Năm 2024, nhiều trường kỹ thuật mở thêm các ngành "hot", giảm học phí cho SV nữ

20/01/2024 06:28
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đại diện khối các trường kỹ thuật chia sẻ dự kiến tuyển sinh năm 2024, vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển tuy nhiên sẽ có thêm ngành đào tạo mới.

Đại diện khối các trường kỹ thuật chia sẻ dự kiến tuyển sinh năm nay vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển đại học như năm ngoái, một số trường mở thêm ngành đào tạo mới, mở rộng chính sách học bổng nhằm khuyến khích, hỗ trợ người học.

Trường đại học mở thêm ngành mới, giảm học phí cho nữ sinh ngành kỹ thuật

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến năm 2024 trường mở thêm một số ngành, chuyên ngành mới. Cụ thể, 4 ngành học mới dự kiến mở gồm: Thiết kế vi mạch, khoa học dữ liệu, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng. 3 chuyên ngành mới gồm: quản lý xây dựng, hóa dược và hóa mỹ phẩm. Trong đó, quản lý xây dựng đã được đào tạo ở bậc thạc sĩ và nay chính thức là chuyên ngành bậc đại học.

Về phương thức tuyển sinh, lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết năm 2024, nhà trường vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2023. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí là chủ đạo.

Theo đó, phương thức kết hợp đánh giá thí sinh với 3 yếu tố: học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học trung học phổ thông), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ-đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiếm tỉ trọng cao nhất.

Tại Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo cho biết năm 2024, trường có 2 chuyên ngành mới là thiết kế vi mạch, digital marketing.

Về phương thức tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ ổn định tuyển sinh như năm 2023. Cụ thể, trường tuyển sinh theo 4 phương thức, gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (10% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (50%), xét học bạ lớp 12 (30%), xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (10%).

Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 8.000 sinh viên. Ảnh: website nhà trường

Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 8.000 sinh viên. Ảnh: website nhà trường

Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 8.000 sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ, nhằm khuyến khích, hỗ trợ người học, năm nay nhà trường tiếp tục mở rộng thêm chính sách học bổng như giảm học phí cho các đối tượng là con giáo viên trung học phổ thông, sinh viên nữ theo học các ngành kỹ thuật,...

Về phương án tuyển sinh dự kiến từ năm 2025, đại diện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhà trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, song có thể sẽ cân nhắc điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển.

“Với số lượng tuyển sinh gần 9000 sinh viên, kết quả bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là một kênh tham chiếu công bằng để nhà trường xét tuyển.

Với các bài thi đánh giá năng lực, số lượng thí sinh tham gia vẫn chưa thật sự nhiều. Ngoài ra, thực tế phần lớn các em đăng ký xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực chỉ ở một số ngành “hot”. Do đó, số lượng tuyển sinh từ nhóm thí sinh này hiện mới chỉ đạt được khoảng một nửa so với chỉ tiêu đề ra”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân phân tích.

Về việc nhà trường tự tổ chức một kỳ thi riêng, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân đánh giá việc này hoàn toàn có thể thực hiện, song phương án này gây tốn kém cho cả phía nhà trường và thí sinh.

“Trường nào cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ rất tốn kém, và cũng gây khó khăn cho người học khi có quá nhiều kỳ thi”, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ; và đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét tổ chức một kỳ tuyển sinh với mục đích xét tuyển đại học để các trường cùng sử dụng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Cũng giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo ba phương thức gồm: xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trước đó, mùa tuyển sinh năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 8.555 chỉ tiêu với 63 chương trình đào tạo; tổng số thí sinh đăng ký là hơn 34.000 em, tỷ lệ 1 chọi 4.

Về tỷ lệ các phương thức tuyển sinh, năm 2023; Phương thức xét tuyển tài năng chiếm tỷ lệ 20%; phương thức xét theo điểm thi (đánh giá tư duy và tốt nghiệp trung học phổ thông) là 80%.

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dự kiến, đề án tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ được nhà trường công bố với người học vào khoảng cuối tháng 1 năm nay. Hiện nhà trường đang kế hoạch trong mùa tuyển sinh năm 2024, trong đó cân nhắc có thể mở thêm 1 ngành mới thuộc lĩnh vực năng lượng.

Các trường kỹ thuật chưa sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tuyển sinh

Trước đó, tại hội nghị về tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực – tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng đổi mới từ năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 12/2023, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiện nhà trường đang sử dụng thêm kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh tuyển được từ kết quả kỳ thi riêng vẫn còn rất ít so với chỉ tiêu đặt ra. Theo đó, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà cho biết về phía Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ có nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét sử dụng kết quả kỳ thi này cho tuyển sinh của nhà trường.

Ngày 17/1/2024, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết nhà trường vẫn đang đánh giá. Dự kiến năm 2024, nhà trường chưa có kế hoạch sử dụng bài thi này để xét tuyển.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: website nhà trường

Theo đó, năm 2024, Trường Đại học Giao thông vận tải giữ ổn định các phương thức tuyển sinh năm nay được giữ nguyên như năm ngoái, trong đó trường tuyển sinh chủ yếu bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức:

Phương thức 1: xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.

Phương thức 2: sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ)

Phương thức 3: xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh.

Phương thức 4: xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS.

Một trường kỹ thuật khác ở miền Bắc cũng cho biết chưa có kế hoạch sử dụng bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết:

"Năm 2023, nhà trường bắt đầu sử dụng kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh, tuy nhiên chỉ áp dụng với một số ngành "hot".

Theo thầy Khoát, năm 2024, nhà trường dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm ngoái, và không mở thêm ngành mới nào.

Khu giảng đường Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: website nhà trường

Khu giảng đường Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: website nhà trường

Bàn về phương án tuyển sinh dự kiến từ năm 2025, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khoát cho biết để có phương án chính thức, cần có khảo sát, đánh giá năng lực học sinh trên cơ sở phân tích kết quả kiểm tra đề thi thử của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhằm tuyển được thí sinh có năng lực, phù hợp với yêu cầu của khối ngành kỹ thuật, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất đề xuất có thể tính toán đến phương án kết hợp nhóm trường để bàn bạc, thống nhất phương án tuyển sinh phù hợp.

Đối với phương án tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khoát đánh giá đây vẫn là một kênh thông tin đáng tin cậy trong tuyển sinh. Song, thầy Khoát cũng bày tỏ lo ngại khi số lượng thí sinh lựa chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội ngày càng nhiều, trong khi đó đặc thù khối ngành kỹ thuật đòi hỏi thí sinh về kiến thức Khoa học tự nhiên nhiều hơn. Do đó, điều này với khối các trường kỹ thuật là một vấn khá lo ngại.

“Phương thức tuyển sinh không phù hợp sẽ là một khoảng trống lớn về nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghệ trong thời gian tới”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khoát bày tỏ.

Doãn Nhàn