Chuyển đổi số đòi hỏi đào tạo lĩnh vực báo chí phải “thực chiến” hơn

24/01/2024 06:22
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong bối cảnh mới, khi công nghệ không ngừng phát triển và lĩnh vực báo chí ngày một chuyên sâu theo phân khúc, công tác đào tạo báo chí cũng có nhiều thay đổi.

Trong công cuộc chuyển đổi số nói chung, Báo chí - Truyền thông (có tên tiếng Anh là Journalism - Media & Communication) là ngành học có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ và kịp thời “tiếng nói” của Đảng, Nhà nước.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển, sự ra đời của công cụ Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra bài toán mới đối với nhân lực báo chí - truyền thông.

Điều này mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức cho các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, đòi hỏi sự thích ứng kịp thời. Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc “số hóa” (digitization) và “ứng dụng công nghệ” (digitalization) mà đó còn là sự cập nhật tư duy, định hình lại nội dung chương trình đào tạo và phương thức giảng dạy.

“Quy hoạch” lại hệ thống các chuyên ngành phù hợp với tình hình mới

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang - Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ:

“Những người làm công tác quản lý đào tạo và giảng dạy phải kịp thời xác định đúng đắn định hướng thay đổi, cập nhật, thích ứng với môi trường thực tiễn của hoạt động báo chí - truyền thông hiện đại.

Chương trình đào tạo luôn được đổi mới, cập nhật theo hướng hiện đại và được sắp xếp, phân kì một cách khoa học và hợp lý, học phần trước là điều kiện tiên quyết, là tiền đề cho học phần sau. Đồng thời, các chuyên ngành cũng không ngừng được nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung để đáp ứng được những yêu cầu mới.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: website nhà trường

Học viện Báo chí và Tuyên truyền – một cơ sở đào tạo đặc biệt, vừa là trường Đảng, vừa là trường đại học trọng điểm quốc gia – đã nắm bắt, bám sát xu hướng của thời đại. Năm 2003, chuyên ngành Báo mạng điện tử ra đời, năm 2013 chuyên ngành Báo chí đa phương tiện ra đời và ngừng đào tạo sau 4 năm tuyển sinh, để rồi ngay sau đó Học viện nhanh chóng mở ra ngành Truyền thông đa phương tiện vào năm 2018. Ngành học này đã đào tạo được 6 khoá, trong đó có 2 khoá đã tốt nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang cũng cho hay: “Truyền thông đa phương tiện thuộc khối ngành nghiệp vụ. Vì vậy, chương trình học chú trọng về sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, đa nền tảng như: quản trị website, chiến dịch truyền thông xã hội, sản xuất video, audio, MV, phim ngắn, hoạt hình, quảng cáo,...

Đây là ngành đào tạo có sự gắn kết, giao thoa rất chặt chẽ giữa ngành truyền thông và ngành công nghệ thông tin, nên mang tính ứng dụng cao và đề cao sự sáng tạo.”

Mọi hoạt động của ngành báo chí – truyền thông trong thời đại số luôn gắn với sự phát triển của công nghệ. Do đó, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu trực tuyến, xử lý dữ liệu, trực quan hóa thông tin, làm việc với phương tiện truyền thông số, hiểu biết về quyền riêng tư và an ninh mạng, kỹ năng phân tích dữ liệu,... là những yêu cầu cần trang bị, cập nhật để đáp ứng với tình hình mới.

Chính vì vậy, những người làm giáo dục về lĩnh vực báo chí - truyền thông luôn cần bám sát thực tiễn báo chí, vốn thay đổi từng ngày để có những điều chỉnh trong phương thức đào tạo, giảng dạy phù hợp.

“Song song với đó, Học viện yêu cầu giảng viên phải nghiên cứu khoa học, xây dựng bài giảng điện tử, xuất bản giáo trình môn học, đầu tư phát triển và quản lý tốt các câu lạc bộ nghề nghiệp báo chí – truyền thông để tiếp tục tích cực gắn chặt lý thuyết và thực hành trong đào tạo.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, nhà trường chú trọng, đề cao đào tạo và hướng dẫn kỹ năng tự học của sinh viên, đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ mới như IoT, Big data, AI,… trong quản trị, sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông”, cô Giang nhấn mạnh.

Chuyển đổi số đòi hỏi đào tạo “thực chiến” hơn bao giờ hết

Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Huế - Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông tin, nhóm ngành báo chí, truyền thông luôn có số điểm đầu vào thuộc hàng cao nhất, với số lượng nhập học đông đảo nhất so với các nhóm ngành khác của Học viện.

Năm học 2022-2023, Học viện tuyển 391 sinh viên báo chí, năm học 2023-2024, Học viện tuyển sinh 397 sinh viên cho nhóm ngành này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Huế - Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Huế - Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: website nhà trường

Như vậy, khi nhu cầu kết nối thông tin của xã hội ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với yêu cầu về chất lượng đào tạo ở lĩnh vực báo chí - truyền thông ngày càng lớn.

Bởi vậy, cơ sở đào tạo vừa phải đảm bảo những yếu tố cốt lõi của ngành, đồng thời vừa phải chú trọng đặc thù, phát huy thế mạnh để mỗi sinh viên khi bước ra khỏi “cánh cổng” đại học có thể bắt nhịp được ngay hoạt động thực tiễn.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang, nhu cầu nhân sự chất lượng cao về truyền thông và nội dung số của các tổ chức, doanh nghiệp được dự báo sẽ gia tăng trong những năm tới. Điều này đặt ra cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh việc trang bị hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ kỹ thuật phục vụ hoạt động thực hành trong quá trình học tập, với mục tiêu đào tạo những nhà truyền thông, nhà báo tương lai năng động, đa kỹ năng, thích ứng nhanh với xu thế phát triển công nghệ hiện đại, nhà trường cần tạo điều kiện để sinh viên được “cọ xát”, thực hành các kiến thức, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Làm rõ vấn đề này, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ: “Học viện trang bị cơ sở vật chất, thực hành nghiệp vụ chuyên sâu như studio truyền hình, studio phát thanh, studio ảnh, phòng thực hành dựng phim, thiết kế đồ họa,... nhằm đáp ứng tất cả hoạt động thực hành hiện có trên thị trường, để đảm bảo sinh viên được thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Đồng thời, Học viện chú trọng tổ chức kết nối với cơ quan báo chí – truyền thông, công ty truyền thông, đơn vị truyền thông trên cả nước để giúp sinh viên có cơ hội trực tiếp học hỏi, trải nghiệm, thực tập nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn.

Mặt khác, “trong từng học phần, Học viện cũng thường xuyên kết nối, phối hợp, mời các phóng viên, biên tập viên, người có hoạt động nghề nghiệp phong phú từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đến để chia sẻ, trao đổi thông tin, hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

Việc này được Học viện triển khai bài bản, hệ thống khi đưa vào chương trình đào tạo các học phần thực tế, thực tập cố định hằng năm. Từ năm thứ hai đại học, sinh viên tham gia học phần Thực tế chính trị - xã hội để hiểu về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương và thiết lập mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại đó nhằm phục vụ cho công việc sau này.

Sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền thực hành trong studio truyền hình. Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền thực hành trong studio truyền hình. Ảnh: NTCC

Đến năm thứ ba, sinh viên có cơ hội tham gia thực tập nghiệp vụ 1 tháng tại các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, tổ chức ở vị trí phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình. Ví dụ, sinh viên Truyền hình, sinh viên Quay phim truyền hình sẽ được thực tập tại các kênh, đài truyền hình với vị trí phù hợp như phóng viên, quay phim,… Sinh viên Báo mạng điện tử sẽ được thực tập tại các tờ báo mạng điện tử hoặc tại ban điện tử của cơ quan báo chí đa nền tảng…

Trong năm cuối, sinh viên tiếp tục tham gia thực tập tốt nghiệp 3 tháng tại cơ quan báo chí – truyền thông.

Sinh viên phải đáp ứng các chỉ tiêu cụ thể về số lượng và chất lượng các sản phẩm báo chí – truyền thông, đồng thời có báo cáo thu hoạch thể hiện rõ mức độ tham gia hoạt động thực tiễn của mình.”

“Mỗi nhà báo, nhà truyền thông là một chuyên gia”

Trong xu thế cạnh tranh về mặt thông tin rất lớn hiện nay, việc thông tin nhanh rất quan trọng.

Tuy nhiên, để có thể “níu chân” công chúng và tạo được thương hiệu riêng cho cơ quan báo chí thì việc nâng cao chất lượng thông tin trên cơ sở tăng cường hàm lượng tri thức sẽ có ý nghĩa định hướng hơn.

Sinh viên báo chí - truyền thông cần làm quen tác nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ảnh: NTCC

Sinh viên báo chí - truyền thông cần làm quen tác nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ảnh: NTCC

Em Lê Mỹ Huyền - sinh viên tốt nghiệp Cử nhân ngành Báo Mạng điện tử Khóa 39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện cộng tác làm việc tại Báo Lao Động chia sẻ, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường cần trang bị vững vàng kiến thức chuyên ngành và kỹ năng tác nghiệp, bao gồm khả năng làm báo đa phương tiện, kỹ năng phân tích và suy luận nhạy bén, cập nhật công nghệ mới trong sáng tạo và xuất bản báo chí, kỹ năng nắm bắt thông tin, viết, biên tập,…

Đặc biệt, phóng viên cần nghiên cứu theo lĩnh vực chuyên sâu để không bỡ ngỡ khi bước vào thị trường lao động.

"Quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người cần biết nắm bắt thời cơ và thích ứng tốt với công việc, với môi trường sau khi ra trường. Thực tế cho thấy, số lượng người tiếp nhận tin tức trên các nền tảng mạng xã hội, website và ứng dụng ngày càng tăng.

Vì vậy, người làm công tác báo chí phải luôn chủ động, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn sâu ở lĩnh vực mình phụ trách để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Có lẽ, các cơ sở giáo dục cũng cần từng bước đào tạo “chuyên môn hóa” người học, cung cấp những kiến thức chuyên sâu về từng mảng lĩnh vực cụ thể, như báo chí về kinh tế, báo chí về môi trường và biến đổi khí hậu, báo chí về động vật hoang dã, báo chí di động hay báo chí đa nền tảng", Mỹ Huyền cho hay.

Lưu Diễm