Theo CNN, bằng các phương thức khác nhau, lực lượng ly khai ở Ukraine đã xây dựng cho mình một kho vũ khí có khả năng chạm tới những khu vực rất cao trên bầu trời.
Trong đầu tháng 6, một nhóm tay súng ly khai ở miền Đông Ukraine đã nói với CNN rằng họ có một đơn vị tên lửa phòng không gắn trên xe tải do Nga chế tạo. Các vũ khí này theo họ có được do chiếm từ một cơ sở của quân đội Ukraine ở gần đó.
Sơ đồ vụ tấn công bắn rơi chiếc máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines. |
Cách đó vài dặm ở thị trấn Kramatorsk các tay súng ly khai nói rằng họ có hai xe tăng lấy được từ một nhà máy sản xuất vũ khí trong vùng.
Theo CNN, kể từ đầu tháng 6/2014, lực lượng ly khai Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các máy bay, trực thăng của lực lượng an ninh chính phủ.
Các nỗ lực này đã đạt được một số thành công. Chính phủ Kiev hôm cuối tuần vừa qua thừa nhận họ đã bị mất 14 chiếc máy bay và trực thăng quân sự trong chiến dịch ở miền Đông kể từ tháng 4. Các máy bay đã bị phe ly khai bắn hạ bao gồm AN-26, Mi-8, Mi-24, IL-76.
Trong hầu hết các trường hợp, máy bay của lực lượng an ninh Ukraine bị bắn rơi khi đang bay ở độ cao tương đối thấp và chủ yếu là mục tiêu của tên lửa SA-7 và súng chống máy bay.
Hệ thống tên lửa Buk được phát hiện ở Donetsk vào ngày thảm kịch xảy ra. |
Lực lượng ủng hộ Nga muốn ly khai đã chiếm một số kho vũ khí, căn cứ của quân đội Ukraine và lấy vũ khí từ đây, trong đó có SA-7, pháo phòng không ZU 32-2.
SA-7 do Liên Xô sản xuất tương đối dễ sử dụng và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao 2.500 mét. Pháo cao xạ ZU 23-2 có thể chạm tới mục tiêu ở độ cao cao hơn chút nữa. Nhưng so với Buk hoặc SA-11, được cho là thủ phạm dẫn tới thảm kịch MH17, thì vẫn còn quá ngắn.
Khả năng lực lượng ly khai chiếm được hệ thống tên lửa Buk từ các cơ sở quân sự của Ukraine cũng không thể loại trừ. Theo CNN, có các bằng chứng cho thấy rất nhiều thiết bị quân sự của Ukraine đang được bảo vệ rất lỏng lẻo và thậm chí là bị bỏ rơi. Do đó, nó có thể trở thành nguồn cung cấp vũ khí tiềm năng cho lực lượng nổi dậy.
Ngày 29/6, lực lượng ly khai tấn công căn cứ tên lửa A-1402 của quân đội Ukraine gần Donetsk. Sau đó, thông tấn RIA Novosti đã đăng tải bài báo với tiêu đề "Bầu trời Donetsk sẽ được bảo vệ bởi hệ thống tên lửa đất đối không Buk".
Peter Felstead, một chuyên gia về thiết bị quân sự của Liên Xô tại tổ chức IHS Janes cho biết, cả Nga và Ukraine đều sở hữu hệ thống tên lửa Buk, nhưng vẫn chưa thể khẳng định rằng lực lượng ly khai có khả năng dùng nó bắn rơi MH17.
Hệ thống Buk-M2. |
Ông cho rằng không loại trừ trong lực lượng ly khai Ukraine có thể có cựu binh sĩ Nga biết vận hàng hệ thống Buk. Ngoài ra, ông đồng tình với đánh giá cho rằng để vận hành được hệ thống này cần thiết phải có chuyên gia từ Nga và 4 người có kỹ năng.
Mặc dù phe ly khai đã bác bỏ liên quan tới thảm kịch MH17 vì không có vũ khí nào như vậy, nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, phe này đã bắn rơi một chiếc Su-24 của họ ở khoảng cách 6.200-6.500 mét một ngày trước vụ bắn rơi máy bay Malaysia. Hơn nữa, rơi chiếc Su-24 bị bắn rơi chỉ cách hiện trường vụ MH17 khoảng 30 km. Quân đội Ukraine cáo buộc tên lửa từ Nga đã bắn rơi máy bay của họ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm Thứ Sáu rằng vũ khí hạng nặng không có khả năng vận chuyển trái phép qua biên giới nước này vào Ukraine. Tuy nhiên, trong đầu tháng 6, phe ly khai đã giành quyền kiểm soát hơn 200 km biên giới Ukraine-Nga. Đây là nơi có nhiều đồng ruộng và không được tuần tra thường xuyên hay có cột mốc biên giới.
Trong thời gian này, hàng chục tuyến đường buôn lậu đã hoạt động. Quân đội, cảnh sát không hiện diện trong khu vực. Nhiều vũ khí hạng nặng cũng đã được chuyển vào Ukraine trong thời gian này, CNN cho biết.
Trong tháng 6, Mỹ và NATO đã lần lượt đưa ra các tuyên bố cáo buộc lực lượng ly khai đã nhận được xe bọc thép và xe tăng từ Nga. Các vũ khí này được vận chuyển sang Ukraine, tới các khu vực gần nơi MH17 bị bắn rơi.