Xếp hạng đại học là kết quả tất yếu của một cơ sở giáo dục có chất lượng cao

17/05/2024 06:25
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Việc tham gia các bảng xếp hạng giúp các CSGDĐH nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và có những cải tiến về chất lượng

Xếp hạng đại học đã trở thành một xu hướng trong bối cảnh giáo dục toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là xu thế tất yếu để các cơ sở giáo dục đại học liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng.

Xếp hạng đại học mang lại lợi ích cho cả nhà trường, người học và xã hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhìn từ góc độ khoa học giáo dục thì xếp hạng đại học là một phương thức đối sánh để các cơ sở giáo dục cải tiến chất lượng. Đây cũng là một hình thức đảm bảo chất lượng bên ngoài.

Bên cạnh đó, nếu nhìn từ bình diện quốc gia, có thể thấy năng lực cạnh tranh trong giáo dục đại học ở Việt Nam đã được tăng lên, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng đang từng bước tiệm cận với những tiêu chuẩn, chất lượng, năng lực về đào tạo và nghiên cứu khoa học của thế giới.

thầy huy.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo thầy Huy, việc xếp hạng đại học là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xác định được vị thế của mình trong tương quan với các trường đại học ở một số khía cạnh, nhất là về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đồng thời, việc có mặt trong các bảng xếp hạng cũng sẽ giúp trường tạo ra danh tiếng, hình ảnh để thúc đẩy tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh quốc tế. Người học, đặc biệt là người học nước ngoài, cũng sẽ sử dụng kết quả xếp hạng như một trong những tiêu chí quan trọng để quyết định việc lựa chọn nơi mà mình sẽ đến để học tập. Nói cách khác, kết quả xếp hạng đại học cũng là một kênh thông tin tốt để người học tham khảo và ra quyết định lựa chọn nơi mình sẽ theo học.

Việc có một vị trí tốt trên bảng xếp hạng quốc tế cũng sẽ tạo ra niềm tin lớn và đem đến những hiệu quả truyền thông tích cực cho trường đại học, đặc biệt là trong việc thu hút sự quan tâm hợp tác và đầu tư của các đối tác quốc tế, của các cơ quan quản lý nhà nước, quỹ đầu tư.

“Bảng xếp hạng không phản ánh được tất cả nhưng nó phản ánh một khía cạnh của chất lượng giáo dục. Đặc biệt, các bảng xếp hạng nổi tiếng hiện nay thường tập trung đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục”.

Việc tham gia bảng xếp hạng giúp các cơ sở giáo dục đại học trong nước nhận diện được những khoảng cách so với các trường đại học trên thế giới và trong khu vực. Từ đó, các trường có chiến lược và giải pháp để khắc phục điểm yếu, thúc đẩy điểm mạnh và có những bước phát triển mới”, thầy Huy chia sẻ.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, số lượng các trường đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng toàn cầu về xu hướng là có tăng, tuy nhiên còn tăng chậm. Nếu xét theo số liệu gần đây nhất của 3 bảng xếp hạng ARWU, QS và THE thì Việt Nam chỉ có 6 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong các bảng này. Trong khi đó Malaysia có 28 trường và Thái Lan có 13 trường.

Theo thầy Lộc, các bảng xếp hạng cơ bản được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau, trong đó, một đối tượng quan trọng là giúp học sinh phổ thông cùng phụ huynh có thể lựa chọn các trường đại học tốt và phù hợp để theo học.

Đồng thời, xếp hạng đại học là cách để các cơ sở giáo dục đại học có sự đối sánh với các trường đại học khác trên thế giới và trong khu vực. Từ đó giúp các trường đề ra các chiến lược và định hướng phát triển hay đề ra các chính sách học phí tương ứng.

GS NGUYỄN LỘC (5).JPG
Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Cùng với đó, các bảng xếp hạng quốc tế giúp cho Chính phủ đánh giá được bức tranh về giáo dục đại học, từ đó đề ra các định hướng phát triển cho các trường và cho hệ thống giáo dục đại học của quốc gia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng dựa trên bảng xếp hạng này để lựa chọn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng cho doanh nghiệp.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô, xếp hạng đại học là một xu hướng tất yếu, các trường đại học hàng đầu thường sẽ có sự cạnh tranh ở các bảng xếp hạng đại học.

Việc tham gia xếp hạng đại học giúp các cơ sở giáo dục có thể đối sánh với những chỉ số mà bảng xếp hạng đưa ra, và tùy mỗi bảng xếp hạng sẽ có những thang đo, tiêu chí khác nhau.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, bảng xếp hạng là một cách để các trường thấy mình ở đâu trên bản đồ các trường đại học thế giới. Bên cạnh đó, khi trường đại học quan tâm đến những chỉ số trong bảng xếp hạng, trường sẽ có những biện pháp để nâng cao chất lượng về nghiên cứu khoa học, về sinh viên quốc tế…. điều này với nhà trường, giảng viên cho đến sinh viên đều có lợi.

Theo Giáo sư Nguyễn Lộc, hiện còn một số rào cản khiến thứ hạng của đại học Việt Nam còn khiêm tốn trên các bảng xếp hạng quốc tế như:

Thứ nhất, văn hóa chất lượng hay cụ thể hơn là văn hóa xếp hạng chưa phát triển, đây được coi là rào cản chính đối với sự khiêm tốn về thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Văn hóa xếp hạng được thể hiện qua nhận thức rằng, chất lượng của trường đại học có thể định lượng qua tổ hợp các tiêu chuẩn. Và chất lượng này phân biệt thứ hạng của trường đại học. Người học có thể sử dụng thứ hạng này để chọn trường phù hợp cho mình.

Do đó, trường đại học sử dụng để cải thiện chất lượng của trường, quốc gia sử dụng để xác định chiến lược phát triển cho giáo dục đại học quốc gia.

Thứ hai, do tuổi đời của các trường đại học của Việt Nam còn non trẻ. Trong khi cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất của Việt Nam là gần 80 năm thì các cơ sở giáo dục đại học có thứ hạng cao trên thế giới thường có quá trình hình thành và phát triển vài trăm năm thậm chí xấp xỉ nghìn năm.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học của quốc gia của Việt Nam chưa rõ nét. Kinh nghiệm cho thấy khá nhiều quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy việc nâng thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế thông qua các chương trình, đề án khác nhau.

Chú trọng xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển toàn diện

Để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hội nhập vào các bảng xếp hạng và cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng khu vực, thế giới, theo thầy Lộc, đầu tiên, cần phát triển mạnh hơn “văn hóa xếp hạng” đối với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Thứ hạng cao trong một bảng xếp hạng, đặc biệt là xếp hạng thế giới mang tới cho trường đại học uy tín, nguồn lực, cơ hội hợp tác quốc tế…

Hơn nữa văn hóa này tạo nên một môi trường cởi mở hơn khi ta có một thông tin tin cậy về thứ hạng các trường đại học, qua đó các trường tốt có thể phát huy mạnh hơn nữa, các trường đang phát triển cần phải nỗ lực mạnh hơn, nhờ vậy, vị thế của giáo dục đại học Việt Nam ngày càng phát triển.

Xếp hạng thế giới là sân chơi khốc liệt. Đằng sau sự thăng hạng nào đó là một sự nỗ lực không ngừng của trường đại học. Xếp hạng thế giới đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng và toàn diện mà các trường đại học phải chú trọng xây dựng, thực hiện.

Theo Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Huy, chúng ta không nên xem xếp hạng đại học là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của giáo dục, mà nó là kết quả, đích đến tất yếu của một cơ sở giáo dục có chất lượng cao. Dù tham gia bảng xếp hạng nào thì điều đầu tiên cần có là chất lượng xuất sắc, thể hiện thông qua chất lượng của các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo, sự hỗ trợ phát triển cộng đồng của các trường đại học.

Mỗi bảng xếp hạng có một bộ tiêu chí riêng. Chính vì vậy, các trường đại học cần nghiên cứu và xem xét kỹ các tiêu chí xếp hạng đó để đánh giá sự phù hợp với thế mạnh và chiến lược phát triển của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, trường có kế hoạch, giải pháp để thúc đẩy phát triển theo hướng vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu chiến lược, vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xếp hạng.

"Điểm chung của các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới hiện nay là đều có trọng số điểm lớn cho chất lượng công bố quốc tế và uy tín học thuật. Nếu muốn tạo được tiền đề và lợi thế khi tham gia xếp hạng đại học, cơ sở giáo dục đại học cần có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đột phá, trong đó quan tâm đến việc gia tăng chất lượng và số lượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế.

Các cơ sở giáo dục nên tính đến những giá trị bền vững khi tham gia các bảng xếp hạng, tránh việc tập trung phần lớn nguồn lực chỉ để theo đuổi một mục tiêu là xếp hạng. Trong các chỉ số phát triển, nên ưu tiên lựa chọn chỉ số để vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa giúp trường tham gia hiệu quả vào các bảng xếp hạng.

Việc này phải được đưa vào trong kế hoạch, chiến lược phát triển trường, đồng thời bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện", Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Huy nhận định.

Thu Trang