Cô giáo địu con 13 ngày tuổi ròng rã 3 tiếng lên vùng cao dạy học

30/05/2022 06:36
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địu đứa con 13 ngày tuổi của mình đằng sau, lưng cô Yển mỏi rã rời, những đoạn khó đi quá, không đi nổi nữa cô Yển phải bò trên đường đi...

Những đêm trời nổi cơn giông, sấm chớp giận dữ xé toạc bầu trời, xung quanh điểm trường, trời đen đặc. Mưa trút nước xuống sầm sập. Qua những mảng vách đất thủng to bằng cả vành mâm, mưa hắt vào nhà xối xả, trong điểm trường cheo leo trên núi ấy, 2 mẹ con chỉ biết ôm nhau. Nước mắt mặn chát hoà nước mưa. Lại thêm một mùa mưa bão nữa cô Yển gắn bó với điểm trường vùng cao.

Cô giáo Đinh Thị Yển (sinh năm 1978) sinh ra và lớn lên ở xóm Mượt, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, hiện cô đang công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cun Pheo, hàng ngày cô vẫn cùng chiếc xe máy cà tàng cả chục năm tuổi của mình vẫn ngày ngày lên lớp, thăm các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cun Pheo là một xã miền núi, có địa hình tương đối phức tạp nằm ở phía Tây Nam của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 31 km, dân số chủ yếu là người dân tộc Mông. Cuộc sống đã nghèo, lại quẩn quanh trong cơn bĩ cực của ma túy khiến Cun Pheo đã từng là vùng đất đầy bi thương và ngập trong nước mắt.

Suốt 18 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Yển luân chuyển đến dạy học ở các điểm trường khó khăn trên những điểm bản của huyện Mai Châu, hành trình “gieo chữ” gian nan, vất vả, đường đi bao phủ sương mù, những đoạn đường lầy lội, đất đá lởm chởm, và cả những khúc cua tay áo.

Nhớ lại ngày tháng công tác trên Hang Kia B (xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cô Yển kể:

“Ngày đó, lúc nhận được quyết định công tác ở Hang Kia B, tôi mới sinh em bé được 13 ngày. Dù còn yếu nhưng mình vẫn lên trường nhận công tác. Nghĩ lại nhiều lúc thấy mình quá liều. Biết là khó khăn, nhưng không ngờ lại khó khăn như thế. Thế nhưng, lúc ấy đi làm không chỉ cho bản thân mình nữa mà còn vì trách nhiệm với các con nên vẫn cố đi bộ lên trường".

Cô giáo Đinh Thị Yển và các em học sinh lớp 1. Ảnh: TH

Cô giáo Đinh Thị Yển và các em học sinh lớp 1. Ảnh: TH

Cô Yển kể, thời điểm đó, cô Yển là lao động chính của gia đình, với mức lương là 3 triệu đồng mỗi tháng, con còn nhỏ nên tốn rất nhiều chi phí để mua bỉm, mua sữa, rồi còn tiền để sinh hoạt, nên rất khó khăn về cả tài chính lẫn tinh thần

Địu đứa con 13 ngày tuổi của mình đằng sau, vì đường quá xấu nên cô phải cuốc bộ suốt 15km đường núi.

Con nhỏ trên lưng, sức lại yếu khi vừa mới sinh nở, trên đường đến điểm trường, cô Yển mỏi rã rời. Những đoạn khó đi quá, không đi nổi nữa cô Yển kể mình phải bò trên đường đi. Có lúc cô Yển ngất đi, tiếng con khóc khiến cô giật mình tỉnh lại, tiếp tục đến trường.

Những ngày đầu đến điểm trường, cô Yển tưởng không vượt qua nổi bởi điều kiện sống quá ngặt nghèo:

“Trường cấp cho mình một kho muối cũ để ở tạm, mùi ẩm mốc bao phủ quanh phòng, ở được một thời gian do phòng ẩm, khiến da của con cô nổi mụn khắp người, bản thân mình cũng bị tụ máu mắt, viêm xoang suốt hai tháng trời”, cô Yển cho hay.

Nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày ở điểm trường thường thiếu thốn, nấu cơm hay rửa bát đều phải tiết kiệm từng tý một, thậm chí là phải dùng lại nước nhiều lần.

Cuối tuần chồng cô Yển đều đi bộ 15km lên lấy quần áo rồi, về nhà để giặt quần áo rồi lại mang lên. Không có nước ăn, mọi vật dụng có thể đựng được cô Yển đều "trưng dụng" để trữ nước. Cô Yển kể, ngày đó, mỗi khi trời mưa, xung quanh lớp học là dàn xô chậu... được chuẩn bị sẵn để tích nước.

Cô giáo Đinh Thị Yển. Ảnh: TH

Cô giáo Đinh Thị Yển. Ảnh: TH

Năm đầu bước vào ngành với đầy những sóng gió về cả về vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe (hoảng thời gian đấy đã làm cô suy giảm thể chất - bệnh lý thoát vị đĩa đệm) con nhỏ 13 ngày tuổi cũng cứng cáp dần sau những ngày cùng theo mẹ gieo mầm con chữ...

Khi được hỏi động lực nào khiến cô có thể vượt qua những khó khăn mà nghe như "huyền thoại" như vậy?, cô Yển tâm sự rằng, mình tự so với thời cha, mẹ của mình, các cụ còn khó khăn hơn mình, trong chiến tranh, đói khổ những vẫn vươn lên. Và hơn cả, nhìn các em thơ ở Hang Kia B ngày đó từng ngày chờ cô giáo đến trường khiến cô Yển dù không ít lần muốn buôn bỏ nhưng vẫn quay lại lớp học nơi kho muối.

Trải qua 18 năm luân chuyển địa điểm dạy học ở Cun Pheo, giờ đây cô Yển xin ở lại trường Tiểu học & Trung học cơ sở Cun Pheo, để nhường lại chuyến hành trình cho lớp trẻ mang theo nhiệt huyết gieo chữ cho mầm non tương lai.

Cũng trong những năm tháng cắm bản, cô Yển bảo, bây giờ cô không chỉ là cô giáo nữa mà còn kiêm đủ thứ nghề, thậm chí là "thợ mộc".

Câu chuyện trở thành "thợ mộc" của cô giáo Yển cũng rất thú vị và tình cờ. Năm 2021 vừa rồi lớp cô Yển có bạn nhỏ bố mẹ bị cách ly covid, bố mẹ đi làm xa, nên em ở nhà cùng với ông bà , thế nhưng ông bà em bị bệnh và không được bình thường như người khác, nên mỗi sáng đến lớp đều đi học muộn, cúc áo đi vội còn không được cài hết, bữa sáng không được ăn.

Sau buổi học hôm ấy cô Yển men theo con đường mòn, trực tiếp lên thăm gia đình học sinh, lên đến nơi cô giáo không khỏi cảm thông, trước hoàn cảnh gia đình bởi góc học tập của em học sinh tối đen, bàn học không có, đèn học cũng không.

Nhìn thấy hình ảnh học sinh giống mình khi mình còn nhỏ, góc học tập không có, mỗi bữa sáng có bữa được ăn bữa không, vì còn phải chia đều cho chị em trong gia đình của mình.

Nên cô Yển đã chủ động xin lại bàn học cũ trong trường về tìm cách sửa lại rồi tự mình mang đến, không chỉ vậy cô Yển còn trích ra một khoản tiền nhỏ, dù không to nhưng cũng đủ để cho học sinh của mình được ăn sáng trước khi đến lớp.

Cô giáo Yển tự tay đóng bàn mang đến cho em học sinh của mình. Ảnh: TH

Cô giáo Yển tự tay đóng bàn mang đến cho em học sinh của mình. Ảnh: TH

Sau ngày hôm đấy cô Yển thấy mỗi buổi sáng học sinh của mình có tinh thần thoải mái hơn trước, bắt đầu nói chuyện và giao tiếp với cô nhiều hơn.

Nhờ gần gũi học sinh, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được cô giáo Yển giúp đỡ, tiếp sức các em đến trường.

Tâm sự về nghề giáo, cô Yển bảo: “Nghề giáo dục là nghề cao quý, muốn làm được việc lớn thì trước hết mình phải biết chữ, trước đây khi cô đi học cặp sách không có, dép không có, thấu hiểu được sự khó khăn đấy nên từ nhỏ cô đã quyết tâm sau này trở thành giáo viên để có thể quay trở lại trường giúp các em học tập”...

Tháng 5, dù trời đã vào hạ, nhưng mùa hạ năm nay khác lạ lắm, sáng sớm vẫn là cái lạnh đặc trưng với những lớp sương trắng dày bao phủ khắp những ngọn núi, trưa đến nhiệt độ tăng dần lên và nắng ấm ngự trị, chiều buông cũng là lúc những đợt gió kéo theo hơi lạnh và sương mù tràn về, khi trời tối hẳn lại là khoảnh khắc của những lớp sương trắng bạc giăng khắp nơi cùng với cái lạnh rúm người…

Ở những điểm trường ở Cun Pheo, từng lớp thầy cô giáo trẻ lại thay thế cô Yển đến với điểm trường, ngày ngày gieo chữ với hi vọng xây dựng một lớp người mới cho Hang Kia. Lớp người mới có tri thức sẽ xóa đi những ngày tăm tối, đói khổ hôm qua.

Mọi khó khăn dường như đã là quá khứ khi cuộc sống đang dần đổi thay và có dấu hiệu đi lên. Con em ở Cun Pheo đã đến trường nhiều hơn, biết phân biệt được phải trái, nhiều người đã có ý thức làm giàu trên chính quê hương...

Thái Hồng