Chuyên gia đề xuất giải pháp phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp

27/01/2023 06:34
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị đề xuất 3 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

Trên toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2,2 triệu người. [1]

Trong giai đoạn mới, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, giáo dục nghề nghiệp có sứ mạng góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực vào năm 2030 và bắt kịp trình độ các nước tiên tiến vào năm 2045”. [2]

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: HNIVC).

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: HNIVC).

Chia sẻ về việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong tương lai, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị (trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong dự án kỹ năng cho các ngành công nghiệp) phân tích, có 2 cách tiếp cận chính để hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Cách tiếp cận thứ nhất là bên cung (supply side) chủ động cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và các ngành công nghiệp. Theo đó, Chính phủ lấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp là công cụ chính để cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng miễn phí cho xã hội và các ngành công nghiệp.

"Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng mô hình này", Tiến sĩ Vị cho hay.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị chia sẻ tiếp, với mô hình 2 sẽ ngược lại, đó là thị trường thúc đẩy lực lượng lao động có kỹ năng.

Ví dụ như trong mô hình kinh tế thị trường tự do (như đã thấy ở Anh và Úc), hệ thống giáo dục và nguồn cung của nó phản ánh nhu cầu của thị trường tư nhân các ngành công nghiệp yêu cầu.

Có nghĩa, hệ thống giáo dục nghề nghiệp là công cụ đáp ứng đòi hỏi của xã hội và các ngành công nghiệp.

"Mô hình này gọi là bên cầu dẫn dắt nguồn lực có kỹ năng, chủ động đòi hỏi cái mình cần, và hệ thống giáo dục nghề nghiệp đáp ứng theo", Tiến sĩ Vị nhận định.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị. (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia này cũng lấy ví dụ, theo nghiên cứu (Crouch et al. 1999), các sáng kiến phát triển kỹ năng do nhà nước chỉ đạo (bên cung) thường không dẫn đến việc đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp (bên cầu).

Theo Booth et al. 1996; Finegold 1996, 4 nguyên nhân chính dẫn đến lí do trên là:

Một là: Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và các quan chức chính phủ có thể làm việc vì tư lợi của họ;

Hai là: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp và các quan chức chính phủ không thể hiểu nhu cầu kỹ năng tốt hơn doanh nghiệp;

Ba là: Hiện tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp là quá lớn, vì vậy hỗ trợ của chính phủ cho đào tạo dàn trải và tốn kém.

Bốn là: Các chính trị gia và công chức có xu hướng đặt ưu tiên cao cho các kết quả ngắn hạn (tư duy nhiệm kỳ).

Với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị đề xuất 3 giải pháp:

"Một là dần dần từng bước thay đổi cách tiếp cận từ bên cung là chủ đạo sang bên cầu; Hai là phân cấp và quyền cho các địa phương chủ động về nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của các công ty thông qua các cơ sở dạy nghề được đặt tại các địa phương đó; Ba là xây dựng một hệ thống thông tin ở tầm quốc gia và địa phương cập nhật thường xuyên từ 2 phía là bên cung và bên cầu", Tiến sĩ Vị nói.

Bình luận thêm về vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng (nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc nghiên cứu, dự báo thị trường lao động mới chỉ có một số địa phương làm tốt, ví như Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hoạt động trên cũng chưa mạnh, dẫn đến việc điều hòa nguồn nhân lực các ngành nghề bị lệch, chỗ thừa, chỗ thiếu.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng đánh giá cao nếu địa phương chủ động về nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Các địa phương sẽ là đơn vị biết được rõ về nguồn nhân lực cần có, và định hướng phát triển của địa phương. Ví dụ, hiện tại chúng ta đang làm quy hoạch tổng thể quốc gia và từng tỉnh, vùng, sẽ nắm rất rõ về kế hoạch trung hạn, dài hạn, thậm chí dự báo đến năm 2050 về nhu cầu của từng ngành nghề", Tiến sĩ Dụng cho hay.

Tiến sĩ Dụng cũng nhận định tầm quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống thông tin ở tầm quốc gia, và địa phương cập nhật thường xuyên từ 2 phía là bên cung và bên cầu.

Trước đây, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng từng thực hiện đề tài nghiên cứu dự báo về trình độ đào tạo đại học ngành kỹ thuật công nghệ trong bối cảnh công nghệ 4.0, qua đó cũng đã nghiên cứu về vấn đề dự báo nhân lực của một số nước. Ví dụ như Hàn Quốc làm rất tốt nội dung này, và có hệ thống xâu chuỗi từ trung ương tới địa phương, cùng các ngành nghề, tuy nhiên họ phải đầu tư rất nhiều.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cho rằng: hiện nay việc phân luồng, định hướng với học sinh tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được sát sao.

Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền đối với cha mẹ, học sinh với phương pháp, cách thức chưa được hiệu quả. Từ đó, phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con cái vẫn theo trào lưu của xã hội, ít căn cứ vào năng lực, sở trường, đam mê, mong muốn của con.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://nhandan.vn/giao-duc-nghe-nghiep-dap-ung-ngay-tot-nhu-cau-nhan-luc-cua-thi-truong-lao-dong-post727984.html

[2]: http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/38813/seo/Giao-duc-nghe-nghiep-dao-tao-nguon-nhan-luc-co-ky-nang-nghe-cho-phat-trien-dat-nuoc/Default.aspx

Mạnh Đoàn