Xu hướng sáp nhập các đại học địa phương: Nguy cơ làm suy yếu hệ thống GDĐH

04/02/2024 06:18
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không nên sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học quốc gia, đại học vùng bởi khác nhau về sứ mệnh, nhiệm vụ đào tạo và ý nghĩa tồn tại.

Đứng trước nhiều khó khăn, một số trường đại học địa phương đã và đang lên đề án sáp nhập vào các đại học trọng điểm quốc gia nhằm nhận được sự hỗ trợ, đầu tư trong công tác đào tạo, tuyển sinh, nhân lực,... Theo chuyên gia, đây là một xu hướng không phù hợp với sứ mệnh của các trường đại học địa phương.

Trường đại học địa phương có sứ mệnh, nhiệm vụ đào tạo riêng

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các trường đại học địa phương đều là cơ sở giáo dục đại học công lập. Vì vậy, nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, hai loại hình trường này lại khác nhau trong sự phân cấp quản lý và sứ mệnh, nhiệm vụ đào tạo.

Nếu các trường đại học trực thuộc Bộ chịu sự quản lý trực tiếp từ trung ương, do các cơ quan quản lý nhà nước là đại diện cho chủ sở hữu thì các trường địa phương lại chịu sự quản lý trực tiếp từ chính quyền địa phương của mình (Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố).

Các trường đại học trực thuộc Bộ sẽ thực hiện nhiệm vụ giáo dục như nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn các trường đại học địa phương lại đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bám sát vào thực tế của từng tỉnh/thành, giải quyết các nhu cầu về nhân lực, dân trí của địa phương mà các trường đại học trực thuộc các Bộ khó đáp ứng được (điều này không có nghĩa là các trường đại học địa phương không dùng nguồn lực từ Trung ương).

Đối với chiến lược phát triển, các trường trực thuộc các Bộ thường phải đặt ra mục tiêu là phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế, thế nhưng, các trường đại học địa phương lại đào tạo đáp ứng theo những chuẩn mực riêng của địa phương và vươn lên chuẩn mực quốc gia.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho địa phương, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, sự tồn tại và phát triển của các trường đại học địa phương còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa ánh sáng của văn hóa, khoa học tới cho người dân địa phương.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển có cơ hội được tiếp cận với giáo dục đại học.

Hiện nay, hầu như các trường đại học đều có hỗ trợ học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, học phí là một phần, nhiều em đến từ những gia đình thuộc vùng kinh tế khó khăn khó có thể chịu được mức sinh hoạt tại các thành phố lớn. Chính vì vậy, sự tồn tại của các trường đại học địa phương cũng thể hiện tính công bằng trong giáo dục.

Về tính pháp lý, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, có thể thấy rằng, nước ta đã có sự phân cấp quản lý nhà nước rất rõ ràng đối với các hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng.

Cụ thể, Khoản 3, 4, Điều 105 (Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục) của Luật Giáo dục 2019 nêu rõ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm";

"Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong đó, phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương,... (điểm đ, khoản 5, Điều 105, Luật Giáo dục 2019).

Như vậy, chính các chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đến việc phát triển giáo dục của địa bàn mình.

"Tóm lại, với tính pháp lý, tính khoa học, tính hợp lý nêu trên, có thể khẳng định rằng, sự tồn tại của hệ thống các trường địa phương là vô cùng quan trọng. Mỗi trường đại học đều có sứ mệnh khác nhau, có những cấp quản lý khác nhau chứ không thể quy về hết cho Trung ương trực tiếp quản lý.

Thế nhưng, hiện nay lại có tình trạng các trường đại học địa phương đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, biến mất khỏi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, hay xu hướng trở thành đơn vị thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng. Điều này rất đáng lo ngại", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến trăn trở.

Một số địa phương chưa thực sự coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu"

Bàn về thực trạng hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học địa phương, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ, trong thời gian vừa qua, hệ thống các trường đại học địa phương đang gặp nhiều khó khăn như khó tuyển sinh, nợ lương giảng viên, địa phương khó huy động ngân sách hoạt động cho các cơ sở, …

Không những vậy, trên thực tế, có những địa phương dù có ngân sách những lại chưa chú trọng trong việc đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học của địa phương mình.

Do đó, đã dẫn đến một hiện tượng rất đáng lo ngại là xu hướng lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường đại học của địa phương mình vào đại học quốc gia hoặc đại học vùng.

"Đây là một động thái rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục đại học đất nước. Nếu các trường đại học địa phương bị xóa sổ, những mục tiêu, ý nghĩa của hệ thống này mang lại cũng sẽ bị biến mất.

Chúng ta luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, thế nhưng hiện nay nhiều địa phương lại không thực hiện được điều này”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ lo ngại.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, đối sánh với thực tế của các trường đại học địa phương như tại Mỹ, các cơ sở đào tạo này thường được xây dựng với 2 đặc điểm.

Thứ nhất là, “vì dân”, mở ra để đáp ứng yêu cầu đặc thù của địa phương, phục vụ cho việc nâng cao mặt bằng văn hóa của người dân trên địa bàn.

Thứ hai là, “do dân”, cơ sở này phải được chăm lo chủ yếu bằng tiền thuế mà người dân đã đóng góp cho chính quyền địa phương, tức là từ ngân sách địa phương.

Với những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra như vậy, học phí của các trường đại học địa phương chỉ bằng 1/5 học phí của các trường đại học trực thuộc Trung ương nên thu hút được đông đảo con em trên địa bàn đến độ tuổi tham gia học tập.

Hơn nữa, kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng. Và phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học.

Tại nhiều nước phát triển về giáo dục trên thế giới, đơn cử như tại Mỹ, các trường đại học địa phương chủ yếu chỉ đào tạo từ trình độ cử nhân trở xuống; các trường trực thuộc trung ương chủ yếu phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, chỉ đào tạo cử nhân trở lên và trọng tâm là đi vào đào tạo sau đại học. Hầu như các nước tiên tiến đều có sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học địa phương.

Hiện nay, cách quản lý đối tại các cơ sở giáo dục đại học nước ta còn khá lộn xộn nên các hoạt động đào tạo ở các trường còn tồn tại nhiều vấn đề. Trên thực tế, có những trường đại học địa phương vốn đi lên từ trường nghề nhưng giờ lại đào tạo cả bậc thạc sĩ, tiến sĩ; có những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Trung ương nhưng lại đào tạo nghề.

Để xảy ra tình trạng hệ thống các trường đại học địa phương bị “teo tóp”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay vẫn còn tư duy bao cấp, quan liêu, không thực tế khi áp đặt tiêu chuẩn chung đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học, dù là các trường đại học địa phương hay các trường đại học trực thuộc Trung ương, trường trọng điểm quốc gia như yêu cầu.

Điều này đã gây ra nhiều rào cản gây và khó khăn cho sự phát triển của các trường đại học địa phương.

Không những vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng rất lớn, nếu “buông lỏng” sự quan tâm, đầu tư đến giáo dục đại học, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương mình sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng địa phương.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học địa phương một mặt cần phải hiểu về các tính chất, đặc điểm, những thuận lợi, khó khăn của địa phương. Mặt khác cũng phải thể hiện sự thông cảm với chính địa phương của mình và tìm cách gia tăng các nguồn thu khác để chia sẻ những khó khăn về tài chính với địa phương, các trường cũng phải chủ động, hoạt động đào tạo linh hoạt, mềm dẻo hơn...

Về phía cộng đồng, các doanh nghiệp tại địa phương cần hỗ trợ cho nhà trường như tham gia, góp ý với chương trình đào tạo, từ đó, sử dụng nguồn nhân lực do chính các cơ sở này đào tạo ra; hỗ trợ về tài chính.

Hơn nữa, các trường đại học lớn trực thuộc Trung ương cũng cần giúp đỡ cho các trường đại học địa phương phát triển như hỗ trợ về nâng cao chất lượng giảng viên để thể hiện tính cộng đồng chứ không phải trở thành trường thành viên trực thuộc của mình thì mới hỗ trợ.

Trước những hạn chế còn tồn tại đối với các trường đại học địa phương, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó hình thành nên một hệ thống giáo dục mở, để sinh viên có thể dễ dàng chuyển từ trường này sang trường khác và các trường này có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Hệ thống giáo dục mở này nếu chưa làm được trên cả nước thì phải hình thành nên những cụm trường liên kết để có những cam kết để hỗ trợ; đưa chuyển đổi số trong việc quản lý, điều hành của các cụm trường liên kết và áp dụng quy trình đào tạo mềm dẻo.

Bên cạnh đó, cần phải xóa bỏ đi những rào cản “ngăn sông cấm chợ” giữa giáo dục đại học với giáo dục nghề nghiệp. Nhờ vậy, chính quyền địa phương mới thuận lợi hơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tại cơ sở giáo dục đại học địa phương và tạo nên một hệ thống giáo dục mở đúng nghĩa.

Không những vậy, chính quyền địa phương cần phải làm đúng chức năng của mình là phải đặt hàng và phân bố nhu cầu nhân lực cho các cơ sở giáo dục tại địa phương. Nếu không đặt hàng được, phải hình thành nên một hội đồng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (gồm các sở, ban, ngành và doanh nghiệp lớn tại địa phương) và nó phải thường xuyên tư vấn định kỳ cho lãnh đạo địa phương để xác định nhu cầu và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.

Tường San