Tại Kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2023, cô Nguyễn Thị Phương Lan (sinh năm 1978, quê ở Vĩnh Phúc) - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) là ứng viên trúng tuyển vị trí Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội).
Đặc biệt, tại kỳ thi này, cô Lan xuất sắc là người có kết quả trình bày Đề án cao nhất với 87.07 điểm.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Lan để lắng nghe chia sẻ của cô về kinh nghiệm để có thể đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục.
Giải pháp đưa ra trong Đề án phải gắn với thực tiễn và đặc thù của từng đơn vị
Tham dự Kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2023, mỗi ứng viên phải trải qua 2 vòng thi (thi viết và thi trình bày Đề án). Tại vòng thi viết, cô Lan đạt 85.17 điểm và vòng thi trình bày Đề án đạt 87.07 điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm để ứng viên đạt điểm cao trong cả 2 vòng thi, cô Lan cho rằng, ở vòng thi viết, ứng viên cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý, các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, thông tư, các văn bản luật,... để hiểu rõ, nắm rõ. Đặc biệt, để áp dụng những văn bản, thông tư đó vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, đúng quy định và phù hợp trong từng hoàn cảnh, tình huống của thực tế sống động thì rất cần đến bề dày trải nghiệm và sự tích lũy bền bỉ trong nhiều năm kinh nghiệm của người thực học, thực làm.
Ở vòng thi trình bày Đề án, việc hình thành ý tưởng, thiết kế bố cục, viết bản thảo, viết bản hoàn thiện là một quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, cẩn trọng.
Bên cạnh đó, theo cô Lan, việc sắp xếp thời gian làm việc khoa học để vừa đảm bảo hoàn thành các công việc theo nhiệm vụ được giao, vừa dành thời gian tập trung ôn thi và làm Đề án cũng là điều các ứng viên cần quan tâm.
Chia sẻ tổng quan về Đề án của bản thân, cô Lan cho biết ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung Đề án của cô gồm 3 phần (phần đánh giá thực trạng của nhà trường; phần đề xuất các giải pháp và phần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án).
Theo cô Lan, với phần thi trình bày Đề án trong khoảng thời gian từ 40-45 phút, các ứng viên cần phải chắt lọc nội dung cốt lõi, xác định rõ các vấn đề ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm để làm nổi bật được ý tưởng, nội dung của Đề án (đánh giá được ưu thế, điểm mạnh của đơn vị và cả những mặt còn tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân). Từ đó, ứng viên phải đưa ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực có tính khả thi và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án với lộ trình theo từng năm, từng giai đoạn.
Để có một Đề án đạt chất lượng và bảo vệ thành công, cô Lan cho rằng, mỗi ứng viên phải là người thực học, thực làm, có kinh nghiệm, có tích lũy, hiểu rõ ưu điểm, thế mạnh và cả những điểm yếu còn tồn tại của nhà trường - nơi ứng viên công tác. Cụ thể là hiểu rõ giá trị nào của nhà trường đã được khẳng định qua thời gian và trong tương lai, nhà trường sẽ cần những gì.
Đồng thời, những giải pháp đưa ra để thực hiện mục tiêu của Đề án phải gắn với thực tiễn và đặc thù của đơn vị. Kế hoạch thực hiện Đề án phải mang tính khả thi và cần đánh giá được hiệu quả của Đề án.
Ngoài ra, sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, trách nhiệm từ thiết kế bài trình chiếu đến tư thế, tác phong, ngôn ngữ, giọng điệu,... đều góp phần làm nên thành công của buổi bảo vệ Đề án.
“Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng cho 2 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc là Trường Trung học phổ thông Bất Bạt và Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2023, Kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được tổ chức nghiêm túc, khách quan đã tạo ra sự bình đẳng, giúp cho tất cả những ứng viên dự thi đều quyết tâm vượt qua áp lực và thử thách để ngày càng “chín” hơn, trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Như lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng chia sẻ rằng kỳ thi nhằm mục đích chọn lựa, tuyển chọn những cán bộ quản lý, giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo làm công tác quản lý giáo dục để lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở giáo dục tiếp tục phát triển. Chính từ ý nghĩa đó, tôi cho rằng việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý nên được nhân rộng trong thời gian tới”, cô Lan bày tỏ.
Tâm huyết xây dựng trường học hạnh phúc
Trong quá trình ôn luyện cho kỳ thi, cô Lan cũng gặp phải một số khó khăn. Cô chia sẻ, bản thân gặp áp lực khi vừa đảm nhận vai trò phụ trách, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục trong trường, vừa phải ôn luyện để vượt qua kỳ thi với vị trí ứng tuyển là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội).
Thuận lợi đối với cô Lan khi đăng ký dự tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi là bản thân cô đã có 9 năm làm công tác quản lý (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi) và làm phụ trách trường khi chưa có hiệu trưởng mới nên cô Lan nắm được ưu điểm, thế mạnh và cả tồn tại của nhà trường.
Với việc đăng ký dự tuyển vào chức danh Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, cô Lan nhận được nhiều sự ủng hộ, động viên, chia sẻ từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Hơn nữa, với niềm tự hào về truyền thống lịch sử của nhà trường, với nền tảng, bề dày của ngôi trường gần 80 năm tuổi được các thế hệ thầy và trò tiếp nối, tôn tạo đã trở thành nguồn động lực lớn lao cổ vũ tinh thần cô Lan tự tin đăng ký ứng tuyển vị trí chức danh Hiệu trưởng nhà trường.
Theo cô Lan, yếu tố quan trọng và cần thiết ở người lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phải hội tụ đủ các yếu tố: có tài, có tâm, có tầm và đặc biệt là sự năng động, nhạy bén, tận tâm, cống hiến.
Để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường một cách bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố căn cốt chính là con người - lực lượng đội ngũ giáo viên. Vì vậy, cô Lan cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng, phát huy vai trò của nguồn nhân lực. Trong đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực cho giáo viên, nhân viên là quan trọng, xây dựng văn hóa nhà trường là then chốt, kiện toàn bộ máy tổ chức, đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường là mục tiêu trước mắt.
“Niềm mong muốn và tâm huyết của tôi là xây dựng trường học hạnh phúc, ở đó, học sinh được học tập trong một môi trường an toàn, lành mạnh; được yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau và được phát triển toàn diện. Cha mẹ học sinh an tâm, tin tưởng và luôn đồng hành với nhà trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên an vui, tận tâm, cống hiến”, tân Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự.