Có cá nhân tự tung tự tác, chủ trò, thao túng công tác cán bộ để trục lợi

30/06/2018 06:55
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Nếu việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định là hành vi cố ý, có động cơ trục lợi thì hình thức xử lý người có trách nhiệm ở đây phải là cách chức và buộc thôi việc.

LTS: Những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nợ” tiêu chuẩn diễn ra nhiều trong thời gian qua khiến dư luận xã hội bức xúc. Có thể kể ra hàng loạt vụ bổ nhiệm bất thường như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa, bà Lê Thị Thu Hà, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, hay vụ bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) tại Sabeco.

Từ những ví dụ nói trên cho thấy một nghịch lý đang tồn tại đó là cơ quan có thẩm quyền, đó là cơ quan thực thi pháp luật lại chính là đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, việc xử lý vấn đề bổ nhiệm cán bộ có dấu hiệu “không trong sáng” qua một số vụ việc đã xảy ra dường như vẫn chưa khiến dư luận hài lòng bởi thực tế có một số vụ việc vụ cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu bao che, hoặc chưa làm tới nơi, tới chốn.

Xoay quanh việc bổ nhiệm cán bộ còn bộc lộ“lỗ hổng” hiện nay, hôm 28/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù pháp luật đã quy định chặt chẽ việc bổ nhiệm cán bộ, nhưng vừa qua những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nợ” tiêu chuẩn diễn ra khá nhiều. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Rất tiếc, hiện tượng bổ nhiệm cán bộ như đã nêu xảy ra trong thời gian qua không còn là hiện tượng cá biệt.

Tôi đã có lần nói rằng, đây là dấu hiệu điển hình của hành vi tham nhũng, mà một số cá nhân có chức, có quyền sử dụng quyền lực, ảnh hưởng của mình để chi phối, can thiệp vào quá trình xem xét, cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi quản lý.

Thực tế, quy trình bổ nhiệm cán bộ được quy định khá chặt chẽ, tuy nhiên dù có quy định chặt chẽ đến mấy thì đó cũng chỉ là các bước về thủ tục, trình tự, đường đi nước bước mang tính hình thức.

Một người có dụng ý không tốt, có động cơ trục lợi, đặc biệt là người có quyền lực, có khả năng chi phối, khống chế hệ thống cơ quan, tổ chức, thì họ (người được bổ nhiệm mặc dù không đủ tiêu chuẩn) sẽ dễ dàng vượt qua rào cản quy trình.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Chí/giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Hữu Chí/giaoduc.net.vn

Vừa qua, dư luận đã nêu khá nhiều ví dụ về thực trạng về việc bổ nhiệm cán bộ kiểu này. Ở đây có vấn đề (dấu hiệu) cá nhân cố ý làm sai vì động cơ trục lợi mà vận dụng các quy định trong công tác cán bộ một cách hời hợt, hình thức.

Mặt khác, cũng phải thấy một điều rất đáng buồn là việc nhìn nhận (vấn đề bổ nhiệm) của số đông trong một tập thể nhất định có biểu hiện về nhận thức, tư duy hời hợt, mũ ni che tai, qua loa đại khái mà không có một cách nhìn, phản biện thực chất khi tham gia vào quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Đây cũng là lý do cán bộ (chỉ cán bộ không đủ tiêu chuẩn) dễ dàng vượt qua các rào cản quy trình trong công tác bổ nhiệm cán bộ (quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm...).

Về mặt quy trình bổ nhiệm, vẫn còn một vài kẽ hở mà hiện nay chúng ta chưa chú ý đúng mức.

Có cá nhân tự tung tự tác, chủ trò, thao túng công tác cán bộ để trục lợi ảnh 2

Cô Hà được "nâng đỡ không trong sáng" là vi phạm có hệ thống

Tôi đã nhiều lần nói tới việc cần có số dư khi đưa cán bộ vào diện xem xét bổ nhiệm. Muốn bổ nhiệm một người phải đưa vào quy trình xem xét vài ba người chứ không thể làm theo kiểu “một mình một chợ”.

Hoặc muốn bổ nhiệm một người vào một vị trí nhất định thì buộc người đó phải có báo cáo về chương trình công tác, kế hoạch hành động của cá nhân trước tập thể để tập thể thảo luận, xem xét, cân nhắc.

Có làm được như vậy mới bảo đảm sự lựa chọn, dân chủ, công bằng, khách quan, chính xác.

Còn vấn đề rất đáng lưu ý nữa đó là, hiện tượng tiêu cực nằm trong lực lượng cán bộ thuộc hệ thống quản lý tổ chức nhân sự. Nhiều người coi đây như một vị trí quyền lực để tự tung, tự tác, kiếm chác, trục lợi, tham nhũng.

Đáng tiếc là trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực về công tác tổ chức nhân sự chưa được chú ý, xác định trách nhiệm một cách đúng mức. Phần lớn trong số này là công cụ của người có chức có quyền trong quá trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại đơn vị.

Nhiều người trong hệ thống quản lý về tổ chức nhân sự còn là “chủ trò” của những “cuộc chơi” về nhân sự, cuộc chơi về quy hoạch, xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.

Vừa qua tôi thấy việc xử lý vấn đề bổ nhiệm cán bộ trái quy định mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa xem xét (xử lý) thấu đáo về phần gốc. Tức là phải xem xét trách nhiệm của chính lực lượng phụ trách về công tác tổ chức nhân sự.

Nói như vậy có nghĩa là cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng tiêu cực, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Điều đáng mừng là thời gian vừa qua, Đảng đã đưa ra một số quy định để tạo tính hệ thống chuẩn mực trong công tác tổ chức nhân sự (...).

Cũng phải nói thật, nhiều quy chuẩn về công tác cán bộ cho tới nay chúng ta mới áp dụng đã được ông cha ta thực hiện từ hàng trăm năm trước. 

Theo tôi nếu thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ sẽ giúp giải quyết, khắc phục được nhiều hạn chế, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Ngoài những vấn đề tôi đã nêu trên, thì còn vấn đề xác định trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo.

"Nếu việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định là hành vi cố ý, có động cơ trục lợi thì hình thức xử lý người có trách nhiệm ở đây phải là cách chức và buộc thôi việc, chứ không thể “phê bình sâu sắc”, hay “cảnh cáo quan loa”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nói. Ảnh của Hữu Chí/giaoduc.net.vn.
"Nếu việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định là hành vi cố ý, có động cơ trục lợi thì hình thức xử lý người có trách nhiệm ở đây phải là cách chức và buộc thôi việc, chứ không thể “phê bình sâu sắc”, hay “cảnh cáo quan loa”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nói. Ảnh của Hữu Chí/giaoduc.net.vn.

Ví dụ, một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ để thực hiện việc bổ nhiệm sai trái cần phải xử lý một cách nghiêm túc để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Nếu việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định là hành vi cố ý, có động cơ trục lợi thì hình thức xử lý người có trách nhiệm ở đây phải là cách chức và buộc thôi việc, chứ không thể “phê bình sâu sắc”, hay “cảnh cáo quan loa”. Những quyết định bổ nhiệm sai trái đó phải bị hủy bỏ.

Bên cạnh đó, những thiệt hại cho nhà nước, ngân sách do hành vi bổ nhiệm sai trái gây ra phải được xác định trách nhiệm bồi thường rõ ràng của chính người đưa ra quyết định sai trái đó.

Tức là, nếu người ký quyết định bổ nhiệm sai trái, để cán bộ được bổ nhiệm được hưởng một số chế độ chính sách (lương, phụ cấp, chế độ xe cộ, phòng làm việc...) thì chính cá nhân người ban hành quyết định sai trái phải bỏ tiền túi ra để bồi thường thiệt hại chứ không thể đẩy trách nhiệm, thiệt hại đó cho nhà nước, cho ngân sách.

Lại càng không thể áp dụng cơ chế bồi hoàn một số tháng lương đối với hành vi sai trái, gây thiệt hại cho nhà nước mà người bổ nhiệm gây ra.

Quy định 102-QĐ/TW vừa được Ban Bí thư ban hành về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó nêu rõ đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới bị phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng thực tế vẫn xảy ra chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Theo ông tại sao lại có chuyện như vậy?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Lâu nay, tồn tại khá nhiều hiện tượng bổ nhiệm cán bộ cho nợ tiêu chuẩn, thiếu tiêu chuẩn. Như tôi đã nói, những trường hợp này dứt khoát phải hủy quyết định bổ nhiệm chứ không thể lấy lý do để ngụy biện cho vi phạm được. 

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm không có vùng cấm đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng xử lý nương nhẹ trong xử lý vi phạm bổ nhiệm ở nơi này, nơi khác.

Nếu nhìn vấn đề rộng ra, thì tôi cho rằng, cơ chế quy định về bổ nhiệm, xử lý cán bộ vi phạm là không thiếu thậm chí tương đối đầy đủ.

Có cá nhân tự tung tự tác, chủ trò, thao túng công tác cán bộ để trục lợi ảnh 4Một nữ phó Phòng Giáo dục ở Thanh Hóa được nâng đỡ "không trong sáng"

Tuy nhiên vấn đề kỷ luật kỷ cương, việc tuân thủ các quy chế, quy định nêu trên tại một số đơn vị hiện nay quá yếu.

(Có thể) điều này xuất phát từ nhận thức, lợi ích trong việc bổ nhiệm cho nên người ta bị hấp dẫn, lôi kéo vào vòng xoáy vi phạm.

Mấy ai dám dũng cảm từ chối bổng lộc, lợi ích có được trong công tác lựa chọn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo?

Do đó, một số hiện tượng bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn trước khi người có quyền bổ nhiệm nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác là một biểu hiện dễ hiểu bởi nó là dạng quyết định "chạy hưu" để giải quyết vấn đề bổng lộc, giải quyết vấn đề nhân tình thế thái.

Muốn chống tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ một cách thực chất thì chính lực lượng phụ trách về tổ chức nhân sự phải đảm bảo về phẩm chất, đạo đức, đồng thời cần xem xét cụ thể trách nhiệm của họ trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm lãnh đạo trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác tham gia thực hiện công tác bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự trong cơ quan đơn vị mình.

Đáng tiếc, việc này chưa được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Cần hủy quyết định bổ nhiệm trái quy định

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh về việc ông Đào Trọng Quy (hiện là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) khi còn đương chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trái quy định.

Trong số các cán bộ được ông Quy ký quyết định bổ nhiệm trái quy định, có trường hợp bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà. Đáng nói là, bà Hà tại thời điểm được bổ nhiệm Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa chưa phải là công chức (theo quy định người được bổ nhiệm chức danh này là công chức).

Tuy nhiên, những vi phạm của ông Quy và các cá nhân có liên quan trong những vụ việc nói trên vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm một cách thỏa đáng, triệt để (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin cụ thể vấn đề này ở bài báo sau).

Sau tất cả những sai trái của mình, không lâu sau đó, ông Quy tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.

Về việc này, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng: “Việc bổ nhiệm này có dấu hiệu bất chấp. Trường bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện thì phải hủy quyết định bổ nhiệm, trả cán bộ đó lại vị trí cũ.

Nếu bổ nhiệm sai mà không sửa thì cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Nếu anh không tự hủy quyết định bổ nhiệm sai thì cấp trên có quyền hủy chứ làm gì có chuyện tùy tiện như vậy!".

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)