Có huyện miền núi tuyển dụng 7 GV tiếng Anh nhưng chỉ một người đăng ký

10/05/2025 06:38
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang là thách thức tại các địa phương, đặc biệt, đội ngũ giáo viên các môn học như tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật ở vùng khó.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, gần 65.000 biên chế đã được giao cho các địa phương nhưng mới tuyển được khoảng 6.000 người.

Thiếu giáo viên là vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo, trong khi ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện với nhiều môn học mới, yêu cầu mới. Đây thực sự là bài toán cần sớm có lời giải, đòi hỏi ngành giáo dục nhanh chóng có những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.

Thiếu giáo viên đặc biệt ở môn tiếng Anh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, một trong những thách thức lớn mà nhiều trường phải đối mặt là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Năm 2023, phòng giáo dục và đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân Huyện tuyển dụng 7 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ có 1 người đăng ký.

Đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học và các môn học nhất định dần trở nên phổ biến.. Cụ thể, ở bậc tiểu học, toàn huyện đang thừa khoảng 67 giáo viên, trong khi ở bậc trung học cơ sở lại thiếu khoảng 60 giáo viên. Do đó, nếu xét trên tổng thể, biên chế được giao hiện cơ bản vẫn đảm bảo, tuy nhiên điều này cũng khiến chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên bị hạn chế.

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm như tiếng Anh, Âm nhạc và một số môn học khác nhưng lại không lựa chọn công tác tại các địa bàn miền núi, vùng có điều kiện khó khăn khiến nguồn tuyển bị hạn chế.

Một nguyên nhân khác là mặc dù hạ tầng giao thông tại các khu vực miền núi cơ bản đã được đảm bảo, nhưng nhiều trường học vẫn nằm khá xa trung tâm huyện. Khoảng cách địa lý này cũng là một trong những yếu tố khiến các sinh viên mới ra trường chưa thật sự mặn mà với việc nhận công tác tại những khu vực này.

Ngoài ra, một số giáo viên chuyển vùng, chuyển công tác về các địa phương miền xuôi có nhiều điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn ở Lai Châu. Bên cạnh đó, một số giáo viên nghỉ việc do có khả năng chuyển đổi công việc khác phù hợp hơn với điều kiện của bản thân.

Từ những khó khăn trong thực tiễn, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục rà soát, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, địa phương đã có một số chính sách nhằm hỗ trợ và thu hút đội ngũ giáo viên. Đối với tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Than Uyên nói riêng, trong những năm gần đây, địa phương đã ban hành các chế độ ưu đãi để thu hút giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn như tiếng Anh. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp loại khá khi về công tác tại địa bàn sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ 100 triệu đồng; đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, mức hỗ trợ là 150 triệu đồng.

Ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Than Uyên.
Ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Than Uyên.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Quách Tất Hưởng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 gây thách thức trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy tại địa phương. Việc thiếu giáo viên với số lượng lớn dẫn đến việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ giảng dạy của các trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với môn tiếng Anh.

Hiện nay địa phương này đang thiếu khoảng 129 giáo viên và thiếu cục bộ là giáo viên môn tiếng Anh; còn môn Lịch sử và Địa Lý đã có chương trình đào tạo liên môn nên 2 môn này cơ bản đã đáp ứng được giáo viên. Do đó, việc lên phương án bố trí giảng dạy đảm bảo cho toàn huyện là hết sức khó khăn và vất vả cho giáo viên do phải dồn ghép lớp, dạy liên cấp, liên trường.

Ông Quách Tất Hưởng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Nậm Nhùn.
Ông Quách Tất Hưởng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Nậm Nhùn.

Theo ông Hưởng, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, do sự gia tăng cơ học về dân số, số lượng học sinh ngày càng tăng, kéo theo số lớp học cũng tăng lên, dẫn đến nhu cầu bổ sung giáo viên.

Thứ hai, trong những năm gần đây, nhiều giáo viên đã có thời gian công tác lâu năm tại các địa bàn vùng cao, vùng khó khăn và đủ điều kiện để xin chuyển công tác về vùng thuận lợi hơn. Khi đủ điều kiện, các thầy cô được giải quyết theo quy định, điều này dẫn đến số lượng giáo viên chuyển đi khá nhiều.

Thứ ba, mỗi năm vẫn có một số lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng làm thiếu hụt nhân sự đứng lớp.

Thứ tư, nguồn tuyển dụng đầu vào ngày càng hạn chế. Số lượng sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp đăng ký tuyển dụng không nhiều, khiến việc bổ sung đội ngũ giáo viên gặp khó khăn.

Còn theo cô Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành 1, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây, trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do đội ngũ hiện nay phần lớn đã lớn tuổi, tỷ lệ giáo viên nghỉ hưu hằng năm ở mức khá cao, trong khi nguồn nhân lực giáo viên mới không đáp ứng đủ nhu cầu phân bổ về các trường. Do đó, việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn, khi giáo viên chuyên môn xin nghỉ việc, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, các đơn vị không có nguồn dự trữ để thay thế ngay.

Hơn nữa, trường nằm ở địa bàn vùng nông thôn, cơ sở vật chất còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn nên việc thu hút giáo viên là điều không đơn giản.

Xem xét các chính sách thu hút đặc biệt dành cho giáo viên các môn chuyên biệt đang thiếu hụt

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những chế độ chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên, bao gồm việc ưu tiên xếp lương ở bậc cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, để thu hút giáo viên về công tác tại các vùng miền núi, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể điều kiện đi lại và khoảng cách địa lý tại các khu vực miền núi vẫn còn khá khó khăn, khiến nhiều giáo viên ngại lựa chọn công tác tại đây. Do đó, cần có cơ chế điều động, luân chuyển giáo viên giữa các huyện trong tỉnh.

Đồng thời, động lực làm việc của giáo viên ở các vùng khó khăn cũng cần được chú trọng nhiều hơn. Cần cải thiện các điều kiện làm việc và sinh hoạt cho giáo viên, như nhà ở công vụ, phương tiện đi lại và cơ hội bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường các hình thức hỗ trợ khác, chẳng hạn như tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội phát triển chuyên môn, thăng tiến trong sự nghiệp hoặc hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống gia đình của họ.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các chính sách thu hút đặc biệt dành cho giáo viên các môn chuyên biệt đang thiếu hụt như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, bao gồm hỗ trợ tài chính, ưu tiên biên chế hoặc các chính sách đặc cách trong tuyển dụng.

Ngoài ra, có kế hoạch tiếp tục sử dụng những giáo viên văn hóa tiểu học đã được bồi dưỡng tiếng Anh, Tin học để thực hiện giảng dạy môn Ngoại ngữ, Tin học; tham mưu giao bổ sung nhiệm vụ cho giáo viên tiếng Anh hiện có đến dạy ở những trường chưa có giáo viên tiếng Anh

Đối với tình trạng thừa giáo viên văn hóa tiểu học, huyện Than Uyên đã phân công giáo viên dôi dư tham gia dạy các lớp xóa mù chữ. Hiện huyện Than Uyên đang thực hiện mở 29 lớp xóa mù chữ, dự kiến đến năm 2025 là 30 lớp.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, thời gian tới phòng sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên; hằng năm thực hiện rà soát vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch năm học, từ đó có phương án sắp xếp đội ngũ giáo viên các đơn vị trường; tổ chức tuyển dụng giáo viên đảm bảo quy định.

Tiếp đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch, quy mô trường lớp, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo tăng số học sinh trên lớp; tham mưu điều động, bố trí giáo viên một cách hợp lý, phù hợp với quy mô các trường, đảm bảo nhu cầu tối thiểu để các trường thực thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, tham mưu với các cấp lãnh đạo cử giáo viên đang công tác đi học nâng cao trình độ để đảm bảo đạt chuẩn theo đúng lộ trình; cử giáo viên tham gia bồi dưỡng môn Tin học, các môn liên môn để thực hiện nhiệm vụ, giảm áp lực cho các trường. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

Thu Trang