Chuyên gia đề xuất giải pháp cho trường đại học địa phương đang gặp khó khăn

06/03/2024 06:32
Hà An (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Chuyên gia đề xuất cho phép một số đại học địa phương hợp tác công-tư hoặc chuyển đổi thành trường không vì lợi nhuận.

LTS: Hệ thống các trường đại học địa phương đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh/thành. Tuy nhiên, trong sự phát triển không ngừng về quy mô cũng như yêu cầu về chất lượng đào tạo trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường này buộc phải có hướng đi khác trước nguy cơ có thể phải đóng cửa trong đó nhiều trường chọn trở thành trường thành viên của đại học quốc gia/vùng.

Trước thực tế này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Đức Cảnh – chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên là Thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (nhiệm kỳ 2017-2022).

Phóng viên: Thưa thầy, thầy đánh giá như thế nào về sự cần thiết trong phân tầng giáo dục đại học?

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: Có 2 dạng phân tầng phổ biến đối với hệ thống giáo dục đại học các nước (gồm trường ngoài công lập và công lập).

Trường ngoài công lập định vị phân khúc thị trường đại học, từ loại trường tinh hoa, cấp trung đến đào tạo theo nhu cầu. Tỷ lệ nhận sinh viên của các trường có thể từ 4% đến 100% số đơn nộp vào. Một số trường có chiến lược và kế hoạch dài hạn, nâng cấp lên tầm cao hơn qua việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, chất lượng, mở thêm khoa/ngành mới…

Phân tầng hệ thống các trường công do nhà nước xác định, vị trí, mức đầu tư, chức năng đào tạo cũng như mục tiêu và kế hoạch đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cấp quốc gia, vùng hay địa phương.

2.jpg
Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (ảnh: NVCC)

Ở Mỹ việc phân tầng các trường công lập rất rõ, gắn kết với mô hình đào tạo, điển hình là bang California (Mỹ) phân loại trường công ra 3 cấp: 10 trường cấp bang (UC) thiên về nghiên cứu; 23 trường cấp vùng (CSU) đa ngành, đào tạo cấp trung thiên về giảng dạy; và 113 trường đại học cộng đồng (CCC) chương trình 2 năm đào tạo cấp chuyên viên, kỹ thuật viên và liên thông lên đại học. Các bang khác cũng phân cấp tương tự.

Hệ thống trường đại học công của bang California hiện có khoảng 2.650.000 sinh viên trong đó UC 294.309 (11%), CSU 457.992 (17.3%), và CCC 1.900.000 (71.7%) sinh viên. Tuy nằm trong hệ thống quản lý của bang, nhưng các trường hoạt động độc lập. Tôi nghĩ, Việt Nam nên nghiên cứu mô hình này. Ngoài ra, tại Mỹ, hệ thống trường ngoài công lập hoạt động song song với công lập.

Việc phân tầng các trường đại học công là cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực yêu cầu. Tuy nhiên, phân tầng không có nghĩa là Nhà nước đưa ra các tiêu chuẩn cứng hay mang tính áp đặt, mà là định hướng, tạo điều kiện, không gian mở và linh hoạt để các trường phát triển theo nhu cầu và điều kiện của họ.

Phóng viên: Hiện nay đang có xu hướng nhiều trường đại học địa phương sáp nhập để trở thành trường thành viên của đại học quốc gia/vùng. Thầy nghĩ sao về xu hướng này?

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: Tôi không thấy ý nghĩa và giá trị gì mấy của việc trường đại học địa phương trở thành thành viên của đại học quốc gia/vùng, ngoại trừ việc chuyển giao quản lý và có thể vài hỗ trợ khác.

Một đại học quốc gia hay tầm quốc gia đúng nghĩa ở các nước, hầu hết là trường đa ngành và thiên về nghiên cứu. Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và nghiên cứu. Đại học tổ chức vận hành, sử dụng nguồn tài chính và nhân lực hiệu quả, tối ưu hóa mô hình quản lý cấp quốc gia.

Chúng ta đặt mục tiêu có cơ sở giáo dục đại học vào top 200 các đại học châu Á, hay top 300 các trường đại học thế giới trong thời gian tới. Do đó, cần xây dựng mô hình quản trị, quản lý một cách có hệ thống, khoa học và hiệu quả, tránh lan man, thiếu tập trung. Do đó việc sáp nhập trường đại học địa phương vào đại học quốc gia hay vùng không giúp ích cho việc nâng hạng mà có thể gây tác động ngược.

Đúng là hiện nay một số trường đại học địa phương đang gặp khó khăn trong tài chính, tuyển sinh, chất lượng đào tạo… tuy nhiên nếu trở thành thành viên của đại học quốc gia/vùng thì theo tôi đó không phải giải pháp tối ưu. Nhưng nếu cứ để các trường địa phương loay hoay tìm giải pháp cho riêng mình thì sẽ rất khó, cần có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, các đại học lớn tư vấn để xây dựng chính sách chung giúp cho các trường địa phương hoạt động ổn định, đồng thời xây dựng hướng, kế hoạch phát triển lâu dài.

Phóng viên: Thực tế cho thấy, các trường thành viên của đại học quốc gia/vùng đều cần thiết phải cùng đóng trên cùng một địa bàn nhất định thì mới phát huy được ưu thế dùng chung cơ sở hạ tầng, giảng viên và phân công chuyên môn hóa trong đa ngành… Do vậy, khi một trường ở địa phương khác trở thành thành viên của đại học quốc gia/vùng thì đâu sử dụng được những lợi thế của đại học phải không, thưa thầy?

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: Một đại học quốc gia hay tầm quốc gia đúng nghĩa cần phải có các yếu tố: cấu trúc vận hành ở cấp vĩ mô, quy mô và chất lượng đào tạo, hiệu quả quản lý nguồn lực giảng dạy và nghiên cứu, nguồn tài chính cần thiết của đại học. Các yếu tố khác không kém phần quan trọng như vị trí, đời sống và sinh hoạt của sinh viên, thương hiệu, văn hóa của trường, chất lượng đầu ra...

Để có thể vào top 100 hay 200 trường của khu vực và thế giới trong 15 - 20 năm tới thì mô hình quản trị của đại học quốc gia, cần được tái cấu trúc, đầu tư nâng tầm để phát triển lâu dài.

Với đà phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ giáo dục, các cơ sở giáo dục này có thể linh động việc đào tạo tại chỗ và trực tuyến, kể cả việc liên kết với các trường nước ngoài. Vấn đề không đơn thuần là các trường thành viên ở cùng một địa điểm, mà cách quản trị, quản lý và vận hành nguồn tài lực một cách khoa học, gắn liền với mục tiêu phát triển.

Phóng viên: Theo thầy, muốn trường đại học địa phương tạo được bản sắc và sự khác biệt với tốc độ đa dạng hoá đại học như hiện nay để có được vị trí bền vững thì cơ quan quản lý cần có biện pháp như thế nào?

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: Nhu cầu đào tạo đại học ở Việt Nam còn rất lớn. Chưa bàn về chất lượng đào tạo, số người có trình độ đại học ở độ tuổi 25 trở lên chỉ khoảng 12% trong khi Nhật là 35%, Hàn Quốc là 38% và Mỹ là 39%. Con số này của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của nhóm các quốc gia phát triển (OECD).

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nhập học của sinh viên Việt Nam (2020 – 2022) thấp nhất Đông Nam Á, khoảng 28% trong khi Thái Lan và Malaysia ở mức 42%.. Với đà này, Việt Nam khó trở thành nước phát triển.

Tôi không thích câu thường nghe “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng không còn cách nào hơn, nếu mục tiêu trở thành nước phát triển năm 2045.

Để có được 30% dân số tuổi 25 trở lên đạt trình độ đại học vào năm 2045, chúng ta cần phải đầu tư rất nhiều, số sinh viên phải tăng gấp đôi hiện nay, ở mức khoảng 350 sinh viên/vạn dân (chưa tính số sinh viên cao đẳng). Như vậy, số lượng trường đại học có thể phải tăng gấp đôi số 244 trường hiện nay. Tuy nhiên, trong thời đại giáo dục công nghệ, dự báo số lượng sinh viên học trực tuyến, cũng như các phương pháp tiếp cận khác, nên việc đầu tư cơ sở giáo dục đại học chỉ ở mức tương đối.

Nếu phải sáp nhập hay giải thể một số trường công hiện nay, tôi e rằng chúng ta phải đầu tư, xây dựng lại các trường trong một ngày không xa.

Vai trò các trường đại học địa phương rất cần thiết cho việc phát triển giáo dục cộng đồng. Ngoài việc đào tạo các chương trình chính quy, trường có thể đào tạo hệ đại học 2 năm (cao đẳng) liên thông lên đại học. Sinh viên có thể học tại địa phương và sau đó chuyển trường, tiết kiệm tài chính, đặc biệt là sinh viên thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Như vậy dần sẽ giúp tạo sự bình đẳng giữa sinh viên giàu (49%), nghèo (15%) trong tiếp cận đại học. Ngoài ra, các trường địa phương có thể đào tạo các chương trình kỹ năng, chuyên môn ngắn hạn cho cá nhân, doanh nghiệp và theo tinh thần học suốt đời. Nếu biết tận dụng thì đại học địa phương sẽ mang lại giá trị cho cộng đồng địa phương rất nhiều, trong đó phát triển kinh tế, xã hội là mục tiêu chính.

Bản thân của của các trường cũng cần tư duy lại cách tổ chức, vận hành trường cho hiệu quả trong điều kiện mới, trường không bị động bởi việc cấp ngân sách và tuyển sinh.

Ngoài ra, thay vì giải thể, Chính phủ có thể cho phép một số trường công chuyển sang hợp tác công-tư, không vì lợi nhuận với điều kiện là tài sản công phải được bảo đảm, không được chuyển cho cá nhân hay tổ chức tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy Nhà nước sẽ không phải lo lắng việc cấp ngân sách hay quản lý nhân sự.

Nhà nước không nên đầu tư thêm nhiều trường công, tập trung đầu tư các trường hiện nay, để bảo đảm tài chính hoạt động, tăng chất lượng và mục tiêu đề ra. Do đó, cần mở rộng và khuyến khích loại trường tư thục, ưu tiên cho loại hình trường không vì lợi nhuận.

Phóng viên: Trong những giải pháp đó thì vấn đề nào cần ưu tiên trước? Vì sao?

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: Trước mắt Nhà nước cần tăng ngân sách cho giáo dục đại học nói chung và trường công lập địa phương nói riêng, giúp ổn định tài chính trong khi xem xét tái cấu trúc hệ thống trường công.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2019) thì ngân sách dành cho cho đại học ở mức 0.23% GDP trong khi mức trung bình các nước phát triển (OECD) là 1,2%. Cũng theo báo cáo này, năm 2017, nguồn thu của các trường từ học phí chiếm 57%, năm 2021 là 77%, và có thể còn tăng nữa, trở thành gánh nặng rất lớn cho sinh viên và gia đình có thu nhập thấp. Trong khi chỉ có khoảng 3% số sinh viên tiếp cận được nguốn vay.

Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các trường đại học địa phương để nâng cao tính tự chủ và cho phép:

Đào tạo hệ cao đẳng (cộng đồng) liên thông lên đại học như trước đây mà không bị vướng cơ chế xin-cho nhằm giúp các trường tối đa hóa nguồn lực giáo dục tại địa phương cũng như tăng ngân sách hoạt động.

Khuyến khích và hỗ trợ các trường tổ chức các chương trình ngắn hạn và học suốt đời.

Liên kết các trường địa phương thành một mạng lưới, hỗ trợ, chia sẻ chương trình và nguồn lực, khi cần, nhưng các trường vẫn tự chủ.

Cho phép một số trường đại học địa phương hợp tác công-tư hoặc chuyển đổi thành trường không vì lợi nhuận.

Tuy ngân sách Nhà nước có phần hạn hẹp, nhưng theo tôi, mức đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay quá thấp, rất khó cho các trường, đặc biệt là các trường đại học địa phương. Trong khi chờ đợi tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục đại học, Nhà nước nên xem xét tăng ngân sách giáo dục đại học lên ít nhất 1% GDP (2023), tương đương 4,5 tỷ USD. Mức này cũng chỉ bằng ngân sách hoạt động mỗi năm của một đại học lớn ở Mỹ.

Thuật ngữ tiếng Anh “put your money where your mouth is”, có nghĩa là bỏ tiền cho mục tiêu và ưu tiên đặt ra, chứ không chỉ là lời nói hay hứa hẹn; và phát triển giáo dục đại học phải là ưu tiên hàng đầu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Đức Cảnh.

Hà An (thực hiện)