Vụ hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn ở một số trường mầm non Bắc Ninh đang gây chấn động dư luận.
Nhiều người cương quyết phải quy trách nhiệm những người liên quan và phạt thật nặng những người liên quan vì đầu độc con trẻ chính là tội ác.
Các bữa ăn trong dự án "Bữa ăn học đường" đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, chế biến vệ sinh, an toàn (Ảnh: Vũ Ninh) |
Thế nhưng mới đây, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Ninh báo cáo, cả hai cơ sở cung cấp thực phẩm thịt lợn đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh việc truy xuất, đưa các mẫu đi kiểm nghiệm (nhưng không còn mẫu thịt nghi nhiễm sán), Ban an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã thành lập đoàn giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại tất cả các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn trên địa bàn huyện Thuận Thành.
Qua đó cho thấy, 23 trường mầm non tổ chức ăn bán trú đã dần ổn định và thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể”. [1]
Với kết quả "cả hai cơ sở cung cấp thực phẩm thịt lợn đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm" thế này, mẫu thịt nghi nhiễm sán không còn, chẳng biết tỉnh Bắc Ninh sẽ xử lý việc hàng trăm trẻ nhiễm sán do nghi ăn phải thực phẩm bẩn trong thời gian vừa qua ra sao?
Từ giấy tờ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đến thực tế bếp ăn học đường
Kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm ở cơ sở cung cấp cho trường Thanh Khương |
Quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy đã từng có không ít cán bộ vì lợi ích cá nhân đã “phù phép” hàng trăm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho không ít cơ sở sản xuất làm bình phong “làm láo ăn tiền”.
Cứ gõ vào google cụm từ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thấy hàng loạt trang chào mời nhận làm giấy chứng nhận từ A đến Z .
Hàng loạt dịch vụ quảng cáo xin giấy phép thủ tục nhanh gọn, đúng yêu cầu…chỉ với điều kiện người cần chịu chi.
Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh từng có bài viết “Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm qua cò là có”. Bài viết này khẳng định: “Tự đi xin là không bao giờ được!”
Gia đình một người bạn ở quê cũng làm nghề giết mổ tự do.
Chị chủ lò mổ nói rằng, hằng năm phải đi xin cái giấy phép chứng nhận an toàn thực phẩm kia.
Chỉ cần bỏ tiền một lần là dùng được cả năm. Bởi thế, lò mổ lợn sạch hay lợn bẩn đều được, tất cả chỉ phụ thuộc vào lương tâm người chủ lò làm ăn đàng hoàng hay bất lương mà thôi.
Kiểm tra bếp ăn trường học luôn theo kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa”
Không tin vào những giấy tờ chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng chẳng thể đặt nhiều niềm tin vào những biên bản ghi các lần cán bộ cấp trên tới kiểm tra.
Một số người bạn đồng nghiệp cho biết, có những hiệu trưởng trường học thường xây dựng các mối quan hệ thân thiết kiểu “liên minh ma quỷ” để kịp thời thông báo cho nhau lịch kiểm tra an toàn thực phẩm ở nhiều trường bán trú trong địa bàn.
Những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn ngày nọ, ngày kia có đoàn thanh tra tới trường thì y như rằng chẳng bao giờ đoàn thanh tra tìm ra được một sơ xuất dù nhỏ nhất.
Vì chính ngày ấy trẻ sẽ được ăn đồ tươi ngon và sạch sẽ.
Khi đoàn thanh tra đi rồi thì đâu lại vào đấy!
Hoặc nếu có, chỉ cần tiếp đón đoàn thanh tra nhiệt tình như những bữa tiệc tại nhà hàng sang trọng, rồi “tăng hai, tăng ba”, những chiếc phong bì trao tay thì...
Thế nên biên bản khi nào mà chẳng ghi nơi sản xuất thức ăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, nguyên liệu nhập vào tươi sống…Bữa ăn đủ lượng, đủ chất, đảm bảo tốt yêu cầu về chất lượng…
Điều này được minh chứng những vụ thực phẩm bẩn vào trường học hay những bữa ăn thiếu chất…đều được chính phụ huynh tố cáo.
Gần như rất ít những vụ do cấp trên bất ngờ kiểm tra lập biên bản. Cấp trên thường đi sau và ra kết luận trước sức ép của công luận.
Phụ huynh phải là người cứu con mình khỏi những bữa ăn bẩn
Không thể trông chờ vào giấy chứng nhận hay biên bản của những lần thanh tra, không thể chờ đợi lương tâm của những nhà quản lý vì nhiều người thường tối mắt với những khoản hoa hồng hấp dẫn.
Bữa ăn học đường phải được giám sát, được kiểm tra hằng ngày một cách chặt chẽ, công khai từ chính cha mẹ học sinh của trường.
Phụ huynh trường Mầm non Tân Xuân cùng vào bếp |
Ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Trưng Vương Quảng Trị cho biết:
“Muốn kiểm tra thực phẩm sạch hay không, người kiểm tra phải nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, sờ, nắn bằng tay đôi khi còn phải dùng dao cắt miếng thịt, con cá ấy ra mới biết rõ thực phẩm có tươi, có sạch hay không”.
Bởi thế, kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” định kì như hiện nay (xem giấy phép kinh doanh, xem giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và nhìn ngó qua lại…) ở nhiều bếp ăn học đường thì sẽ còn nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy đến với những đứa trẻ vô tội.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ket-qua-kiem-nghiem-an-toan-thuc-pham-o-co-so-cung-cap-cho-truong-Thanh-Khuong-post196674.gd