Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị

20/08/2015 07:45
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị, chấm dứt thời đại quân chủ Việt Nam.

LTS: Tiếp tục loạt bài về chủ đề “Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9”, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới tòa soạn bài viết này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Ngày 13/8/1945, được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.

23 giờ ngày 13/8/1945 Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa. 

Tiếp đó, ngày 16 và 17 tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã thống nhất thông qua "10 chính sách Việt Minh", thông qua "lệnh tổng khởi nghĩa", quyết định quốc kỳ nền đỏ sao vàng, chọn bài "Tiến quân ca" làm Quốc ca, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. 

Đảng Cộng sản Đông Dương ra Lời hiệu triệu gửi quốc dân đồng bào, các đoàn thể cách mạng và toàn thể đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh tổng tiến công của Đảng, nhân dân cả nước ta đã đồng lòng đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945 cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công trong cả nước.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chính thức chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam hơn 1.000 năm. Vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến đã thoái vị, nhường quyền điều hành đất nước cho chính quyền cách mạng. Sự kiện trọng đại này diễn ra sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế chỉ vài ngày.

Huế vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Trong thời điểm 1945, Huế được xem là trung tâm chính trị của mảnh đất Trung Kỳ.

Cùng với nhân dân Trung Kỳ và nhân dân cả nước, đồng bào Thừa Thiên - Huế luôn có mặt trong trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị (Ảnh: dulichhue.com.vn)
Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị (Ảnh: dulichhue.com.vn)

Do đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, Thường vụ Tỉnh ủy đã có những cố gắng để giảm bớt sự chống phá của địch. Việt Minh đã cố gắng giải thích chính sách của mặt trận là:

"Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để cứu nước khỏi ách nô lệ... kêu gọi mọi người tham gia cứu nước, trước mắt tránh những việc làm có hại cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mà Mặt trận Việt Minh đang tiến hành". 

Một số cán bộ Việt Minh tỉnh đã trực tiếp gặp, vận động một số yếu nhân ngả về phía cách mạng. Một số quan chức trong chính phủ Trần Trọng Kim đã hoàn toàn nhất trí đi theo cách mạng và đề nghị cử người cùng đi xuống các đồn lính để vận động họ đi theo Việt Minh.

Riêng đối với vua Bảo Đại, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vận động thoái vị. Ngày 17/8/1945, nội các Trần Trọng Kim họp và ngay hôm đó vua Bảo Đại ban hành dụ số 105 gồm hai điểm chính:

"Điểm thứ nhất, nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập Nội các; điểm thứ hai, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân".

Ngày 20/8/1945, đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa.

Các thành viên trong đoàn cán bộ Trung ương hoàn toàn thống nhất với kế hoạch khởi nghĩa. Ngay trong ngày hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập gồm đồng chí Tố Hữu (Chủ tịch), đồng chí Hoàng Anh (Phó Chủ tịch).

Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị ảnh 2

Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám xứng đáng với tầm vóc lịch sử

(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành tại địa phương.

Ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa huy động quần chúng biểu tình trên các đường phố và kéo đến chiếm lĩnh các lộ, các công sở và doanh trại lính bảo an.

Trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn buộc phải thoái vị. 

Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị, chấm dứt thời đại quân chủ Việt Nam, bằng một câu nói nổi tiếng: "Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ". 

Chiều ngày 30/8/1945, nhân dân Huế đã tổ chức mít tinh trọng thể ở sân vận động để hoan nghênh phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Phái đoàn gồm có các ông: Trần Huy Liệu - Trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận.  

Buổi lễ được tổ chức long trọng trên Ngọ Môn. Đúng 4 giờ, xe của phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời mang cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào cửa chính giữa của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô vang dội của hơn 5 vạn người dân Huế. Bảo Đại quấn khăn vàng, mặc áo vàng, quần trắng ra đón phái đoàn.

Tại buổi lễ, trước hết ông Trần Huy Liệu giải thích cho đồng bào rõ ý nghĩa của việc phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại và đọc cho đồng bào nghe bức điện mới nhận được từ Hà Nội, cho biết Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân tại thủ đô Hà Nội vào ngày 2/9/1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. 

Ông Trần Huy Liệu cũng đọc cho đồng bào nghe danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời. Đồng bào vỗ tay và hô khẩu hiệu Chính phủ lâm thời nhiệt liệt.

Sau đó, Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách xúc động. Khi Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài, cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm năm cánh sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô như sấm hòa cùng 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh. 

Tiếng súng lệnh chấm dứt, Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trần Huy Liệu, trưởng đoàn đại biểu Chính phủ chiếc quốc ấn bằng vàng nặng gần 10kg và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng, nạm ngọc. 

Tiếp đó, ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của mấy chục năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, bền bỉ của nhân dân cả nước, tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách của chính phủ dân chủ là đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lắng nghe xong bản tuyên bố của đoàn đại biểu chính phủ, mấy vạn đồng bào dự buổi lễ lại vỗ tay và hô vang các khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!".

Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị ảnh 3

Vị đại tá quân đội kể về tuổi thơ ở Hoàng Sa trước năm 1945

(GDVN) - “Trên đảo có 2 lá cờ, một lá cờ của nhà nước ta thời vua Bảo Đại nền vàng gạch đỏ ở giữa (máu đỏ, da vàng) và 1 cờ Pháp. Tất cả sinh hoạt trên đảo đều theo tiếng kèn của 1 người lính, kể cả chào cờ”.

Theo đề nghị của Bảo Đại, đoàn đại biểu Chính phủ đã tặng ông huy hiệu cờ đỏ sao vàng.

Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại từ nay trở thành công dân Vĩnh Thụy, đồng thời ông Cù Huy Cận công bố điều này cho đồng bào biết và đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân vĩnh Thụy. Vĩnh Thụy giơ tay vẫy đồng bào và ra về.

Sau đó, công dân Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời mới thành lập.

Năm 1946, trong chuyến đi cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Trung Quốc, Bảo Đại đã ở lại nước ngoài.

Vua Bảo Đại thoái vị là một sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ thế kỷ XVI, khi chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu đi vào con đường suy tàn và mục ruỗng, nhân dân Việt Nam đã phải sống một cuộc đời đói khổ và phiêu bạt vì những cuộc nội chiến do các tập đoàn phong kiến gây ra. 

Thắng lợi của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn tưởng như có thể đổi đời cho những người nông dân "chân lấm tay bùn" nhưng cũng đi vào "vết xe đổ" và cuối cùng chính quyền lại rơi vào tay tập đoàn phong kiến khác, đó là tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn. 

Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhà Nguyễn với vai trò là lực lượng lãnh đạo đất nước đã không làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình và để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Rõ ràng chế độ phong kiến Việt Nam đã đến thời kỳ diệt vong.

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nhà Nguyễn như một công cụ chính trị đắc lực mà thực dân Pháp lợi dụng để cai trị Việt Nam. Vai trò của nhà Nguyễn tiếp tục được duy trì khi phát xít Nhật nhảy vào Việt Nam thay chân Pháp. 

Chế độ phong kiến Việt Nam giờ đây như những cây "tầm gửi" chỉ sống được nhờ sự nuôi dưỡng của các "thân chủ", đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật. 

Khi cách mạng vùng lên, dân tộc Việt Nam "giũ bùn đứng dậy" lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật thì chế độ phong kiến Việt Nam đã hoàn toàn mất chỗ dựa, mất đi nguồn nuôi dưỡng, bao bọc nên sự sụp đổ của nhà Nguyễn là một tất yếu. 

Cách mạng tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó đã phá tan hai tầng xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xita Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. 

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà.

* Nguồn trích dẫn:

- Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), "Đại cương lịch sử Việt Nam", Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội - 2006.

- "Hỏi đáp lịch sử Việt Nam", Tập 6, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh -2008.

- Nguyễn Đắc Xuân, "Chín đời chúa, Mười ba đời vua Nguyễn", Nxb Thuận Hóa, Huế - 1998.

Đại tá Đặng Việt Thủy