Đó là trường hợp của cô giáo Trần Thị Hằng (66 tuổi, ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM). Với những bộ bàn ghế ọp ẹp, căn phòng không đến 12m2, cô đã giúp rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt biết chữ, biết nhận thức được giá trị của việc học.
Học trò gọi cô là bà Sáu
Học trò của cô Hằng, đứa học lớp năm, đứa lớp bốn, đứa lớp một, đứa mới ba tuổi, ba mẹ bận đi làm cũng mang đến nhờ cô trông giúp. Điểm chung của các em là đều có hoàn cảnh khó khăn.
Đứa có cha mẹ đi tù, đứa bị cha mẹ bỏ rơi, có đứa nhà nghèo quá chẳng có điều kiện đến trường. Đứa bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ, học chẳng vào chữ nào.
Biết được hoàn cảnh các em, cô Hằng đến nhà động viện cho đưa các em về dạy chữ miễn phí. Học phí cô chỉ lấy vài trái mướp, ký gạo, vài gói bánh hay mấy trái ổi lót dạ cho học trò giờ giải lao.
Mỗi khi học sinh nhờ giảng lại bài, bà Sáu luôn tận tình chỉ bảo - ảnh: T.A |
Học trò, đứa nào cũng gọi cô Hằng là bà Sáu. Bà Sáu đang tập viết chữ cho đứa này thì đứa kia gọi: ''Bà Sáu ơi! Con làm bài này có đúng không''.
Đứa giải bài toán không được cũng ngước lên gọi: ''Bà Sáu ơi! Giảng lại cho con bài này với. Lúc nãy Sáu giảng mà con quên mất rồi''.
Nghe học trò gọi, bà Sáu từ tốn: ''Con làm bài nào dễ trước đi. Bài đó không giải được thì lát bà sẽ giảng lại cho''.
Có mấy đứa nghịch, chẳng chịu học, bà Sáu dụ: ''Mấy đứa học ngoan, lát được bà cho quà''. Thế là mấy đứa học trò ngoan ngoãn ngồi im nghe cô giáo giảng bài.
Quà của bà Sáu chỉ vài miếng ổi, vài cái kẹo hay xấp bánh tráng. Hôm nào có tiền, bà Sáu nấu một nồi chè đãi học trò. Hôm sẵn tiền, thấy hàng kem đi ngang, học trò được thưởng thức một chầu kem do cô giáo khao.
Băn khoăn về hoàn cảnh học trò
Điều làm bà Sáu băn khoăn là hoàn cảnh của Duy và Khoa, có cha mẹ đi tù, phải sống với bà nội năm nay đã 65 tuổi. Bà nội làm nghề đan giỏ, mỗi ngày chỉ kiếm được 50 ngàn đồng, đủ lo tiền ăn hằng ngày, muốn lo cho các cháu đi học mà chẳng được.
Không được đi học nên hai đứa ăn nói cụt ngủn, không đầu không đuôi. Bà Sáu đưa Duy và Khoa về dạy rồi liên hệ cho các em đi học ở trường. Năm nay, Duy học lớp 6, Khoa học lớp 2.
Ngoài giảng bài, bà Sáu còn tạo không khí vui trong lớp để học sinh không căng thẳng khi học bài - ảnh: T.A |
''Lúc đầu, hai đứa đến lớp không biết chữ, học trước quên sau, không nghe lời cô giáo. Bây giờ, các em đã biết chữ nhưng học chậm lắm. Phải từ tốn giảng các em mới hiểu'', bà Sáu tâm sự.
Trường hợp của bé Mun cũng vậy. Em cũng đang ở với bà nội đã hơn 60 tuổi. Năm nay em đang học mẫu giáo chồi. Bà Sáu đang dạy chữ, giúp em nhận biết màu sắc, đếm số.
Nhìn các em, bà Sáu cứ đặt câu hỏi, liệu rằng tương lai các em sẽ sao. Lớn lên, các em có đi theo vết xe đổ của cha mẹ mình.
''Bà nội các em lớn tuổi rồi, sức khỏe lại yếu sẽ chẳng thể lo cho cháu mãi. Tôi cứ nghĩ mãi. Làm sao để các em được đến trường, được học con chữ và hoàn thiện tư duy của mình'', bà Sáu chia sẻ.
Hạnh phúc khi biết học trò thành đạt
Tính đến nay, cô Hằng đã có hơn 20 năm mở lớp dạy học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Việc làm này được cô duy trì từ khi đang là giáo viên tiểu học cho đến nay.
Bà CTN (bà nội của Duy và Khoa) khoe: ''Cô Sáu tốt lắm. Lương hưu giáo viên chẳng bao nhiêu nhưng dạy mấy đứa nhỏ chẳng lấy tiền. Sáu là ân nhân giúp hai đứa cháu tui biết được con chữ và đến trường đi học. Tôi chẳng biết giúp được gì ngoài lời cảm ơn''.
Cô Sáu tâm sự rằng, việc mình mở lớp dạy miễn phí là để tìm niềm vui ở học trò.
Chồng cô mất sớm. Cô chỉ có một người con trai duy nhất, từ nhỏ đã ăn chơi, hút chích rồi vào tù ra khám.
Con dâu sinh con xong, để con cho cô nuôi cũng đi biệt. Cô nói buồn: ''Nhận tin nó đi tù vì ma túy, tôi buồn lắm.
Thằng con tui ra tù được mấy tháng rồi, hứa với mẹ sẽ tu chí làm ăn, phụ mẹ nuôi con. Tui chỉ mong nó đừng làm tui buồn nữa.
Tui chẳng biết tại sao, tui nói thì học trò nó nghe. Có đứa sau này thành đạt. Có đứa bỏ được tệ nạn xã hội sống thành người lương thiện.
Nghe mấy đứa gọi điện hỏi thăm cô, kể cho cô nghe về thành tích mình đạt được, tui mừng lắm. Vậy mà với thằng con tui thì... lúc nào cũng làm mẹ buồn''.
Nghe hỏi về cô giáo cũ, anh NXQ (ở xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM) khoe: ''Tôi được như bây giờ là nhờ có cô Sáu đó. Ngày xưa tui quậy lắm.
Lúc đó, tôi như người không tìm ra lối thoát. Cô Sáu động viên, tâm sự. Cô không chỉ dạy tôi học chữ mà còn dạy tôi cách bước qua mặc cảm.
Giờ tôi đã có một gia đình hạnh phúc, có công việc ổn định. Quan trọng hơn, tôi đã biết được việc nào nên làm, việc nào phải đừng lại''.