Theo Luật 34/2018/QH14 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.
Thành viên hội đồng trường của trường đại học công lập bao gồm thành viên trong trường và thành viên ngoài trường.
Qua quá trình thực thi Luật 34 có nhiều ý kiến cho rằng, cần có định chế riêng về về cơ cấu hội đồng trường của trường đại học địa phương theo hướng tăng cường vai trò của lãnh đạo tỉnh. Theo đó, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành nên tham gia vào hội đồng trường của trường đại học địa phương.
Lãnh đạo tỉnh không nên là chủ tịch hội đồng trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho hay, Luật Giáo dục Đại học đã quy định rõ, cơ cấu hội đồng trường có sự tham gia của thành viên ngoài trường, trong đó, có đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Vị đại diện này có thể thay mặt cơ quan quản lý truyền tải ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp vào các quyết định của hội đồng trường.
Như vậy, cơ quan quản lý trực tiếp có thể yên tâm phân cấp cho hội đồng trường quyết định một số vấn đề mà trước đây nhà trường cần phải xin ý kiến cấp trên.
Từ đó, các hoạt động của trường sẽ được thực hiện nhanh chóng, thể hiện tính năng động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong xu thế tự chủ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC |
Đề cập về những thuận lợi khi cơ sở giáo dục đại học có lãnh đạo địa phương tham gia vào cơ cấu của hội đồng trường, thầy Báu chia sẻ rằng, trường đại học địa phương có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.
Nếu lãnh đạo tỉnh tham gia vào hội đồng trường sẽ giúp cho hội đồng trường có góc nhìn bao quát hơn, nắm rõ hơn về chiến lược phát triển của tỉnh, từ đó, xác định rõ được tỉnh sẽ cần nguồn nhân lực như thế nào, cần phải nghiên cứu gì và nhà trường phải giúp gì được cho tỉnh trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Có như thế, hội đồng trường mới thực hiện tốt việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của nhà trường.
"Ý kiến của lãnh đạo tỉnh là thành viên của hội đồng trường rất quan trọng, đặc biệt khi ban hành quyết định.
Nhưng lãnh đạo tỉnh sẽ rất khó để tham gia đầy đủ các cuộc họp hội đồng trường. Song, mỗi năm, hội đồng trường thường tổ chức 4 - 5 cuộc họp, tôi cho rằng, lãnh đạo tỉnh có thể sắp xếp tham gia được.
Hơn thế, nếu không thể tham gia được, lãnh đạo tỉnh có thể tham mưu ý kiến bằng văn bản hoặc thực hiện họp trực tiếp kết hợp trực tuyến. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh tham gia hội đồng trường là cần thiết để hội đồng trường có thể thực hiện tốt nhiệm vụ”, Phó Giáo sư Lê Viết Báu chia sẻ.
Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 quy định số lượng, cơ cấu và trách nhiệm của thành viên hội đồng trường, cụ thể như sau:
c) Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động;
Bàn đến cơ cấu của hội đồng trường, thầy Báu cho biết, tỷ lệ tối thiểu của thành viên ngoài trường theo luật quy định là 30%, một số địa phương có quy định phải có 1 thành viên là lãnh đạo tỉnh tham gia vào cơ cấu hội đồng trường bên cạnh thành viên là đại diện sở, ngành.
Hiện, cơ cấu hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức gồm có 21 người, trong đó, có 7 thành viên ngoài trường, chiếm tỷ lệ 33,33% - trên mức tối thiểu theo luật quy định. Những thành viên ngoài trường gồm có đại diện uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phần đương nhiên, do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cử), một số lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp,...
Có ý kiến rằng, các lãnh đạo địa phương nên tham gia vào hội đồng trường nhưng không nên là chủ tịch hội đồng trường trong trường đại học địa phương. Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Giáo sư Lê Viết Báu hoàn toàn đồng ý.
Thầy Báu cho hay, hội đồng trường còn có trách nhiệm và quyền hạn là giám sát việc thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học,...
Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 quy định về tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường như sau:
b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;
Hoạt động này cần được diễn ra thường xuyên trong khi đó lãnh đạo địa phương thường không có thời gian theo dõi sát sao hoạt động nhà trường, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc thực hiện chức năng giám sát của hội đồng trường.
Chính vì vậy, trong Luật Giáo dục Đại học quy định, Chủ tịch Hội đồng trường là thành viên cơ hữu của trường đại học công lập. Ở đây, lãnh đạo địa phương tham gia với vai trò là người cùng hội đồng trường hoạch định chính sách, chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng phát triển của tỉnh.
Cùng bàn luận về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ rằng, trường đại học địa phương trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, nếu trong hội đồng trường có đại diện lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo sở, ngành là một điều cần thiết, đơn cử như lãnh đạo Sở Tài chính sẽ tham mưu cho trường về nội dung thu chi tài chính, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu địa phương.
Hiện, cơ cấu của hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang đều có sự tham gia của lãnh đạo sở, ngành, thậm chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng là thành viên của Hội đồng trường.
Bên cạnh lãnh đạo tỉnh, đại diện sở, ngành tham gia vào cơ cấu hội đồng trường, còn có đại diện doanh nghiệp, nhà quản lý,…
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn. |
Theo thầy Thịnh, lãnh đạo địa phương là thành viên của hội đồng trường sẽ có nhiều thuận lợi, vì ủy ban nhân dân tỉnh là đơn vị phê duyệt ngân sách đầu tư về cơ sở vật chất, nhân sự,…
Thông qua hoạt động của hội đồng trường, lãnh đạo địa phương có thể trao đổi và đề xuất ý kiến giúp nghị quyết, quyết định của hội đồng trường sát thực tế.
Thầy Thịnh cho rằng, cơ cấu của hội đồng trường nên có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan tham gia. Điều này là rất tốt, tuy nhiên các trường cũng nên thực hiện đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học, chủ tịch hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu của trường, việc kiêm nhiệm là điều không nên.
Thứ hai, nếu lãnh đạo tỉnh tham gia với vai trò là Chủ tịch Hội đồng trường, họ sẽ phải san sẻ thời gian cho 2 công việc, khó có thể toàn tâm toàn ý với trường, nhất là thực hiện trách nhiệm giám sát của hội đồng trường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, số lượng thành viên ngoài trường chiếm phần lớn trong cơ cấu hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang, dao động khoảng 50%.
Trường có nhiều thành viên ngoài trường trong cơ cấu hội đồng trường sẽ giúp hội đồng trường có góc nhìn khách quan, đặc biệt trong việc góp ý, ban hành, triển khai nghị quyết ngoài thực tế tốt hơn. Điều này sẽ giúp trường phát triển theo đúng chiến lược, sứ mệnh dưới sự quản lý của địa phương.
Hội đồng trường của Trường Đại học Tiền Giang có 20 thành viên, để hội đồng trường làm tốt nhiệm vụ, các thành viên trong trường hay ngoài trường cần có am hiểu nhất định về quản trị đại học,… Từ đó, giúp hội đồng trường ban hành nghị quyết đúng đắn, giúp trường phát triển.
Thành viên ngoài trường không “mặn mà” với vị trí được bổ nhiệm
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Ngô Đức Lưu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bạc Liêu cho biết, trước đây, khi thành lập hội đồng trường, trường đã cơ cấu thành viên là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng không được nhất trí nên đã cử đồng chí đại diện sở, ngành tham gia.
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lưu, hội đồng trường có sự tham gia của đại diện lãnh đạo sở, ngành là rất tốt, bởi thành viên này sẽ phản ánh kịp thời hoạt động của trường, nắm bắt được tình hình thực hiện nhiệm vụ của trường đại học địa phương, đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến để trường phát triển.
Tiến sĩ Ngô Đức Lưu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bạc Liêu. Ảnh: website trường. |
“Song, bên cạnh việc là thành viên hội đồng trường, đại diện sở, ngành sẽ phải ưu tiên công việc chính.
Như vậy, để lãnh đạo tỉnh tham gia vào cơ cấu hội đồng trường sẽ có nhiều thuận lợi nhưng theo quan điểm của tôi, thành viên là nguyên lãnh đạo tỉnh tham gia vào cơ cấu hội đồng trường sẽ thuận lợi hơn khi có kinh nghiệm quản lý cũng như mức độ uy tín”, Tiến sĩ Lưu nói.
Quy trình bổ nhiệm nhân sự hội đồng trường đối với thành viên ngoài trường được thực hiện khá chặt chẽ. Cụ thể, Trường Đại học Bạc Liêu xin ý kiến, chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu về cơ cấu của hội đồng trường, sau khi nhận được phê duyệt, trường làm công văn gửi đến cơ quan để cử đại diện tham gia với quy chế hoạt động theo tổ chức và pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc họp do hội đồng trường tổ chức, thành viên là đại diện sở, ngành thường báo vắng, bận lịch công tác. Các thành viên này thường vắng khoảng từ 1-2 cuộc họp/năm. Đây cũng là những trăn trở đối với trường hiện nay.
Trong khi đó, để hội đồng trường có thể tổ chức được cuộc họp, số lượng thành viên phải đảm bảo trên 50%, trong đó có thành viên ngoài trường theo luật quy định.
“Mặt khác, chưa có nội dung, quy chế để ràng buộc thành viên ngoài trường tham gia vào hội đồng trường, mặc dù quy trình bổ nhiệm đã có cân nhắc và nhận được sự phê duyệt của ủy ban nhân dân tỉnh.
Sự tham gia của thành viên ngoài trường chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong việc góp ý, tham mưu cho hội đồng trường.
Vừa qua, hội đồng trường có báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về thực trạng này. Trường Đại học Bạc Liêu mong muốn cơ quan chủ quản của trường - ủy ban nhân dân tỉnh có công văn nhắc nhở thành viên ngoài trường dưới sự quản lý của tỉnh dành thời gian tham gia đầy đủ các cuộc họp cũng như đóng góp chiến lược, nghị quyết phát triển của nhà trường”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bạc Liêu nêu.
Điểm d, Khoản 3, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 quy định rõ về trách nhiệm của thành viên hội đồng trường trường đại học công lập:
d) Thành viên hội đồng trường thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của hội đồng trường do chủ tịch hội đồng phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; tham gia đầy đủ các phiên họp của hội đồng trường, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Điểm b khoản 5 Điều 16 nêu nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng trường cụ thể là:
b) Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm. Hội đồng trường họp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và họp đột xuất theo đề nghị của chủ tịch hội đồng trường, của hiệu trưởng trường đại học hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên của hội đồng trường. Cuộc họp hội đồng trường là hợp lệ khi có trên 50% tổng số thành viên dự họp, trong đó có thành viên ngoài trường đại học.