Cô giáo Loan và hành trình 18 năm lan tỏa tình yêu tiếng Trung tới học sinh

20/06/2022 06:50
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa giữ vai trò quản lý vừa thực hiện công tác giảng dạy, cô giáo Loan không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và phát huy lợi thế môn tiếng Trung tại Móng Cái.

Lan toả tình yêu tiếng Trung tới học sinh

Gắn bó 18 năm với công tác giảng dạy môn tiếng trung, cô giáo Phạm cô giáo Thị Thành Loan (sinh năm 1982) – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hải Hoà (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) luôn tâm huyết, nỗ lực lan toả tình yêu với ngôn ngữ này đến mỗi thế hệ học sinh.

Theo quan điểm của cô giáo Loan, môn tiếng Trung mang lại lợi thế lớn đối với học sinh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng khi có vùng biên giáp với Trung Quốc.

Không chỉ tạo môi trường học tập, trải nghiệm thuận lợi như giao tiếp trực tiếp với người Trung Quốc, học sinh còn có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cô giáo Loan cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế về học và ứng dụng tiếng Trung trong cuộc sống nên môn học này rất thiết thực.

Chỉ sau 4 năm trung học cơ sở và 3 năm trung học phổ thông, học sinh dù không có nhu cầu thi đại học vẫn có thể có cơ hội đi làm hoặc có nền tảng để học nghề tốt hơn.

Đây cũng là mục tiêu của giáo dục hiện nay, mỗi học sinh đều được định hướng nghề nghiệp từ sớm chứ không cố định một con đường đi học đại học.

Ở Móng Cái, học sinh thuận lợi hơn khi bên cạnh việc tiếp xúc với tiếng Trung qua tài liệu, phim ảnh, âm nhạc,…các em còn có môi trường thực tế, được giao tiếp với người bản địa.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ở chợ trung tâm của thành phố có hơn 80% hộ kinh doanh là người Trung Quốc.

Học sinh hoàn toàn có thể trải nghiệm, trau dồi vốn tiếng Trung khi giao tiếp hay trở thành hướng dẫn viên cho người Trung khi sang Việt Nam du lịch và ngược lại cho người Việt sang Trung du lịch”.

Nhận định rõ lợi thế để phát triển môn tiếng Trung tại Móng Cái, cô giáo Loan nỗ lực giúp học sinh yêu thích và phát huy hết năng lực của bản thân (Ảnh: Phạm Linh)

Nhận định rõ lợi thế để phát triển môn tiếng Trung tại Móng Cái, cô giáo Loan nỗ lực giúp học sinh yêu thích và phát huy hết năng lực của bản thân (Ảnh: Phạm Linh)

Hiện nay, tại Trường Trung học cơ sở Hải Hoà, mỗi khối sẽ có 2 lớp tiếng Trung. Điều này cho thấy tiếng Trung là một trong những môn học thế mạnh của nhà trường.

Học sinh nhà trường có lợi thế vùng biên giáp cửa khẩu Bắc Luân 2 và người dân ở khu vực Trường Trung học cơ sở Hải Hoà chủ yếu là người của vùng kinh tế mới tới đây làm ăn.

Bố mẹ của học sinh nhà trường cũng chủ yếu làm ăn buôn bán với người Trung Quốc nên các em có môi trường thuận lợi từ gia đình song song với những ưu tiên nhất định từ phía nhà trường.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế để giao tiếp, trau dồi vốn tiếng Trung nhưng không thể phủ nhận đây là ngôn ngữ khá khó để tiếp thu.

“Môn tiếng Trung có đặc thù là khó nhớ mặt chữ, nói thì dễ nhưng do chữ có nhiều nét nên học sinh nhiều khi sẽ thấy nản” cô giáo Loan cho biết.

Để học sinh học tốt môn tiếng Trung theo cô giáo Loan thì đầu tiên phải chú ý phương pháp giảng dạy để làm sao lôi cuốn, hấp dẫn học sinh hào hứng và yêu thích môn học.

Phương pháp giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng, tiết học sẽ bớt khô khan hơn nếu học sinh được học chữ thông qua bài hát, hình ảnh, hình tượng.

Bên cạnh công tác giảng dạy, năm học 2020 – 2021, cô giáo Loan được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hải Hoà.

Với cương vị mới, cô giáo Loan mong muốn góp một phần sức lực giúp chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày càng đi lên, đặc biệt là môn tiếng Trung.

Cô giáo Loan chia sẻ: “Là phó Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách chuyên môn, tôi đã xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn và các kế hoạch nhiệm vụ khác được phân công trong năm học.

Chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuyên môn cụ thể, chi tiết đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện bồi dưỡng thường xuyên; học tập, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, khuyến khích các thầy cô đẩy mạnh công nghệ thông tin vào giờ giảng. Hướng dẫn học sinh cách khai thác các nguồn học liệu trên mạng để cập nhập kiến thức.

Bản thân tôi cũng tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; về công tác quản lý; tham gia tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục tổ chức.

Tích cực học tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Vừa qua, tôi đã tốt nghiệp lớp Thạc sĩ Quản lí giáo dục”.

Vừa giữ vai trò quản lý vừa thực hiện công tác giảng dạy, cô giáo Loan vẫn mang đến sự khởi sắc trong công tác giáo dục đại trà và mũi nhọn của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh)

Vừa giữ vai trò quản lý vừa thực hiện công tác giảng dạy, cô giáo Loan vẫn mang đến sự khởi sắc trong công tác giáo dục đại trà và mũi nhọn của nhà trường (Ảnh: Phạm Linh)

Dù mới chuyển về công tác tại Trường Trung học cơ sở Hải Hoà từ năm học 2020 – 2021, với nhiệt huyết và sự nỗ lực của mình, cô giáo Loan đã giúp thành tích đại trà và thi học sinh giỏi môn tiếng Trung có sự khởi sắc so với những năm học trước.

Kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp “trồng người”

Chia sẻ thêm với phóng viên về những kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp “trồng người” của mình, cô giáo Loan cho biết: “Kỷ niệm với học sinh thì rất nhiều nhưng có lẽ nhớ nhất và tự hào nhất là mười mấy năm trước chị ôn luyện cho em Phí Thị Ngân đỗ vào Trường Chuyên Ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố Móng Cái có học sinh đỗ trường này.

Đặc biệt hơn nữa, đây không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn là một hành trình dài với không ít chông gai đối với cả cô và trò".

18 năm giảng dạy, cô Loan nhận được món quà vô giá là những kỷ niệm khó phai với học trò (Ảnh: Phạm Linh)

18 năm giảng dạy, cô Loan nhận được món quà vô giá là những kỷ niệm khó phai với học trò (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Loan kể lại: "Phí Thị Ngân sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn khi mẹ là nhân viên vệ sinh môi trường còn bố không có việc làm. Trong khi đó nhà lại đông con, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn hết lên vai mẹ của Ngân.

Ngay từ ngày đầu nhận lớp, tôi đã ấn tượng bởi cô bé dù phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nhưng ham học, không ngừng nỗ lực và cầu thị.

Thấu hiểu hoàn cảnh và sự khát khao học tập của Ngân, tôi luôn động viên, khích lệ bằng những việc làm trong khả năng như ôn luyện miễn phí cho Ngân.

Tôi cũng xin những thầy cô giáo khác hỗ trợ, tạo điều kiện để Ngân được ôn tập cùng bạn bè trong lớp.

Nhớ thời điểm cuối cấp, cô và trò cứ thế miệt mài ôn luyện rồi cùng nhau làm hồ sơ. Từ việc nhờ bạn bè của tôi trên Hà Nội giúp nộp hồ sơ rồi tự mình đưa Ngân đi thi đều là những kỷ niệm đẹp, những ngày tháng mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Chính vì sự gắn bó ấy mà khi Ngân nhận được tin đỗ đại học, cảm xúc tôi lúc bấy giờ vỡ oà hạnh phúc, vui mừng như chính con ruột của mình đỗ vậy!”.

Đến hiện tại, khi Ngân đã tốt nghiệp và làm việc tại Công ty Texhong (huyện Hải Hà, Quảng Ninh), cô và trò vẫn giữ liên lạc và chia sẻ với nhau từ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống.

Phạm Linh