Chương trình GDPT mới tạo “cú hích” để nhà trường, thầy cô, học sinh thay đổi

24/06/2023 06:32
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo cú hích để mỗi địa phương, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô cũng như mỗi học sinh cùng nỗ lực đổi mới.

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên triển khai dạy và học sách giáo khoa mới ở các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Đáp ứng các yêu cầu của chương trình mới, các địa phương đều đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn.

Tại thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), từ năm 2021 đến nay, thành phố đã chi ngân sách gần 69 tỷ đồng để xây dựng các trường học mới và sửa chữa nhiều hạng mục trường lớp, đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn trước khi thực hiện dạy chương trình mới.

Cùng với đó, cơ sở giáo dục đào tạo đều chủ động trong việc tự rà soát, đánh giá các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia, trên cơ sở đó nhận thức được các tiêu chí chưa đạt để khắc phục, phấn đấu hoàn thành.

Nói cách khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo “cú hích” để mỗi địa phương, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô cũng như mỗi học sinh cùng nỗ lực đổi mới.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố Móng Cái đã chi ngân sách gần 69 tỷ đồng để đầu tư cho ngành giáo dục, đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Từ năm 2021 đến nay, thành phố Móng Cái đã chi ngân sách gần 69 tỷ đồng để đầu tư cho ngành giáo dục, đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Sự thay đổi rõ nét của mỗi cơ sở giáo dục

Chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà quản lý, cô Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ka Long (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tôi nhận thấy chương trình và sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm vượt trội như kênh hình bắt mắt, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn.

Ngoài ra, sách giáo khoa còn được thiết kế theo hướng tăng hoạt động trải nghiệm, học sinh được nói, được làm và được thể hiện năng lực nhiều hơn. Nhờ vậy, học sinh đã chủ động lĩnh hội kiến thức và mạnh dạn hơn rất nhiều trong việc bày tỏ ý kiến của mình trước lớp. Mỗi tiết học cũng trở nên sôi nổi hơn, hào hứng hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng mang đến “làn gió mới” giúp công tác quản lý, công tác chuyên môn trong nhà trường từng bước chuyển biến tích cực.

Bước đầu không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhưng thành quả của hiện tại là trường hoàn toàn được tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá đi vào thực chất, hiệu quả, không gây áp lực cho học sinh.

Trái ngọt nhận lại là 100% học sinh hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Đặc biệt, học sinh lớp 1,2,3 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khoá học trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006”.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương cùng học sinh tại hoạt động hưởng ứng Ngày hội sách Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương cùng học sinh tại hoạt động hưởng ứng Ngày hội sách Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Hướng tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, hoạt động trải nghiệm là một trong những điểm đổi mới giúp học sinh tiểu học được khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình.

Trong năm học vừa qua, Trường Tiểu học Ka Long đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh.

Riêng trong năm học vừa qua, nhà trường đã xây dựng thành công các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như khối lớp 3 được trải nghiệm tại Quảng Ninh Gate; học sinh khối 1,2 trải nghiệm khám phá Thành phố Móng Cái với các địa danh (cột mốc biên giới 1368, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nhà lưu niệm Bác Hồ, cửa khẩu quốc tế Móng Cái và mũi Sa Vĩ).

Tất cả học sinh đều tham gia trải nghiệm với tinh thần vui tươi, phấn khởi và được viết bài thu hoạch nói về cảm xúc của mình trong những chuyến đi đó.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Ninh Dương (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), ngay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã lên kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt ở mỗi bộ môn để triển khai tập huấn, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng mục tiêu giáo dục của chương trình mới.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế khi được đầu tư trang bị 4 phòng học thông minh (mỗi phòng có 40 máy tính cùng hệ thống phần mềm tương tác), nhà trường khuyến khích giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Trường Tiểu học Ka Long đẩy mạnh tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Tiểu học Ka Long đẩy mạnh tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Vũ Thị Kim Thoan – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ninh Dương (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết: “Ngay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dưới góc độ quản lý, tôi rất trăn trở khi có nhiều sự thay đổi từ công tác quản lý cho đến chuyên môn.

Bước đầu, nhà trường chú trọng trong việc chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn nghiên cứu kỹ chương trình. Mấu chốt phải tìm ra được được chương trình mới so với chương trình cũ có những gì thay đổi, điểm mới là gì và để đáp ứng được thì đội ngũ quản lý, tổ nhóm chuyên môn, giáo viên và nhân viên phải học hỏi, thay đổi như thế nào?

Khi triển khai, nhà trường có nhiều thuận lợi khi đội ngũ giáo viên tâm huyết, tích cực và tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin và các phương pháp giảng dạy mới. Từ đó, nhà trường xây dựng một đội ngũ nòng cốt ở mỗi bộ môn để triển khai tập huấn theo nhóm bởi “không ai hiểu bộ môn bằng chính các thầy, các cô giáo được phân công giảng dạy”.

Mỗi tổ nhóm chuyên môn sẽ xây dựng đề cương tập huấn để triển khai. Khó khăn nhất phải kể đến một số thầy cô đã lớn tuổi, ngại đổi mới nhưng dần dần khó đến đâu tập thể giáo viên cùng nhau tháo gỡ đến đó.

Chương trình mới đặt ra một yêu cầu mới bắt buộc các thầy cô phải đổi mới, không thể đi theo lối dạy truyền thống mà phải tạo cơ hội cho học sinh được thực hành, liên hệ kiến thức trong sách giáo khoa với thực tiễn.

Sau 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua từng ngày, từng tháng rồi qua từng học kỳ, tập thể giáo viên nhà trường hiện nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới và luôn chủ động tìm ra cái khó, cái chưa được để tháo gỡ”.

Cú hích để các thầy và trò cùng đổi mới

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra mục tiêu giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, điều này đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, trong quá trình giảng dạy cũng cần vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang lại cơ hội cho học sinh được tham gia các trải nghiệm thú vị và bổ ích (Ảnh: Phạm Linh)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang lại cơ hội cho học sinh được tham gia các trải nghiệm thú vị và bổ ích (Ảnh: Phạm Linh)

Đây cũng là nỗi trăn trở của các cấp quản lý và đội ngũ giáo viên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ka Long chia sẻ thêm: “Đối với các thầy cô giáo trong nhà trường việc thực hiện chương trình mới lúc đầu còn có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, một số giáo viên dạy học theo cách truyền thống nhiều năm nên ngại thay đổi.

Nhiều thầy cô khi được phân công dạy khối lớp 1,2,3 cũng bày tỏ sự lo lắng, trăn trở về việc phải học hỏi lại phương pháp và làm quen với chương trình sách giáo khoa mới.

Cách đánh giá học sinh cũng có sự thay đổi nên nhiều thầy cô cảm thấy rất ngại khi được điều chuyển xuống dạy khối 1,2,3.

Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện cùng với các lớp tập huấn, các chuyên đề cấp trường, cấp tổ, cấp thành phố và đặc biệt qua thực tế giảng dạy các thầy cô đều nhận thấy chương trình mới đã giao quyền tự chủ cho mỗi giáo viên.

Giáo viên được chủ động, linh hoạt, không áp lực trong việc lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh. Đặc biệt, những tiết học với tính ứng dụng thực tế cao khiến học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh.

Khi tiết học trở nên sôi nổi hơn, công tác giảng dạy cũng không còn nhàm chán. Năng lực, sự tiến bộ của học sinh cũng bộc lộ rõ nét giúp tạo nên tâm thế phấn khởi cho người dạy”.

Được phân công nhiệm vụ giảng dạy khoá học sinh đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Nguyễn Thị Anh Vân - giáo viên dạy Ngữ văn của Trường Trung học cơ sở Ninh Dương (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) chia sẻ: “Khi được tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2021 – 2022, bản thân tôi và đồng nghiệp không tránh khỏi việc còn bỡ ngỡ, nhiều băn khoăn và vướng mắc nhất là khi bộ môn mà tôi giảng dạy có rất nhiều điểm mới so với chương trình cũ.

Theo sát chương trình mới từ những ngày đầu tiên cho đến hiện tại với tôi là một hành trình gian nan có mà thành quả đạt được cũng rất nhiều.

Sau 26 năm gắn bó với nghề cùng với cách dạy truyền thống, môn Ngữ văn theo chương trình mới mang đến một hình hài khác biệt không chỉ ở nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy mà còn cả trong kiểm tra đánh giá.

So với chương trình cũ có thiên hướng kiến thức hàn lâm, chương trình mới có nội dung nhẹ hơn và được phân chia rõ nét theo từng chủ đề nhưng lại đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tốt hơn.

Riêng đối với môn Ngữ văn, trước đây, thầy cô là người nói, giải thích nhiều hơn còn học sinh ghi chép và lắng nghe còn ở chương trình mới học sinh là người tiếp cận kiến thức còn giáo viên là người định hướng.

Điều này cho thấy vai trò của thầy và trò trong tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có sự khác biệt hoàn toàn so với chương trình cũ.

Mục tiêu giáo dục được đặt ra cũng có sự khác biệt, trước đây, học sinh phần lớn chỉ học tác phẩm nào biết tác phẩm đấy, không có sự so sánh và mở rộng.

Hiện tại, khi học chủ đề về một thể loại văn học, học sinh không chỉ cần nắm bắt được đặc trưng của thể loại, biết cách phân tích tác phẩm trong sách giáo khoa mà còn cần mở rộng tìm hiểu, tiếp cận các tác phẩm cùng thể loại khác.

Kiểm tra đánh giá đối với môn Ngữ văn cũng có sự đổi mới khi có thêm phần thi trắc nghiệm và tác phẩm trong bài thi sẽ không nằm trong sách giáo khoa.

Sau gần 2 năm dạy chương trình mới, tôi thấy rằng học sinh có sự thích thú hơn, năng động hơn và tư duy khác so với chương trình cũ. Khi làm bài kiểm tra môn Ngữ văn, ngay cả những bạn có thiên hướng về các môn tự nhiên vẫn có cơ hội để giành được điểm cao.

Học sinh học Ngữ văn theo chương trình mới sẽ được trang bị kỹ năng phân loại, phương pháp tiếp cận và phân tích một tác phẩm theo từng chủ đề. Đặc biệt, một số kỹ năng khác như sử dụng công nghệ thông tin, hoàn thành dự án, thuyết trình và giao tiếp.

Những kỹ năng này sẽ là hành trang vững chắc để các em có thể tự tin, không có chuyện “học tủ” rồi thấp thỏm khi làm bài kiểm tra hay tham gia các kỳ thi như tuyển sinh vào lớp 10.

Mới đầu tất nhiên sẽ có khó khăn nhưng tôi tin rằng khi đã làm quen với chương trình mới, cách dạy và học mới thì thầy và trò sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Như đối với môn Ngữ văn, bước sang năm thứ 2 triển khai chương trình mới, một môn học trước giờ có phần “buồn ngủ” nay trở nên đã hấp dẫn hơn đối với học sinh”.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Vân chia sẻ về hành trình đổi mới bản thân để thực hiện tốt công tác giảng dạy theo chương trình mới (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Vân chia sẻ về hành trình đổi mới bản thân để thực hiện tốt công tác giảng dạy theo chương trình mới (Ảnh: Phạm Linh)

Xuất phát từ mục tiêu tạo sự hứng thú trong tiết học đồng thời lồng ghép các hoạt động giúp học sinh phát triển năng lực và phẩm chất theo định hướng của chương trình mới, trong 2 năm học vừa qua, Trường Trung học cơ sở Ninh Dương tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học.

Đến thời điểm hiện tại, 100% giáo viên nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuẩn bị học liệu và dạy học. Để đạt được con số trên vốn không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với các giáo viên đã có 20 đến 30 năm giảng dạy theo cách truyền thống.

Cô giáo Anh Vân bày tỏ: “Dù đã giảng dạy được 26 năm nhưng do chương trình mới của môn Ngữ văn có phạm vi kiến thức rộng hơn nên bắt buộc tôi phải tìm tòi, nghiên cứu kỹ hơn và rất cần đến sự hỗ trợ của các phần mềm công nghệ thông tin.

Để có thể khai thác công nghệ thông tin thành thục, bản thân tôi luôn nỗ lực học hỏi thông qua tập huấn và từ những đồng nghiệp trẻ. Đặc biệt, tôi luôn dặn bản thân phải vững tâm lý, bản thân có thể có nhiều điểm còn chưa tốt nhưng phải luôn cố gắng, vượt qua trở ngại”.

Thực hiện chương trình mới không chỉ là cơ hội để các nhà trường, giáo viên đổi mới mà bản thân học sinh cũng được tiếp nhận một nền giáo dục linh hoạt, chủ động hơn.

Nhiều học sinh chia sẻ cảm thấy hào hứng và bớt áp lực hơn khi học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi tiết học giờ đây không chỉ có kiến thức khô khan mà còn có nhiều hoạt động khác như thực hành, trải nghiệm, thực hiện các dự án theo nhóm.

Chia sẻ về cảm nhận của bản thân khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, em Lê Nhật Nam - học sinh lớp 6A1, Trường Trung học cơ sở Ninh Dương cho biết: “Vừa chuyển sang một cấp học mới cùng với phương pháp tiếp cận kiến thức hoàn toàn mới lạ, nhưng em chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen còn hiện tại em cảm thấy mỗi ngày đi học đều rất hào hứng.

Kiến thức trong sách giáo khoa hiện tại cũng rất thú vị, nhiều điều mới, gần gũi và bổ ích đối với cả cuộc sống hằng ngày.

Em và các bạn cũng được phát triển những năng lực học tập, được tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm và thực hành ở trên lớp như chia nhóm làm dự án theo từng môn học.

Trước đây ở cấp tiểu học, bài tập về nhà thông thường là các tờ đề, các câu hỏi nên rất khô khan. Bước sang cấp học mới cùng với chương trình mới, em thấy việc làm bài tập về nhà không còn nặng nề như trước, thay vào đó em có cơ hội được cùng các bạn hoàn thành dự án theo ý tưởng riêng.

Lúc đầu, khi được thầy cô giao dự án em cũng gặp một số khó khăn vì đây là lần đầu em được tiếp cận cách học mới này.

Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô và rồi cứ học từng chút một cho đến hiện tại, khi sắp kết thúc năm học, em đã tự tin hơn và không ngần ngại ngay cả khi được giao một dự án bài tập mới hay dự án có độ khó cao. Được tiếp cận với công nghệ thông tin từ sớm khiến em cảm thấy dù là môn học nào cũng không nhàm chán, giảm áp lực”.

Phạm Linh