Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, năm 2017.
Ngay từ lúc này đây, các học sinh cần phải thực hiện việc lên kế hoạch ôn tập cho từng môn thi, thời gian dành cho mỗi môn, kế hoạch bổ sung kiến thức sao cho đạt kết quả làm bài cao nhất.
Với kiêm nghiệm giảng dạy gần 20 năm, cô Nghiêm Thị Xoa – Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường trung học phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đây chính là lúc các học sinh cần ôn lại kiến thức theo từng bài, từng chương trong sách giáo khoa.
Cô Nghiêm Thị Xoa lưu ý, tất cả mọi kiến thức đều quan trọng, kể cả những ký hiệu, tên gọi. Học sinh cần phải học thuộc, hiểu rõ ý nghĩa của từng ký hiệu trong các công thức toán học. Học sinh cũng cần phải học cách giải một bài toán theo nhiều hướng khác nhau.
Muốn làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Toán, học sinh cần chú ý đến 2 kỹ năng chính là: Đọc kỹ đề bài và sử dụng được máy tính bỏ túi thuần thục.
Theo cô Nghiêm Thị Xoa, việc đọc kỹ đề bài và hiểu các câu hỏi là rất quan trọng. Học sinh cần biết gạch dưới những từ ngữ quan trọng, xem những từ này liên quan như thế nào đến các kiến thức toán học, kết quả phải trả lời là gì?
Học sinh TP.HCM trong giờ học môn Toán ở tại lớp (ảnh minh họa: báo TN) |
Để trả lời, có thể vận dụng cách suy ngược như kết quả là? Cần gì? Có gì? Với nhiều bài toán, học sinh cũng chỉ cần làm một số bước nào đó để có thể dự đoán được đáp số.
Giải quyết khâu kết quả lúc này chỉ cần sử dụng máy tính bỏ túi, hay phương pháp thử kết quả (chọn đáp án nghi ngờ, kiểm tra tính thỏa mãn đề bài).
Ngoài ra, học sinh cũng cần biết luyện tập kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi cho từng chủ đề cụ thể. Tốt nhất, học sinh cần biết phân loại theo các chương trong sách giáo khoa, để có sự tổng hợp về mặt kiến thức.
Đầu tiên, học sinh cần phải hiểu rõ kiến thức của mỗi chủ đề, máy tính bỏ túi có thể sử dụng được trong những trường hợp nào.
Muốn được như vậy, học sinh cần phải biết luyện tập, làm nhiều dạng câu hỏi khác nhau (càng đa dạng càng tốt) cho từng chủ đề, ghi vào sổ tay và nhớ cách bấm máy tính bỏ túi.
Muốn nhớ cách bấm máy tính bỏ túi, học sinh cần hiểu thật kỹ những kiến thức liên quan, không được nhầm lẫn sang các kiến thức khác.
Khi ôn tập, làm bài: Học sinh chỉ có khoảng 1,8 phút để giải mỗi câu hỏi, nên cần biết nghiêm túc việc giải càng nhiều đề thi thử trong vòng 90 phút càng tốt.
Câu nào dễ, cảm thấy có thể làm được thì cần phải làm ngay, để không phải mất nhiều thời gian để quay lại. Câu hỏi nào làm xong rồi, cần đánh dấu để phân biệt với câu chưa làm, câu hỏi nào cảm thấy quá khó, hoặc chưa từng gặp thì có thể để sau cùng (có thể chọn phương án đánh ngẫu nhiên).
Khi giải đề thi thử cũng chính là cơ hội để cho học sinh nắm bắt những kiến thức nào mà mình cẩn phải củng cố, cần bổ sung, hay còn quá yếu, chưa rõ hay đã quên.
Từ đây, học sinh cần lên kế hoạch học lại, bổ sung và ôn tập cho kịp với tiến độ thi. Giải đề thi thử xong, học sinh cần biết kiểm tra lại sự ổn định, tiến bộ của điểm số bài làm của mình.
Những câu hỏi nào trả lời chưa đúng, hoặc sử dụng phương án chọn ngẫu nhiên (do hết giờ, hay chưa tìm ra đáp án), học sinh cần biết rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân.
Cần cẩn thận với các câu hỏi ngược, câu hỏi có tính “bẫy” người làm. Khi giải những đề thi thử, học sinh cần biết phân tích câu hỏi theo nhiều hướng khác nhau.
Học sinh có sức học trung bình, yếu môn học này thì cần học đi học lại các công thức Toán học, làm thật nhiều đề ôn tập, chọn những câu hỏi dễ, vừa sức để làm trước. Những học sinh thuộc dạng này cần rèn luyện cho mình tính cẩn thận, tính chính xác, vì mỗi câu hỏi sẽ đem lại điểm số cố định cho bài thi.
Học sinh có sức học khá, giỏi thì cần phải biết thêm những kiến thức tổng hợp, kiến thức bổ sung, nâng cao để phát huy khả năng suy luận, tìm đáp án thật nhanh cho những câu hỏi khó.
Cần phải vận dụng luôn phương pháp giải xuôi, ngược, giải vài bước rồi thử kết quả hoặc sử dụng hình vẽ, các kiến thức liên quan đến yêu cầu và sự thỏa mãn đề bài.