Chuyên gia thảo luận cách đưa các sáng chế của nhà khoa học vào thực tiễn

29/05/2024 11:46
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thương mại hoá công nghệ là một khâu then chốt trong việc đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Ngày 28/05/2024, tại Không gian Sáng tạo số HUST Digital Hub của Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo chia sẻ về chủ đề “University Technology Commercialization: Pathways and Challenges” (Thương mại hóa công nghệ đại học: Con đường và thách thức).

Qua buổi hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi về cách đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học và làm sao để đưa các sáng chế của nhà khoa học vào thực tiễn.

Anh1.jpg
Các diễn giả tham dự Hội thảo.

Buổi Hội thảo có sự tham gia của 4 diễn giả, bao gồm: Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Yến- Trường Kinh Doanh Edinburgh - Đại học Heriot-Watt, Vương quốc Anh; ông Gavin Leonard - Giám đốc điều hành của MedTech Syndicate, Vương quốc Anh; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số, Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngoài ra, chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Cừ, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo, giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhiều sinh viên quan tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Anh2.jpg
Các khách mời, lãnh đạo, giảng viên tham gia hội thảo.

Trong phần diễn thuyết đầu tiên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Yến nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của thương mại hóa công nghệ; cách nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong đại học, những điều các trường đại học cần lưu ý nếu muốn chuyển dịch từ giảng dạy, nghiên cứu truyền thống sang chuyển giao công nghệ.

Anh3.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Yến chia sẻ tại hội thảo.

Mô hình 3 nhà (nhà trường - nhà nước- nhà doanh nghiệp) là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa công nghệ trong trường học. Vị này đưa ra một số minh chứng từ các trường đại học tại châu Âu và đặc biệt là tại Anh - nơi cô đang giảng dạy về khởi nghiệp tại Trường Kinh Doanh Edinburgh.

Cũng đến từ nước Anh, Giám đốc điều hành Gavin Leonard chia sẻ sâu hơn về các sáng chế trong trường đại học, cụ thể ở lĩnh vực MedTech (Công nghệ Sức khỏe). Trước đây, những sáng chế trong trường đại học ít khi được coi trọng, thậm chí mất cơ hội được đề cử giải Nobel nhưng hiện nay đã được xã hội quan tâm hơn rất nhiều.

“Những năm 1980, chỉ có 2 trung tâm chuyển giao công nghệ ở nước Mỹ nhưng sau 10 năm đã có 200 trung tâm và hiện nay, con số đó là 1000” - theo ông Gavin Leonard.

Anh4.jpg
Giám đốc điều hành Gavin Leonard nhấn mạnh tầm quan trọng của bằng sáng chế.

Ông Gavin Leonard khẳng định tầm quan trọng của việc công bố phát minh, cấp bằng sáng chế cho các dự án sinh viên nếu muốn thương mại hóa công nghệ đó trong tương lai.

Tuy nhiên, việc cấp bằng sáng chế cho dự án của nhà khoa học gặp nhiều khó khăn vì đâu đó có tình trạng trường đại học chưa hiểu rõ quy trình cấp bằng sáng chế; các doanh nghiệp chưa cảm thấy sáng chế có giá trị thương mại, dễ thất bại; quy trình của các trường đại học vẫn còn cồng kềnh; thậm chí nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng chưa nắm rõ hết các quy định.

Qua đó, việc thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ có vai trò rất lớn để đưa các phát minh ra thị trường, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Dựa trên câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về việc tìm kiếm khách hàng - tư duy thương mại hóa sản phẩm. Việc tìm kiếm được khách hàng không chỉ giúp sản phẩm có doanh số mà còn giúp những người nghiên cứu nhìn thấy tính khả thi của sản phẩm.

Anh5.jpg
Ông Nguyễn Bình Minh thuyết trình về cách tìm kiếm khách hàng cho các dự án khởi nghiệp.

“Ai là khách hàng của chúng ta? Đó chính là những người sử dụng sản phẩm. Điều này tạo ra sự thay đổi về tư duy, tôi làm ra những thứ người ta có thể ăn được ngay, dùng được ngay. Cái bán được mới có thể gọi là sản phẩm” - ông Nguyễn Bình Minh chia sẻ.

Diễn giả cuối cùng, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund chia sẻ về cách Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung và Quỹ khởi nghiệp Sáng tạo giúp đỡ những dự án khởi nghiệp của sinh viên trong trường.

Ông Phạm Tuấn Hiệp bày tỏ: “Các nhóm nghiên cứu trong trường đại học là những người tài năng, có khả năng sáng tạo rất tốt. Nhưng họ cần thêm những người mang hơi thở thị trường, mang lại thách thức và cùng đồng hành với họ.

Đó là BK Fund - quỹ do các cựu sinh viên Bách Khoa thành lập mang sứ mệnh đầu tư vào giai đoạn sớm, cùng đồng hành kéo các chủ doanh nghiệp về đóng góp tinh thần, tình yêu, kinh nghiệm về cho trường. Các chương trình cũng gắn với BK Holdings - Hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội”.

Anh6.jpg
Diễn giả Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund chia sẻ tại chương trình.

Ông Hiệp hy vọng muốn hội thảo này được diễn ra hàng tháng, để các sinh viên, những người làm khoa học thảo luận cùng nhau. Từ câu chuyện của Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Hiệp muốn thúc đẩy sự phát triển của các công ty spin-off thuần Việt (các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu).

Trần Trang