Chuyện nghề cô giáo “cắm bản”, vài lần xách vali định bỏ nghề nhưng không nỡ

12/11/2015 07:39
Thùy Linh
(GDVN) - Tại lễ gặp mặt Thầy cô tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015”, chúng tôi có dịp gặp gỡ cô giáo “cắm bản” đã vài lần xách vali định bỏ nghề.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hiền giáo viên trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ- Yên Minh - Hà Giang sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Do bố mẹ công tác tại Tuyên Quang nên cô về sống cùng ông bà nội tại huyện Mê Linh- tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). 

Cô Hiền là một trong 62 giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác ở các trường học điểm lẻ tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” .

Tốt nghiệp THPT cô theo học một trường chuyên nghiệp tại tỉnh Hà Giang và tốt nghiệp năm 1997. Sau khi ra trường cô công tác tại tỉnh Tuyên Quang đến năm 2002 theo tiếng gọi của vùng cao Hà Giang, cô Hiền lên nộp hồ sơ xin công tác. 

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hiền giáo viên trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ- Yên Minh - Hà Giang trong lễ gặp mặt (Ảnh: Thùy Linh)
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hiền giáo viên trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Hồ- Yên Minh - Hà Giang trong lễ gặp mặt (Ảnh: Thùy Linh)

Khi hỏi về quyết định này, cô Hiền chia sẻ: “Khi đó, sự tò mò của tuổi trẻ muốn xem người dân vùng bản họ sống thế nào nhưng khi lên tới nơi với 3 tiếng đồng hồ đi bộ mới vào tới điểm trường dạy, lớp học làm bằng tre, bằng nứa thì thấy sợ, thấy chán nhưng khi đó nhận được sự động viên của các anh chị em đi trước rằng dân họ sống được thì mình cũng sống được nên cứ thế là cố gắng đến tận hôm nay thôi”. 

Cô kể về hành trình đi gieo cái chữ đầy gian nan: “Một tháng đầu, gạo và thức ăn không thể mua nổi để ăn mà phải ăn hoàn toàn bằng ngô.

Muốn có gạo ăn thì đều phải trông chờ vào cô Hiệu trưởng đi ra xa bản mua được ít nào về cô chia cho thì có ăn chứ mình đi bộ đi mua thì không đi xa được nên không có. Còn bây giờ mỗi tuần chợ họp một lần nên thức ăn mua dự trữ
”, cô Hiền tâm sự. 

Nước thì hoàn toàn không có nên các cô phải vận động học sinh bằng cách mỗi em đến trường mang cho cô một chai nước, nước đó dùng xong thì để giặt giũ. 

Những ngày đầu xa nhà, tối đến, căn phòng thì trống trải, chỉ có đèn dầu leo lét để thắp sáng và soạn giáo án khiến cô Hiền thấy đêm dài lê thê, sợ hãi vì bóng tối mà không dám ngủ. 

Chuyện nghề cô giáo “cắm bản”, vài lần xách vali định bỏ nghề nhưng không nỡ ảnh 2
Để thu hút những đứa trẻ nơi vùng cao thì chỉ có đặt điểm trường, cùng sự nhiệt huyết của thầy, cô giáo mới có thể "kéo" các em tới trường học chữ (Ảnh: Giáo dục và thời đại)

Theo lời cô Hiền, khi mới đến dạy học, không phải bọn trẻ đứa nào cũng ham học như bây giờ mà do cuộc sống khó khăn, chúng bỏ học lên nương rẫy làm giúp bố mẹ. Vậy là, có những buổi chiều cô phải chèo đèo lội suối đến tận những bản xa để “nịnh” bọn trẻ ra lớp.

Vận động lần thứ nhất không được, đến lần thứ hai thì phụ huynh trốn tránh cho nên muốn vận động thì phải đi vào buổi tối và đi cùng cán bộ bản để có thể gặp và thuyết phục cha mẹ học sinh. 

Chuyện nghề cô giáo “cắm bản”, vài lần xách vali định bỏ nghề nhưng không nỡ ảnh 3

Gian nan con chữ vùng cao

(GDVN) - Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc quanh năm, trẻ con người Đan Lai (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cũng thiếu cả cái chữ.

Nhờ sự kiên trì bằng tâm huyết của một nhà giáo dục mà số lượng trẻ đến trường ở vùng cao đã tăng lên đáng kể, học trò thích học cái chữ hơn.  

Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc dành cho các thầy cô giáo “cắm bản”khi chứng kiến sự thay đổi đó, có cảm giác như mình đã góp được một phần nhỏ giúp đỡ cho những đứa trẻ nơi đây. 

Năm bắt đầu đi vận động công tác xóa mù thì chỉ được 2-3 em tới trường, khi học xong các em đã biết đọc, biết nói tiếng phổ thông dần dần học trò thích học, định kiến của phụ huynh dần thay đổi nên hiện nay lớp của cô Hiền chủ nhiệm đã có tới 32 học sinh. 

Đến giờ tuy đã sắp được 13 năm “cắm bản” dạy chữ tại Hà Giang nhưng cô Hiền nhớ lắm hình ảnh lớp học khi cô mới bước vào nghề. Nó chỉ là khung gỗ ghép tạm vào nhau. 

Một năm, hai năm, “đất bén duyên người”, cô Hiền thấy quen dần mảnh đất Lũng Hồ, thấy yêu thương học trò và dân bản vùng cao. Tôi gặng hỏi, những lúc công việc và cuộc sống khó khăn, chị có ý định chuyển công tác hay chuyển về quê không? 

Cô Hiền cười, thành thật nói: “Thời gian đầu mới đến cũng đã nghĩ đến việc về quê tìm một công việc, đã xách túi nhiều lần để về vì khi khỏe thì không sao nhưng khi ốm, điện thoại thì không có sóng, muốn gọi người mà không có người, thuốc thang không có, có khi ốm từ sáng mà đến tận 11 giờ đêm mới có người đến giúp thì đã phải cho đi cấp cứu”, nói đến đây giọng của cô nghẹn nấc. 

“Nhưng lúc muốn bỏ cuộc ấy thì trên trường đi về gặp học sinh đến trường mồ hôi nhễ nhại thậm chí có em khi biết còn nói: “Cô về thì ai dạy chữ cho em”…. Ấy vậy là đủ để quay lại vì các em mong học cái chữ nên mình không đành bỏ cuộc. Và đó chính là động lực để vượt qua mọi khó khăn”, tiếng nói của cô tràn ngập tình yêu thương. Phía sau cô và đồng nghiệp luôn có biết bao ước mơ của con trẻ. Các thầy cô là những người nuôi lớn ước mơ đó. 

Lễ tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2015” diễn vào ngày 12/11/2015, tại Hà Nội với nhiều hoạt động ý nghĩa. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, kỷ niệm chương của chương trình và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Thùy Linh