Truyền chữ đẹp cho trẻ em nghèo
Người dân xung quanh thường hay gọi là cô giáo Thảo, nhưng tên thật của cô là Nguyễn Thị Hợp (42 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh).
Lớp rèn, luyện chữ này nằm cách khá xa của nhà cô Hợp, do cô tự bỏ tiền túi ra thuê một căn phòng trên đường Tôn Thất Hiệp, quận 11.
Cứ đến 17h hàng ngày, đông đảo phụ huynh lại chở học sinh quanh khu vực này đến lớp học của cô Hợp để rèn và luyện chữ.
Gặp cô Hợp, đám trẻ ngoan ngoãn chào hỏi rôm rả. Phụ huynh đưa con tới chẳng cần phải dặn dò gì nhiều, bởi họ tin tưởng vào cô. Lớp rèn chữ ấm áp, nghĩa tình này đã được cô Hợp duy trì 20 năm nay.
Rất nhiều thế hệ học trò của cô Hợp đã thành đạt, quay trở lại giúp đỡ, hỗ trợ cô Hợp bối dưỡng, hỗ trợ kiến thức cho lớp đàn em.
Cô Hợp kể lại, ngày trước, gia đình của cô sống ở phường 13, quận 11. Niềm đam mê đứng trên bục giảng đã ngấm vào máu của cô ngay từ khi còn bé xíu. Lớn lên, cô quyết tâm thi vào ngành Sư phạm.
Năm 1993, cô Hợp tốt nghiệp loại giỏi của Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố (ngày nay là Trường Đại học Sài Gòn), và được giữ lại làm giảng viên.
Khi chỉ mới là sinh viên năm 1, cô Hợp đã tự mình mở lớp, làm gia sư cho em út ở trong nhà, nhiều trẻ em nghèo ở trong khu vực lân cận.
“Với mong muốn tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức, nên tôi đã xin cha mẹ cho mở lớp dạy, nhằm giúp cho trẻ em nghèo gần nhà, tạo điều kiện để bản thân phát triển.
Lớp học ban đầu chỉ có 4, 5 em, nhưng luôn diễn ra nghiêm túc, chuyên nghiệp, cởi mở. Càng ngày, các em học sinh càng thích thú, phấn khởi, nên tôi càng có động lực” – cô Hợp chia sẻ với phóng viên.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, càng ngày, lớp học này ngày càng đông dần, phụ huynh do tin tưởng nên ngày càng đưa học sinh đến học càng nhiều hơn.
Cô Nguyễn Thị Hợp đang luyện chữ miễn phí cho trẻ em nghèo trong khu vực (ảnh: Đ.T) |
Dù được giữ lại làm giảng viên ở trường, nhưng cứ mỗi buổi chiều, cô Hợp lại dành thời gian cho lớp học miễn phí của riêng mình. Năm 1999, cô Hợp lập gia đình, và chuyển về sống ở quận Phú Nhuận.
Tuy nhiên, do không nỡ rời bỏ những đứa trẻ nghèo khó thân thương, cô Hợp lại vẫn cặm cụi chạy xe qua quận 11 để tiếp tục giảng dạy. 2 năm sau khi lập gia đình, cô Hợp xin nghỉ làm giảng viên ở trường.
Do hoàn cảnh gia đình còn neo người, cô đã phải rời xa bục giảng ở trường, nên cô rất buồn. Dẫu vậy, cô Hợp vẫn tìm đủ mọi cách để có thể duy trì lớp học thiện nguyện của mình.
Cô Nguyễn Thị Hợp tâm sự: “Dù đã rất nhiều lần muốn bỏ lớp học này, nhưng do cứ nghĩ đến những đứa trẻ ríu rít vây quanh mình, lại không đành lòng.
Với bọn trẻ, tôi không những giúp chúng củng cố lại kiến thức ở trường, mà còn luôn nhìn thấy tình cảm của các em dành cho mình. Đó là động lực tôi luôn muốn duy trì lớp học”.
Xem người nghèo như là chính mình
Hơn 20 năm qua, từng ngày, cô Hợp vẫn duy trì lớp học ấm áp, đầy tình người này. Cho dù tiền thuê nhà khá đắt đỏ, nhưng thực tế, cô Hợp hoàn toàn không đơn độc trong sự nghiệp gieo chữ của mình.
Cô Hợp kể lại: “Có nhiều học sinh, ngày nay đã thành đạt, quay trở lại lớp học, hỗ trợ cô về mặt kinh phí và thiết bị giảng dạy. Nhiều phụ huynh học sinh, có kinh tế khá giả cũng luôn chung tay giúp đỡ. Lớp học này đã trở thành nơi gặp gỡ, tương trợ lẫn nhau của nhiều phận người trong xã hội”.
Tại lớp rèn chữ của cô Hợp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp được bà Nguyễn Thị Qúy (64 tuổi), phụ huynh của em Nguyễn Thị Phi Yến, học sinh lớp 2.
Em Yến đã gắn bó với lớp học này từ nhiều năm qua. Em là trường hợp đáng thương nhất trong lớp học đầy cảm động này.
Sinh ra không biết mặt cha, mẹ sau đó thì cũng đi lấy chồng khác, nên Yến ở chung với bà ngoại là bà Qúy, làm nghề bán vé số. Ngay từ khi biết tập nói, em Yến đã được bà Qúy cho đến lớp học của cô Hợp.
Nữ giáo viên này cũng chính là người mẹ hiền, đã dìu đắt, sưởi ấm cho tuổi thơ bất hạnh của Yến.
Nhắc đến câu chuyện không vui này, bà Qúy rơm rớm nước mắt: “Nếu không gặp cô Hợp, chẳng biết giờ đây, bà cháu tôi phải sống ra sao nữa. Tôi đi bán vé số chỉ đủ để mua thức ăn sống qua ngày.
Khi cô nhận dạy chữ cho cháu, tôi mới đủ thời gian để đi làm rửa ly chén ở quán cà phê vào buổi tối. Cô hoàn toàn không nhận của tôi bất cứ khoản phí nào, mà thỉnh thoảng còn giúp đỡ cho bà cháu tôi tiền bạc, quà cáp. Cô Hợp chính là ân nhân của bà cháu tôi”
Trao đổi với chúng tôi, đa số phụ huynh đều cảm thấy rất yên tâm khi gửi con cho cô Hợp dạy chữ. Họ sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất, để cô Hợp có thể duy trì được lớp học này.
Trong tương lai, cô Hợp luôn mong muốn, ấp ủ là sẽ có thêm các trang thiết bị để giảng dạy thêm cho các em học sinh kiến thức về anh văn, vi tính.
Hy vọng, những tấm lòng thiện nguyện, từ tâm của cô sẽ có nhiều hơn nữa những người luôn sẵn sàng sát cánh, đồng hành với cô ở lớp học này.