Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ: nguồn nhân lực Việt Nam hiện vừa thiếu vừa yếu

18/12/2021 06:44
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục tiêu để Việt Nam trở thành một nước phát triển trong 25-30 năm tới, nguồn nhân lực phải được xem là yếu tố quyết định cần phải được kế hoạch, đầu tư đúng mức.

Thay đổi căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2050. Nội dung mà chuyên gia chia sẻ mang tính dự báo, nguồn được trích dẫn cùng với tính toán và đề xuất mô hình của tác giả.

Phóng viên: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nguồn nhân lực với việc phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Phải thẳng thắn nhìn nhận là nguồn nhân lực của Việt Nam hiện vừa thiếu vừa yếu, về cả số lượng lẫn chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra trong 2-3 thập kỷ tới. Cũng có dư luận cho rằng các trường đang đào tạo thừa cao đẳng và đại học, bằng chứng là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc hay làm làm không đúng ngành đào tạo còn cao. Quan điểm rất phổ biến cho rằng xã hội hiện đang “thừa thầy thiếu thợ”.

Từ góc nhìn so sánh, tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực để có thể chuyển mình thành một nước công nghiệp trong tương lai gần. Chưa bàn đến chất lượng, với tỷ lệ 16% dân số ở độ tuổi 25-64 có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ ngang với các nền kinh tế đang phát triển, còn nặng về nông nghiệp truyền thống.

Sau hai thập niên phát triển giáo dục cao đẳng và đại học qua việc tăng số sinh viên, số trường, đạt được một số thành tích đáng kể, ngược lại cũng phát sinh nhiều vấn đề, phần lớn mang tính cấu trúc. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải xem xét, đánh giá nguồn nhân lực hiện nay trên tổng thể, tái cấu lại hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm tạo động lực cho phát triển nếu có thể.

Ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc phát triển nguồn Nhân lực Bang Massachusetts (Mỹ) (ảnh: NVCC)

Ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc phát triển nguồn Nhân lực Bang Massachusetts (Mỹ) (ảnh: NVCC)

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong khu vực, chu kỳ phát triển của họ từ điểm thấp lên điểm cao nhất mất khoảng 30 năm. Hai yếu tố quan trọng góp phần vào giai đoạn phát triển này là: đặt mục tiêu và thực hiện chiến lược phát triển quốc gia gắn liền với việc đầu tư vào nguồn lực con người. Bài học thành công từ mô hình phát triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan..

Việt Nam không còn lợi thế của yếu tố trẻ như thời kỳ sau đổi mới năm 1986 hay năm 2000, tuổi trung bình năm 2020 là 32,5 và dự báo năm 2050 là 41,2. Tuy nhiên, lợi thế về độ tuổi ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước và thế giới có phần khác, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản... đang gặp trở ngại lớn về vấn đề dân số.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, dân số Việt Nam năm 2020 là 97.338.579, bằng 1,25% dân số thế giới, xếp hạng thứ 15 các quốc gia đông dân nhất, với mật độ dân số 316 người/km2.

Độ tuổi trung bình của Việt Nam hiện nay tương đối lý tưởng, nhưng dự báo sẽ là một trong những quốc gia già nhanh nhất trong 2-3 thập kỷ tới. Nếu không nhanh chóng xây dựng và tận dụng nguồn lực để phát triển kinh tế và xã hội thì sẽ mất đi lợi thế còn lại. Khi đó khả năng Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp như một số nước.

Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực của tôi không ngoài mục đích xây dựng lộ trình và dự báo từng giai đoạn phát triển. Mô hình tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở mỗi cấp, trình độ, từ lao động phổ thông đến chuyên môn cao nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu, sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, tác động đến toàn xã hội trong giai đoạn tới.

Ông đề xuất gì cho mô hình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2050, thưa ông?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Để đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 30 năm tới (2021-2050) thì tôi sẽ dùng kết quả phân tích để lý giải sự cần thiết xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực như sau:

Hình 1: Mô hình phát triển và dự báo nguồn nhân lực cho Việt Nam 2021-2050

Hình 1: Mô hình phát triển và dự báo nguồn nhân lực cho Việt Nam 2021-2050

Theo ước tính dân số Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 112.605.000 người vào năm 2050, tăng 14.5% so với năm 2020, tăng trung bình 48%/năm. Do mức độ dân số tăng thấp, nên dân Việt Nam sẽ già rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động của toàn nền kinh tế, cấu trúc sinh hoạt xã hội cũng như đời sống cá nhân.

Bảng 1. Dự báo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2050.

Bảng 1. Dự báo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2050.

Nhìn vào Hình 1 cho thấy:

Dân số ở độ tuổi 18-64 tham gia lao động năm 2021 ước tính là 56.053.230 người, chiếm 57% dân số và năm 2050 là 60.806.700 chiếm 54%. Do tình hình dân số, dự báo tỷ lệ tỷ lệ tham gia lao động sẽ giảm trong chu kỳ 30 năm, một phần do dân số già hóa cộng thêm tính bão hòa của nguồn lao động sau chu kỳ phát triển theo kinh nghiệm các nước phát triển.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Nhà xuất bản Thống kê tính tới tháng 12/2019 cho thấy trình độ cao đẳng (hệ đại học) trở lên hiện nay ở mức 15,8% và đại học trở lên 12,3%, kế hoạch đến năm 2050 hai số này sẽ tăng lên 43,5% và 33,2%, tương đương với trình độ trung bình của các nước phát triển hiện nay.

Bảng 1 còn cho thấy một số điểm sau:

Số lao động phổ thông không qua đào tạo năm 2021 rất cao, chiếm khoảng 47%, phần lớn ở vùng núi và nông thôn, kế hoạch sẽ giảm xuống còn 25% vào năm 2050.

Nhiều thập niên qua các công ty đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Do yêu cầu công việc mỗi ngày phức tạp cùng với việc tiếp cận các chương trình đào tạo dễ dàng hơn, số lớn lao động sẽ được đào tạo từ bên ngoài trước khi bắt đầu công việc, nhu cầu lao động đào tạo tại chỗ giảm từ 27% xuống 20%.

Đa dạng hệ đào tạo nghề từ 3 tháng đến 2 năm, sơ cấp và trung cấp vẫn ở mức 10% trong 30 thập niên tới, số lớn lực lượng này chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phân luồng sau trung học cơ sở, kế hoạch 30% học sinh theo học hệ trung học kỹ thuật/nghề trong 30 năm tới, tăng từ 0,2% lên 2,5%. Học sinh tốt nghiệp trung học nghề/ kỹ thuật có thể đi làm ngay, hoặc học tiếp lên cao đẳng hay đại học nếu chọn.

Nhu cầu rất lớn cho bậc chuyên môn, kỹ thuật viên hay cấp quản đốc, tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng tăng từ 3,5% lên 9%.

Dân số có bằng đại học 4 năm tăng từ 11,5% đến 26,1%, đáp ứng nhu cầu chuyên môn, kỹ thuật và quản lý.

Số lượng Thạc sĩ tăng đáng kể, từ 0,6% lên 6%, đáp ứng nhu cầu quản lý và chuyên môn cao.

Số người được đào tạo chuyên môn cao (Bác sĩ, Luật sư, Nha sĩ, Dược sĩ ...) tăng từ 0,4% lên 1,10% số nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Số có bằng Tiến sĩ tăng từ 0,05% lên 0,3%, ước tính 80% sẽ tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học, viện hay các bộ phận nghiên cứu các tổ chức, công ty.

Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trên dựa theo mô hình giáo dục và đào tạo truyền thống, nhưng có khả năng linh động, điều chỉnh, thay đổi theo nhu cầu ngành nghề, công việc của thị trường nhân lực tương lai.

Ông có thể đưa ra so sánh, đo lường và dự báo khả năng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong giai đoạn tới so với một số quốc gia trong tổ chức OECD không?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Biểu đồ so sánh trình độ đào tạo sau trung học phổ thông (tertiary) của 2 nhóm tuổi 25 - 34 và 55 - 64 thuộc tổ chức OECD và 3 nước thành viên: Hàn Quốc (HQ), Estonia và Mỹ (U.S) để độc giả có thể so sánh và đo lường, dự báo khả năng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hình 2: So sánh trình độ đào tạo sau trung học phổ thông (tertiary)

Hình 2: So sánh trình độ đào tạo sau trung học phổ thông (tertiary)

Hàn Quốc (HQ) đạt trình độ đào tạo sau bậc trung học phổ thông cao nhất, khoảng cách giữa hai nhóm tuổi rất lớn 44,50%, trung bình là 36%. Chứng tỏ giáo dục và đào tạo của họ phát triển rất mạnh trong 3 thập niên qua.

Estonia có độ chênh lệch thấp nhất trong nhóm OECD là 4,90% giữa 2 nhóm tuổi, nói lên sự phát triển giáo dục và nguồn nhân lực nước này đã ổn định từ lâu, trung bình là 41%.

Hoa Kỳ (US) có độ chênh lệch giữa 2 độ tuổi là 7%, một phần do nền giáo dục tương đối lâu đời và cấu trúc chương trình học suốt đời, trung bình là 48,3%.

Ước tính trình độ đào tạo sau trung học phổ thông (tertiary) của Việt Nam hiện nay là 20%, thấp hơn Hàn Quốc 30 năm trước. Để đạt mức trung bình của OECD hiện nay, Việt Nam cần tập trung đầu tư nguồn lực giáo dục và đào tạo 30 năm tới theo tính toán trên bao gồm số sinh viên cao đẳng, đại học và sau đại học.

Còn tiếp...

Thùy Linh