tượng lao động giảng dạy trong hệ thống trường học phổ thông, họ đã có quy định khác về yêu cầu được cấp giấy phép lao động.

Theo thầy Tâm, trên thực tế, việc quản lý chặt giấy phép lao động như quy định hiện hành vốn đã đủ để điều chỉnh năng lực của người lao động nước ngoài cũng như đảm bảo quản lý nhà nước về vấn đề này.

Các trung tâm lớn hiện vẫn sử dụng giáo viên bản ngữ với chứng chỉ CELTA, DELTA, các trung tâm nhỏ hoặc ở tỉnh thường tuyển dụng các giáo viên Philippines, nhưng cũng yêu cầu phải có chứng chỉ giảng dạy quốc tế.

Còn một số trung tâm sử dụng "Tây ba lô" không có chứng chỉ để cấp giấy phép lao động Việt Nam, họ sẽ là nhóm quan tâm đến chứng chỉ của Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ một số ít trong đó có ý định sống lâu dài ở Việt Nam nên cũng chưa chắc những người này sẽ đầu tư học chương trình đào tạo nêu trên.

Như vậy, về mặt ngắn hạn, chứng chỉ này chưa giải quyết được gì nhiều. Những giáo viên sở hữu CELTA, DELTA khi có kinh nghiệm dạy ở Việt Nam, họ cũng đã phần nào hiểu dần văn hoá Việt Nam để thích ứng.

“Chúng ta rất ủng hộ những chương trình đào tạo, chứng chỉ “Made in VietNam”. Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần minh bạch chất lượng và có sự phản biện độc lập từ các chuyên gia.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo Dục và Đào tạo cần kết hợp với các đơn vị khảo thí Hoa Kỳ đã có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng cần lưu ý thêm rằng các sản phẩm mang tính quốc gia vẫn cần cẩn trọng trong quá trình xây dựng, triển khai”, thầy Tâm nhấn mạnh.

Yêu cầu về chứng chỉ giúp tìm được những giáo viên nước ngoài muốn gắn bó lâu dài

Với khoảng 10 năm nghiên cứu và làm việc trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ, cô Nguyễn Thị Hải Yến, Nghiên cứu sinh chương trình Tiến sỹ Lãnh đạo Giáo dục, Đại học Evangel (Hoa Kỳ) bày tỏ, việc giáo viên nước ngoài có chứng chỉ theo Quyết định số 4159/QĐ-BGDĐT sẽ đảm bảo rằng họ đã trải qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ, văn hoá và tư duy bản địa.

Điều này giúp gia tăng sự an tâm cho phụ huynh và học sinh Việt Nam về năng lực cũng như chất lượng giảng dạy của giáo viên người nước ngoài tại các trung tâm ngoại ngữ của nước ta.

Có thể thấy rằng, thực trạng giáo viên nước ngoài không gắn kết với một đơn vị lâu dài đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm học tập của học sinh nhiều năm qua. Do đó, yêu cầu tham gia chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ góp phần sàng lọc ra những cá nhân thật sự muốn gắn bó với nghề và với học sinh Việt Nam.

Mặt khác, thực tế cũng chỉ ra, nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay không chú trọng đến chất lượng giảng dạy mà đẩy mạnh marketing, đặt mục tiêu kiếm lợi nhanh chóng, thậm chí trái pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngành giáo dục và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người học.

“Trong suốt 10 năm nghiên cứu và làm việc trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy sự đa dạng và phân hoá tương đối rõ ràng trong cộng đồng lao động người nước ngoài ở nước ta.

Cụ thể, nhóm chuyên gia có năng lực cao thường mang đến những bài giảng đảm bảo tính chuyên môn, gắn kết học viên và truyền tải năng lượng tích cực. Do có kiến thức ngôn ngữ, nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm với học sinh châu Á, họ đòi hỏi mức lương tương đối cao (lên tới $80/giờ).

Trong khi đó, nhóm “giáo viên chưa được đào tạo” sang Việt Nam chủ yếu bằng visa du lịch sẵn sàng nhận lớp với chi phí $12/giờ. Nhóm này thường không làm việc lâu dài, ít quan tâm đến chất lượng đào tạo. Sự chênh lệch lớn nêu trên khiến nhiều trung tâm gặp khó khăn khi cạnh tranh nguồn nhân lực nước ngoài trong khi vẫn phải cung cấp những gói học phí phải chăng”, cô Yến chia sẻ.

Ngoài thách thức về tài chính, cô Yến cho biết thêm, một số đơn vị còn khó tuyển dụng do lãnh đạo tổ chức hoặc bộ phận nhân sự thiếu kiến thức quản lý. Họ không biết các kênh tìm kiếm ứng viên uy tín và hổng quy trình kiểm tra thông tin ứng viên. Điều đó đã tạo ra rủi ro trong lựa chọn và có thể chọn những hồ sơ giả.

Tóm lại, theo cô Yến, việc áp dụng minh bạch Quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học là cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy của giáo viên nước ngoài, hướng tới sự đồng nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức ‘kinh doanh giáo dục’ để bảo vệ quyền lợi của người học.

Tuy nhiên, việc có chứng chỉ này chỉ nên là một tiêu chuẩn tối thiểu. Các tổ chức giáo dục nên xem xét các yếu tố tiên quyết như kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng và kinh nghiệm làm chủ lớp học... trước khi kết luận năng lực của giáo viên.

Ví dụ, một người nước ngoài có chứng chỉ theo Quyết định mới nhưng thiếu trải nghiệm thực tiễn và khả năng giao tiếp sẽ khó có thể mang đến những bài giảng thực sự cuốn hút, phù hợp, hiệu quả.

Còn theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, để tránh hiểu lầm, chúng ta cần biết chương trình và chứng chỉ này chỉ là một lựa chọn thêm cho giáo viên nước ngoài ở Việt Nam, chứ không phải lựa chọn duy nhất và bắt buộc.

Như vậy, ngoài việc sử dụng các chứng chỉ, bằng cấp đã được công nhận như từ trước tới nay, các giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh ở nước ta còn có thêm một lựa chọn chứng chỉ "nội địa" của Việt Nam để đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề.

Tất nhiên, chứng chỉ "nội địa" này cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Theo đó, nhược điểm của chứng chỉ này là không phải chứng chỉ quốc tế nên phạm vi công nhận rất hẹp, tức là giáo viên lấy chứng chỉ này rồi, đi sang nước khác giảng dạy có thể sẽ không được công nhận mà lại phải học lại một chứng chỉ khác nên nhiều người có thể sẽ lựa chọn việc học và lấy một chứng chỉ quốc tế để tối ưu hơn.

Nếu một giáo viên xác định làm việc lâu dài và cam kết với công việc giảng dạy cho học viên ở Việt Nam, chứng chỉ này mang lại lợi thế đối với việc am hiểu học sinh Việt cũng như có cách thức tiếp cận phù hợp với hoàn cảnh ngôn ngữ của người học hơn. Đây là điều mà các chứng chỉ quốc tế thường không thể "địa phương hóa" được tới mức độ như vậy.

Trên thực tế, giáo viên nước ngoài hay thậm chí là giáo viên bản ngữ cũng đều có những kiến thức và nghiệp vụ sư phạm về giảng dạy tiếng Anh chung của thế giới nhưng được đặt trong bối cảnh riêng của Việt Nam. Nên nhớ rằng, học sinh Việt Nam cũng học tiếng Anh nhưng hoàn cảnh ngôn ngữ khác xa với học sinh ở Anh, Mỹ hay tại các nước châu Á như Singapore, Philippines..., hay học sinh Việt Kiều ở các nước vì Việt Nam là một quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ nước ngoài.

Vậy nên, khi giáo viên nước ngoài hiểu sâu hơn về đặc điểm riêng của học sinh Việt Nam, họ có cơ hội tốt hơn để thực hiện vai trò của người giảng dạy và giúp học sinh Việt Nam học tiếng Anh thành công hơn.

Cần phải chú trọng nhiều yếu tố khác đối với giáo viên nước ngoài bên cạnh chứng chỉ sư phạm

Cũng theo ông Nguyên, giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ đặc thù, trong đó, người học phải trả tiền trước, sử dụng dịch vụ sau. Nếu không có sự đảm bảo chất lượng tối thiểu, sẽ dẫn tới các trường hợp lừa đảo, dối trá về chất lượng mà phần thiệt luôn thuộc về người mua.

Do vậy, không thể trông chờ sự tự giác của đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục và thị trường, mà cơ quan quản lý phải đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch về chất lượng tối thiểu để bảo vệ người tiêu dùng hay người học. Và một trong các yêu cầu quan trọng trong chất lượng giáo dục là trình độ chuyên môn của giáo viên.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Hơn nữa, việc giáo viên đi xa được tới đâu trong nghề, thành công tới mức nào còn tùy thuộc vào quá trình phấn đấu lâu dài sau này của họ chứ các chứng chỉ chỉ là yêu cầu cho giáo viên mới vào nghề. Để giảng dạy tiếng Anh mang tính học thuật như Ngôn ngữ Anh, Văn học Anh... đòi hỏi phải có bằng cấp cao hơn chứng chỉ, ví dụ bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ - Văn học Anh.

Mặt khác, theo thầy Ngô Huy Tâm, các chính sách ra đời thường để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trên cơ sở tình hình thực tế.

Do đó, khi ban hành chương trình đào tạo và đặc biệt là cấp chứng chỉ đào tạo cho người nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam, chúng ta cần xác định mình đang điều chỉnh cái gì và việc thực hiện quản lý nhà nước đối với vấn đề đó liệu có thực sự cần thiết hay không?

Trước hết, có thể thấy rằng, chứng chỉ mới này không phủ định các chứng chỉ quốc tế hiện hành bởi việc dạy và học ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học với giáo viên bản ngữ trước nay vẫn yêu cầu giáo viên có các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 mới được cấp giấy phép lao động từ các Sở Lao Động - Thương binh và xã hội ở các địa phương.

Như vậy, chứng chỉ này sẽ giúp điều chỉnh mối quan hệ của các giáo viên nước ngoài với hoạt động giảng dạy ngoại ngữ khi giáo viên đó chưa có trong tay chứng chỉ giảng dạy nào. Từ đó, giúp số lượng lao động ngoại quốc tham gia vào giảng dạy tiếng Anh ở nước ta sẽ được mở rộng trên cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của chứng chỉ này còn có thế mạnh là được thiết kế để mang tính đặc thù xã hội văn hóa Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên nước ngoài tại các trung tâm ngoại ngữ, cô Nguyễn Thị Hải Yến cũng đưa ra đề xuất rằng, cần có hội thảo định kỳ để cán bộ quản lý trung tâm được sở giáo dục và đào tạo bồi dưỡng năng lực.

Thứ nhất là, bồi dưỡng về khả năng tuyển dụng và tuyển chọn chính xác. Trung tâm ngoại ngữ nên có quy trình tuyển dụng khắt khe và một hệ thống kiểm tra năng lực dạy học của giáo viên nước ngoài. Điều này đảm bảo rằng chỉ có những giáo viên có khả năng và kỹ năng dạy học tốt nhất mới được tuyển dụng.

Thứ hai là, khả năng đào tạo và nâng cao năng lực. Theo đó, các trung tâm ngoại ngữ cần trao cơ hội để giáo viên nước ngoài học tập và phát triển kỹ năng tự học suốt đời. Nhờ vậy, giáo viên luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.

Thứ ba là, cung cấp phản hồi và giám sát định kỳ. Ban kiểm định chất lượng ở mỗi cơ sở đào tạo cần giám sát và đánh giá định kỳ để chắc chắn rằng giáo viên nước ngoài đang đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, học viên và phụ huynh cũng cần được hỏi ý kiến và cung cấp phản hồi về chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Thứ tư là, cần tạo ra môi trường học tập lý tưởng. Học viên ở mỗi trung tâm nên được phát triển hết tiềm năng trong môi trường chuyên nghiệp có sự hỗ trợ từ giáo viên, chuyên viên, được cung cấp học liệu và thiết bị công nghệ tiên tiến cùng các tiện ích giáo dục khác.

Cô Bùi Mai cũng đưa ra một số góp ý đối với việc phát triển đội ngũ giáo viên nước ngoài tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học của nước ta hiện nay.

Theo cô Mai, hiện có nhiều trường học liên kết với các trung tâm để tăng cường về khả năng ngoại ngữ cho các học sinh.

Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng như quy trình giảng dạy, sự đào tạo nội bộ của từng trung tâm là rất quan trọng chứ không phải chỉ đưa ra những yêu cầu về mặt chứng chỉ tốt là có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên có những chương trình hỗ trợ thúc đẩy đào tạo hàng năm để nâng cao chất lượng của giáo viên người nước ngoài ở mỗi địa phương để xây dựng những nền tảng cần thiết và nâng cao kiến thức cho đội ngũ này.

Tường San