LTS: Cô giáo Đỗ Quyên đã nêu ra một đặc điểm của giáo viên đó là ngại thay đổi, ít cầu tiến và vô tình trở thành lực cản của đổi mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết về vấn đề này!
Trong cuộc sống, bất kì ai nếu đã ngại khó, ngại khổ thì không thể làm được việc gì thành công.
Khi giáo viên ngại khó, ngại khổ thì hậu quả đem đến là vô cùng bất lợi bởi cả một thế hệ phải gánh chịu.
Những giáo viên ngại khó, ngại khổ thì cấp học nào, trường học nào cũng có, vấn đề là nhiều hay ít và biểu hiện ở mức độ nào.
Giáo viên cứ giảng còn chất lượng đến đâu thì mặc!
Tôi có cô con gái học cấp 3, nhiều hôm về mếu máo:
“Hôm nay, con học môn Tin mà chẳng hiểu gì”.
Nhiều giáo viên có tâm lý ngại đổi mới (Ảnh minh họa từ thanhnien.vn). |
Tôi hỏi con “Sao con không hỏi cô?”, như có người đồng cảm, con bé buông lời bảo:
“Cô vào lớp và nói, đây là tiết ôn tập nên mấy em tự học đi, không hiểu đọc lại lý thuyết mà làm.
Nói rồi, cô ngồi trên bàn giáo viên làm gì đó, có bạn không biết nên hỏi bị cô la vì tội hôm trước giảng bài không chú ý nên tụi con chẳng dám hỏi gì thêm”.
Cũng chẳng phải mình cô dạy Tin, nhiều hôm nghe đám bạn con kể nào thầy T. dạy Toán, cô H. dạy Văn, cô M. dạy Giáo dục công dân… vào lớp nói dăm ba câu rồi cho học sinh đọc sách giáo khoa, tự trao đổi thông tin bất kể đúng sai.
Giáo viên cứ ngồi nguyên ở bục giảng chờ đến khi trống báo hết tiết thì xách cặp bước ra.
Nhiều giáo viên “ngại” đổi mới phương pháp dạy học, chỉ giảng bài cho nhanh và cho bài tập để học sinh ngồi làm còn mình thì tranh thủ lên mạng chát chít, với những giáo viên này thì đổi mới luôn là cực hình với họ.
Những giáo viên lười dạy, ngại đổi mới lên lớp chỉ mong hết giờ để đi ra mà không cần biết hôm nay các em học như thế nào, tiếp thu bài ra sao, có điều gì thắc mắc.
Đặc biệt với học sinh đang học theo mô hình mới VNEN thì việc giáo viên phải bám sát các em trong từng tiết học trở nên vô cùng cần thiết, có thế, giáo viên mới hỗ trợ, giúp đỡ các em một cách kịp thời.
Tại sao nhiều giáo viên thờ ơ, chán nản với đổi mới giáo dục? |
Không ít giáo viên có tâm lý mặc kệ học sinh vì sợ “nghiêm quá bị học trò ghét lại rước họa vào thân” dẫn đến tình trạng, trò hư không được uốn nắn, dạy dỗ; trò lười không được theo dõi, nhắc nhở.
Có giáo viên còn hùng hồn tuyên bố:
“Quan điểm của mình là truyền đạt tất cả những gì có thể còn nghe hay không thì tùy, không la, không ép để đỡ rước vạ vào thân”.
Thế rồi, đúng giờ cô thầy vào lớp, trống hết giờ giáo viên bước ra, mọi chuyện gửi lại sau cánh cửa lớp học mà không cần trăn trở, lo âu, chẳng phải nghĩ suy gì cho mệt.
Xếp loại giáo viên còn nể nang nhau
Trong không ít các cuộc họp hội đồng, Ban giám hiệu vẫn thường nhắc nhở chung chung:
“Trường mình vẫn còn một số giáo viên lướt điện thoại trong giờ dạy, ít quan tâm học sinh trong tiết dạy, một số giáo viên vẫn ngồi làm việc riêng, đi trễ”.
Dù thế, xếp loại cuối năm những giáo viên này vẫn được tiên tiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ và không có ý thức nâng cao nghiệp vụ của mình.
Không ít giáo viên trong trường có tâm lý so sánh:
“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường" |
“Mình nỗ lực hết mình nhưng cuối cùng cấp trên cũng chỉ đánh giá cá mè một lứa”.
Về phía Ban giám hiệu lại sợ mất lòng giáo viên, ảnh hưởng đến thành tích chung của cả trường nên cũng ngại xử lý nghiêm các giáo viên này.
Sức ì của một bộ phận không nhỏ giáo viên đang là vật cản cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc chấn chỉnh, rà soát lại một số Thông tư, mô hình dạy học chưa thật sự phù hợp để đưa ra khỏi ngành những giáo viên chây lì, ngại đổi mới, thiếu cái tâm của một người thầy.