Cơ sở vật chất đang thiếu, có nên đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mua SGK cho HS mượn?

11/10/2022 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đồng tình ủng hộ việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn học.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích ngân sách 3500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa đáp ứng 70% nhu cầu học sinh trong năm học 2023-2024. Trước đó, Chính phủ cũng đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2022-2023, nhưng không kịp thực hiện.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình - Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến xoay quanh nội dung đề xuất trên.

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ông đồng tình ủng hộ việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn học.

“Đây là một ý tưởng tốt, chính sách trên thể hiện sự quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thanh Vân nhấn mạnh, để tránh lãng phí ngân sách và có sự thống nhất, chúng ta cần phải có một bộ sách giáo khoa ổn định, chuẩn mực. Đồng thời, cần phân loại sách cho đối tượng được mượn hoặc mua. Tiếp đó, phải có cách thức quản lý sách cho tốt tránh việc học sinh không giữ gìn sách.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng nhận định, đối với sách tham khảo, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình có thể mua hoặc không, không được bắt buộc. Thực tế hiện nay, nhiều trường học "bán bia kèm lạc" tức bắt buộc phụ huynh mua cả sách tham khảo là cần lên án.

Trước câu hỏi về việc có địa phương hiện vẫn chưa đủ cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, vậy có nên đầu tư ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để mua sách cho học sinh mượn?

Trả lời câu hỏi trên, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho hay, sách giáo khoa là đầu vào của tri thức nên sẽ cần thiết trước tiên, còn cơ sở vật chất thiếu có thể khắc phục dần. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào sách giáo khoa cho học sinh mượn mang tính lâu dài.

“Để giải quyết các vấn đề đáp ứng cho giảng dạy, học tập, cần phải có thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên số một của đầu vào của tri thức là nguồn lực con người, giáo trình”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Cùng bình luận về vấn đề trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho rằng, việc đầu tư vào mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn là giải pháp tốt cho những em có hoàn cảnh khó khăn và gia đình có nhiều con đi học. Tuy nhiên, cần phải phân loại tiêu chí đối tượng được mượn sách, đối tượng phải tự mua sách.

“Nếu chính sách trên được đưa vào thực tiễn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng để tạo sự minh bạch”, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.

Việc đầu tư vào mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là giải pháp tốt, giúp học sinh chưa có điều kiện mua sách có thể dễ dàng tiếp cận sách giáo khoa hơn. Ảnh minh họa: Ngân Chi

Việc đầu tư vào mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là giải pháp tốt, giúp học sinh chưa có điều kiện mua sách có thể dễ dàng tiếp cận sách giáo khoa hơn. Ảnh minh họa: Ngân Chi

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, về vấn đề sách giáo khoa, địa phương đã cung ứng đầy đủ theo nhu cầu phụ huynh đăng ký cho học sinh. Riêng đối với huyện Mai Châu, địa phương này chi kinh phí để mua sách giáo khoa cho học sinh học tập.

Cùng với sách, các cơ sở vật chất khác cũng là vấn đề mà ngành giáo dục địa phương phải từng bước khắc phục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho hay, việc đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập chương trình giáo dục phổ thông mới ở mức cơ bản. Địa phương vừa làm vừa khắc phục những khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình cũng cho hay, tại địa phương còn có nơi còn gặp khó khăn trong việc đấu thầu trang thiết bị mua sắm.

“Khó nhất với địa phương là tìm được đơn vị thẩm định giá, bởi không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng thực hiện nội dung này”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Sách giáo khoa triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xã hội hóa do nhiều đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản đã công bố giá bán cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa theo chương trình cũ từng khiến phụ huynh và người dân lo ngại.

Trước sự việc trên, đầu tháng 9/2022, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị quyết định giá trần của sách giáo khoa, còn các nhà xuất bản sẽ quyết định mức giá cụ thể.

Bộ Tài chính cho biết sách giáo khoa là mặt hàng có tính chất đặc thù, ảnh hưởng phạm vi rộng đến từng gia đình. Vì vậy, việc quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa là điều cần thiết.

Bộ Tài chính đã họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị các nhà xuất bản rà soát, tiết kiệm các chi phí như chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... để giảm giá sách giáo khoa.

Nhờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, đa phần các nhà xuất bản đã kê khai giảm giá sách giáo khoa từ 5-15% tùy loại sách so với mức dự kiến ban đầu.

Mạnh Đoàn