Hơn 20 năm là giáo viên dạy văn ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cô Nguyễn Thị Thu Huyền đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng học trò của mình. Nhắc đến cô, từ học sinh tới giáo viên trong trường đều quý mến, nể phục về phương pháp dạy, mang tình yêu văn chương tới học sinh.
Trong lần nói chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới đây, trước hàng trăm học sinh lớp 12, cô Nguyễn Thị Thu Huyền đã nói lên những suy nghĩ bấy lâu của mình, những kinh nghiệm, phương pháp giúp học sinh rung động trước những áng văn mà mình là người truyền cảm hứng.
Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh nhật Bác, cô Huyền lại có dịp để cùng học trò ôn lại những bài thơ, những tác phẩm văn chương của Người trong tháng ngày bị giam cầm.
Nhắc tới Bác Hồ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền không cầm được nước mắt khi nhớ về những tháng ngày Bác Hồ bị bắt, bị giam cầm trong điều kiện khó khăn. Ảnh Xuân Trung |
Cô Huyền cho rằng, dạy văn đã khó nhưng để dạy hay được lại càng khó. Người thầy có nhiệm vụ “dạy chữ, dạy người”, đây là nhiệm vụ vinh quang của người thầy trong xã hội ngày nay và không đơn giản một chút nào. Bởi thực trạng học sinh thiếu hụt về văn hóa, sa sút về phẩm cách đạo đức ngày càng trầm trọng.
Là giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng từ những ngày đầu thành lập trường, cô Huyền cùng Ban giám hiệu vẫn nhất quán với mục tiêu “thu nhận những học sinh không được vào các trường công lập hoặc bị các trường từ chối không cho học” để biến các em thành những người hoàn thiện nhân cách, có ích cho xã hội.
Nói chuyện với hàng trăm học sinh và các thầy cô giáo về việc dạy cốt cách làm người qua một số tác phẩm thơ văn Bác Hồ, cô Huyền đã không cầm được nước mắt về tình cảm của mình đối với Bác, đối với nhiệm vụ của mình và học trò.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, trước những tác phẩm văn thơ của Bác muốn truyền cảm hứng cho học trò trước hết phải đánh thức rung cảm thẩm mỹ của các em, đây là bước khởi đầu cũng là bước khó khăn nhất. Với học sinh phải tùy vào mỗi thể loại, mỗi tình huống, mỗi giờ dạy, mỗi đối tượng để có những cách làm khác nhau. Cô Huyền rất chú trọng khâu đọc vì đọc sẽ tác động lên tâm trí.
Lấy ví dụ về bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, cô sẽ chọn học sinh có giọng đọc tốt hoặc chính cô tự đọc, đọc chậm rãi, nghiêm trang, truyền cảm. “Trước khi đọc tôi cho học sinh sống lại không khí lịch sử những giây phút cả dân tộc được tự do sau gần một thế kỷ nô lệ, những giây phút cả dân tộc xúc động, tự hào, thành kính hướng tới lời tuyên ngôn độc lập của Bác” ông Huyền nói thêm.
Nói chuyện với hàng trăm giáo viên khác, cô Huyền cũng cho biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thể hiện lòng kính trọng, học tập theo cốt cách Hồ Chí Minh để có tác phong làm việc chuyên nghiệp…
Học trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng chăm chú nghe cô giáo chia sẻ về cốt cách, đạo đức trong con người Bác Hồ. Ảnh Xuân Trung |
Dẫn ra đây về phương pháp truyền thụ cảm thẩm mỹ trong bài thơ “Mộ” của Bác Hồ, cô Huyền chia sẻ trước khi dạy học sinh phải làm sao gợi cho trò có thể tưởng tượng một cánh chim mỏi bay về chốn rừng xa. Một áng mây cô đơn lẻ loi, uể oải chậm chạp trôi trên bầu trời. Một cô thôn nữ xay ngô bên lò than rực hồng. Học sinh có thể thảo luận về những hình ảnh ấn tượng như: cánh chim mỏi mệt, áng mây cô đơn vì cảnh có hồn, có tâm trạng, có cái nhìn đồng cảm yêu thương đối với chủ thể trữ tình.
Từ rung cảm tới nhận thức, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng để cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm, lấy ví dụ như bài “Mộ” bên trên, thì không thể không nhấn mạnh tới hoàn cảnh Bác phải đối mặt: một tù nhân trên đường bị áp giải trong cảnh “xiềng xích thay dây trói”, xuất phát từ lúc "gà gáy một lần” đến khi “chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ” và đi bộ 53 cây số”.
Đọc đến đây cô Huyền không cầm được nước mắt trước hoàn cảnh của Bác Hồ bị đày đọa trong chuyến chuyển lao tù những năm bị bắt. Cái làm nên ý chí bao giờ cũng bắt nguồn từ tình cảm, nếu con người sống thiếu tình cảm thì không có ý chí. Quan điểm của cô Huyền cho rằng, tình cảm là gốc của ý chí, nếu có tình thương yêu, có mục tiêu thì có thể vượt qua tất cả.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền nói rằng, để học cách sống như của Bác Hồ thì ai ai, kể cả bản thân cũng luôn luôn phải sửa mình, phải hoàn thiện mình. “Trước khi học trò được gì thì tôi cũng được nhiều, được cộng tác với nhiều giáo viên tuyệt vời trong cuộc đời. Tôi đã dạy văn rất lâu, nhưng mỗi lần đọc thơ Bác tôi lại học tập được rất nhiều điều, được thanh lọc tâm hồn, bởi yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.
Cuộc vận động và học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh được trường THPT Đinh Tiên Hoàng quán triệt thường xuyên, xuất phát từ việc dạy đạo đức, cách sống cho học sinh là một quá trình lâu dài và bền bỉ.