Liên quan đến việc học bạ đang chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa kể, hiện nay nhiều trường đại học xét tuyển học bạ là một trong những phương thức tuyển sinh. Điều này dấy lên khá nhiều lo ngại rằng, với nhiều đích đến như vậy có thể khiến điểm trong học bạ bị "tác động". Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu "học thật, thi thật" mà ngành giáo dục đang thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng, việc sử dụng học bạ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học cũng là cách để ghi nhận những nỗ lực của học sinh trong suốt 3 năm học.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thái Hà (chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và Thạc sĩ Thạch Thị Đào Liên (giáo viên trường Trung học phổ thông Yên Viên) có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thái Hà, việc điểm học bạ chiếm 30% trong cơ cấu điểm xét tuyển tốt nghiệp trung học phổ thông là phù hợp, bởi nó là động lực cho học sinh cố gắng trong một quá trình, tránh cho học sinh chỉ đến lúc thi mới học.
Tuy nhiên, đúng là có lo ngại về điểm học bạ "quá đẹp". Nếu xảy ra tình trạng này là do cách thực hiện của chúng ta đang làm chưa đúng. Đó là do một bộ phận người chấm điểm, đánh giá học sinh chưa khách quan. Việc để học bạ có quá cao so với thực lực của học sinh là lỗi của những người lớn, chứ không phải do học sinh.
"Chúng ta cần phải quy trách nhiệm nếu có sự đánh giá không khách quan kết quả, điểm trong học bạ. Đồng thời, cần có sự kiểm tra, giám sát quá trình đánh giá học sinh", Phó giáo sư Thái Hà nhận định.
Theo Phó giáo sư Hà, giải pháp cho vấn đề trên vẫn là cần trị căn bệnh gốc rễ đã bám sâu vào hệ thống giáo dục của chúng ta đó là bệnh ‘thành tích’. Điều này cần phải thay đổi, và phải bắt đầu từ chính các nhà quản lý.
Phóng viên có nêu trường hợp một lớp 12 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên có đến có đến 90% học sinh giỏi, Phó giáo sư Thái Hà cho rằng, trường hợp này cần phải có một nhóm kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.
"Nếu chất lượng đào tạo của nhà trường không đúng thực tế, nhà trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta chỉ cần kiểm tra xác suất một số trường nghiêm sẽ chấn chỉnh việc nâng điểm học bạ cho học sinh", Phó giáo sư Hà chia sẻ.
Để kiểm tra chất lượng đào tạo của nhà trường, Phó giáo sư Thái Hà nhấn mạnh, cần phải thường xuyên kiểm tra bất ngờ các trường, lấy từ chính ngân hàng đề thi tương đương với đề thi của trường, rồi rút ra một đề cho học sinh làm. Từ đây, mọi việc sẽ rõ ràng ngay.
Nếu chúng ta đánh giá thật, làm thật, chắc chắn không nảy sinh nhiều vấn đề. Vấn đề không phải nằm ở phương án này, hay phương án kia, dùng học bạ hay không dùng học bạ, … mà quan trọng là chúng ta thực hiện việc đánh giá thế nào.
Hệ thống đánh giá của chúng ta chưa thực sự khoa học, chưa thực sự chuẩn, điểm yếu nằm chỗ đó.
"Cho dù chúng ta thay đổi bất kì hình thức xét tuyển nào cũng sẽ bị vướng, bởi gốc rễ của vấn đề là chất lượng đánh giá trong nhà trường. Nếu chúng ta cứ chạy theo việc thay đổi hình thức sẽ không giải quyết được vấn đề.
Để giải bài toán trên, chúng ta phải trị tận gốc vấn đề, cần sự đồng lòng của cả hệ thống, dù không phải là một sớm một chiều", Phó giáo sư Thái Hà cho hay.
Phó giáo sư Thái Hà chia sẻ thêm, ở nhiều quốc gia phát triển, họ cũng đều có kì thi chung. Quan trọng là cách chúng ta thi như thế nào và sử dụng kết quả làm sao để học trò không thấy đó là quá áp lực.
Vì vậy câu chuyện kiểm tra, đánh giá là cần thiết nhưng không phải là để lấy thành tích, mà quan trọng hơn là cho học sinh biết mình đã vượt qua hay chưa một trình nào đó. Từ đó thúc đẩy các em phát triển và tiến bộ hơn.
Theo Thạc sĩ Thạch Thị Đào Liên (giáo viên trường Trung học phổ thông Yên Viên), khác với khối trung học phổ thông, tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sẽ tự chủ, tự quản các kì thi đánh giá của họ theo tiêu chí riêng, tuỳ theo mục tiêu giảng dạy của trường.
Thực tế, các em học sinh tại đây thường có điểm đầu vào thấp, mục tiêu là tốt nghiệp trung học phổ thông. Đối với cánh cửa đại học, ngoài việc xét học bạ còn các tiêu chí khác, nên các em này cũng khó có thể đạt được.
Tuy nhiên, để việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông được khách quan, các trung tâm cần đánh giá đúng năng lực học tập của các em.
Còn đối với học sinh khối trung học phổ thông, Thạc sĩ Liên cho rằng, thực tế, những năm vừa qua, nhiều trường trung học phổ thông tại Hà Nội có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Điều này cũng sát với chất lượng giáo dục của học sinh Thủ đô.
"Quá trình đánh giá của giáo viên đối với học lực của học sinh cũng sát với thực tế. Vì vậy, việc sử dụng học bạ chiếm 30% cơ cấu điểm để xét tốt nghiệp là hợp lí", cô Liên cho hay.