Thu hút đầu tư tư nhân vào GDĐH công: Dù có Luật nhưng còn quá nhiều rào cản

14/12/2022 06:58
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, việc tư nhân và nhà nước cùng phối hợp đầu tư phát triển giáo dục đại học còn gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP (số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020). Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp, cần có cơ chế mở để thu hút nguồn đầu tư của tư nhân, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục đại học.

Cần có quyết sách lớn cho đầu tư phát triển giáo dục đại học

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục trên tổng chi phí của Việt Nam năm 2019 là 14,6% trong đó 2,2% dành cho giáo dục đại học, tương đương với 13,75% ngân sách ngành giáo dục.

Mức đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách Nhà nước như vậy là rất thấp. Mức chi trung bình cho giáo dục của 38 nước phát triển trong tổ chức OECD (Hợp tác Kinh tế và Phát triển) là 10,6% ngân sách hàng năm, trong đó mức chi cho đại học là 30% của ngân sách dành cho giáo dục.

Chuyên gia Trần Đức Cảnh cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học hiện còn thấp. (Ảnh: nguồn website Trường Đại học Hoa Sen)

Chuyên gia Trần Đức Cảnh cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học hiện còn thấp. (Ảnh: nguồn website Trường Đại học Hoa Sen)

Có thể thấy, mức đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay thấp về cả tỷ lệ lẫn số tuyệt đối. Biết rằng ngân sách nhà nước đang tập trung đầu tư cho giáo dục mầm non, tiểu học đến phổ thông, tuy nhiên đầu tư giáo dục đại học không kém phần quan trọng trong việc góp phần phát triển nền kinh tế.

Đầu tư ở đây không đơn giản là cấp, phân bổ tài chính cho các trường, mà còn giúp thực hiện việc chuyển đổi cơ chế vận hành hiệu quả, kết nối với doanh nghiệp, xã hội trong việc giảng dạy, thực hành và nghiên cứu.

Nhà nước nên làm cả hai việc cùng lúc, vừa tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học và xã hội hóa việc đầu tư cho giáo dục. Tỷ lệ đại học công hiện nay là 72,6%, nên dần giảm xuống dưới 50% trong thời gian 20-25 năm tới.

Như vậy, ngân sách Nhà nước mới có thể duy trì và tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cần thiết như nghiên cứu, ngành sư phạm, khoa học xã hội và một số chương trình mới, đồng thời đầu tư nâng cấp các trường công.

Tuy nhiên không thể đầu tư giáo dục trường theo dạng “đánh đồng, chia đều” như thời gian qua, mà phải có mục tiêu, chiến lược và chọn lựa ưu tiên phát triển.

Các nước có tỷ lệ trường tư rất cao như Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Chile... khoảng 80% hoặc cao hơn. Họ có mục tiêu, kế hoạch phát triển loại trường công, tư và khuyến khích, tạo điều kiện cho loại trường không vì lợi nhuận phát triển.

Ông Trần Đức Cảnh cho biết, số trường đại học tư thục hiện nay ở Việt Nam là 65 trên tổng số 237 trường, chiếm 27,4%, số sinh viên 18,7%. Hầu hết trường tư thục Việt Nam thành lập và phát triển trong thời gian 25 năm qua. Mức đầu tư cho cơ sở vật chất, nguồn lực trường và quy mô còn hạn chế.

Một thực tế là đa số sinh viên chọn học trường công thay vì trường tư, lý do học phí thấp và trường được nhà nước đầu tư tốt hơn. Ngoại trừ 5 trường có yếu tố nước ngoài, các trường tư hiện nay đa phần theo mô hình lợi nhuận (for profit), nguồn thu chính là học phí. Phân khúc nhằm vào lượng sinh viên ở mức trung bình (demand led), do đó khả năng đầu tư, tái đầu tư lớn cho trường rất thấp.

Ngoại trừ khi các trường tư huy động nguồn lực hay xây dựng mô hình trường khác, khả năng phát triển của các trường tư hiện nay sẽ rất hạn chế. Điều này không riêng gì Việt Nam mà các nước khác cũng như vậy.

Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học là tư nhân và nhà nước cùng phối hợp đầu tư phát triển giáo dục đại học (đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP).

Ông Trần Đức Cảnh nhận định, ý tưởng hợp tác công tư rất hay nhưng không mới, tuy nhiên để áp dụng vào lĩnh vực giáo dục đại học thì rất khó, đặc biệt là trong cơ chế vận hành và điều kiện của Việt Nam.

Mô hình hợp tác công tư có thể áp dụng thành công vào các ngành, công việc, giao trách nhiệm và ấn định thời gian cụ thể. Nhưng điều này rất khó áp dụng cho đại học, vì liên quan đến đào tạo con người, dù có thể đưa ra các tiêu chí nhưng trách nhiệm, công việc, kết quả và thời gian rất khó cụ thể, chưa nói đến khả năng, điều kiện và trình độ của tổ chức (doanh nghiệp) giáo dục tham gia. Một rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi tham gia.

“Nói thế không có nghĩa là không thực hiện được mô hình này ở mức độ nào đó. Ví dụ như ở Mỹ, chính phủ có chính sách (Land-Grant) giao đất miễn phí (hàng trăm, ngàn hecta) cho các tổ chức trường tư (phi lợi nhuận) để xây dựng trường, đặt ra mục tiêu, cơ chế hoạt động và điện kiện bảo đảm thực hiện rõ ràng. Nhà nước không xen vào việc đầu tư và hoạt động của trường.

Ở Việt Nam, mô hình hợp tác công tư có thể thực hiện được với loại hình trường phi lợi nhuận, tổ chức giáo dục xã hội đầu tư và có những cam kết rõ ràng từ 2 phía, trong đó tài sản công không được bán, chuyển nhượng và lâu dài có lộ trình chuyển đổi thành trường không vì lợi nhuận”, ông Cảnh cho hay.

Theo chuyên gia Trần Đức Cảnh, tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay hầu hết tập trung vào phân khúc thấp, dễ tuyển chọn sinh viên và tổ chức các chương trình đào tạo, mức đầu tư không cao, khả năng tạo lợi nhuận tốt. Một số trường tư tận dụng nguồn lực giảng dạy từ các trường công qua dạng hợp đồng, để giảm chi phí cứng, mang lại lợi nhuận.

Do đó khi nói về đầu tư giáo dục đại học thì cũng cần nói đến loại hình trường, mục tiêu, phân khúc và chất lượng đào tạo hướng tới.

Thu hút đầu tư cho loại trường tinh hoa lúc này rất khó, nhưng có thể đầu tư xây dựng các trường bán tinh hoa với mục tiêu phát triển giáo dục, con người, có lộ trình và thời gian thì có thể thực hiện được.

So sánh về thời gian thì các quốc gia năm 2000 có tỷ lệ trình độ cao đẳng (trở lên) ở mức không cao hơn Việt Nam mấy, nhưng năm 2021 lại tăng cao. Điển hình, nhóm tuổi 25-34 ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng hơn 4 lần, từ 9% năm 2000 lên 40% năm 2021. Tương tự, tỷ lệ tăng ở Bồ Đào Nha từ 13% lên 47% và Cộng Hòa Slovak từ 11% lên 39% ở cùng thời điểm. Các nước đã có tỷ lệ cao năm 2000, như Hàn Quốc và Ireland, cũng tăng mạnh trong thời gian từ 2000 đến 2021: Từ 30% lên 63% ở Ireland và 37% lên 69% ở Hàn Quốc (nguồn: OECD báo cáo năm 2022).

Nói chung, thời gian tăng trưởng trong 20-25 năm về tỷ lệ người dân trong nhóm tuổi nhất định có trình độ từ cao đẳng trở lên có liên quan đến xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển, đầu tư cho giáo dục đại học quyết liệt và nghiêm túc.

Đầu tư cho giáo dục đại học dù công hay tư đều có những thử thách rất lớn, cần có các quyết sách lớn và chọn lựa dứt khoát, không có trường hợp “bất chiến tự nhiên thành” trong giáo dục đại học hiện nay. Nếu làm và thực hiện chính sách đúng và hiệu quả thì sẽ mang lại cho đất nước muôn vàn cơ hội để phát triển, để vươn lên như mục tiêu và lộ trình đề ra.

Còn nhiều rào cản với đầu tư PPP trong giáo dục đại học

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân, con số này còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và quan trọng hơn phải tính toán được đầu tư vào đâu, đầu tư như như thế nào để phát huy hiệu quả.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Cần phải đầu tư trọng điểm chứ không thể đầu tư dàn trải và nên đầu tư theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Nếu cơ sở đào tạo nào làm tốt, phát huy hiệu quả thì nhà nước tập trung đầu tư cho đơn vị đó. Còn hiện nay, chúng ta đầu tư đã ít lại không hiệu quả.

Nói về nguồn đầu tư ngoài ngân sách, Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết, đó là sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội, cụ thể như việc tư nhân xây dựng hệ thống trường tư, trường quốc tế. Khi hệ thống công không thể đảm bảo thì phải để tư nhân cùng tham gia vào xây dựng và phát triển giáo dục đại học chất lượng cao, khi đó người học sẽ đóng góp bằng việc chi trả học phí cao hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà nước phải có những nguồn đầu tư đáng kể cho giáo dục, đảm bảo tính công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân, để những học sinh nghèo học giỏi có cơ hội được học đại học.

Về vấn đề thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục đại học công, Giáo sư Tuấn cho hay, chúng ta đã có Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Tuy nhiên, việc tư nhân và nhà nước cùng phối hợp đầu tư phát triển giáo dục đại học còn gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Khó khăn đến từ cơ chế, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, cơ sở giáo dục hiện nay chưa được giao tài sản và cũng không định giá được tài sản nên việc mang tài sản công đi hợp tác là không khả thi.

Hơn nữa khi công - tư cùng phối hợp làm một dự án, vấn đề vận hành, sở hữu, tỷ lệ chia lợi nhuận như thế nào cũng chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, muốn tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học công, muốn thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực giáo dục thì cần phải xây dựng và hoàn thiện về cơ chế chính sách để áp dụng vào thực tiễn. Còn hiện nay vẫn vướng rất nhiều và các trường vẫn rất e dè với các hình thức đầu tư PPP.

Nguyên Phương