Học sinh nào có nhu cầu cũng có thể mượn SGK, không phân biệt điều kiện gia đình

08/10/2022 06:57
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mua SGK cấp vào thư viện trường cho HS mượn là đề xuất được các trường ủng hộ nhưng làm thế nào để số sách được cấp có thể sử dụng lâu dài? 

Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của nhiều trường học, mong muốn sớm triển khai. Bởi với học sinh trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua thì kinh phí để mua sách giáo khoa cũng là một gánh nặng không nhỏ.

Thiết kế cần hạn chế các phần bài tập ghi trực tiếp vào sách

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, Hà Nội, hoàn toàn ủng hộ với đề xuất này.

Theo ông Oanh, mặc dù là một huyện ở Thủ đô, nhưng Ba Vì vẫn có những khu vực kinh tế khó khăn, vậy nên việc đưa sách vào thư viện cho học sinh mượn là một đề xuất vô cùng hữu ích.

Tuy nhiên, không nên áp dụng phương pháp "cào bằng" bởi lẽ, mỗi khu vực lại có thu nhập kinh tế khác nhau.

“Tôi ủng hộ phương án mua sách đưa vào thư viện đáp ứng nhu cầu mượn của một bộ phận phụ huynh nghèo, chưa có điều kiện mua sách cho con”, ông Oanh nói.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì

Bên cạnh đó, ông Oanh cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu để có bộ sách giáo khoa tương đối ổn định, có tính chất dài lâu, còn nếu sau mỗi một năm học lại chỉnh sửa, lại bổ sung, lại thay đổi sách thì các em học sinh các năm sau có muốn cũng không sử dụng lại được sách đã mua sắm đưa vào thư viện những năm trước.

Do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống, đối với một số sách giáo khoa - nhất là sách giáo khoa Toán, Tiếng Anh cấp Tiểu học, các tác giả đã đưa vào những dạng bài tập trắc nghiệm và những bài tập với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/viết vào chỗ chấm hoặc ô trống; lựa chọn đúng/sai; nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu… Học sinh thường làm trực tiếp vào sách những dạng bài này.

Theo ông Oanh, nghiên cứu sách giáo khoa của một số nước tiên tiến trên thế giới cũng có thiết kế các dạng bài tập với hình thức như trên.

Với sách dùng chung, nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào sách giáo khoa, người học sau không thể sử dụng lại được, gây lãng phí.

“Do vậy, tôi cho rằng cần thiết kế làm sao nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách, gây lãng phí. Muốn vậy, phải bắt đầu từ khâu biên soạn, thiết kế sách giáo khoa để học sinh không có chỗ viết vào”, ông Oanh nói thêm.

Thầy Nguyễn Văn Toán - nguyên Hiệu trưởng của Trường Trung học cơ sở Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cũng cho rằng không nên dàn trải việc mượn sách với tất cả các khu vực bởi sẽ vừa lãng phí, vừa không tập trung vào đúng đối tượng có nhu cầu mượn.

“Việc đầu tư, cấp sách giáo khoa cho mượn nên có trọng điểm, tập trung từng thời điểm, ví dụ năm nay tập trung phân chia cho khu vực này, thì năm sau sẽ tập trung phân chia cho khu vực khác. Sẽ có những địa phương nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn hơn, phân chia dàn trải sẽ khó mà đủ cho tất cả các khu vực, các địa phương được”, thầy Toán nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể việc phân chia sách mượn đến những đối tượng nào. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp của các trường sẽ phải có trách nhiệm tìm hiểu, phân loại đúng các nhóm học sinh có nhu cầu để cho các em mượn sách.

Thầy Nguyễn Văn Toán cũng cùng quan điểm: sách giáo khoa hiện tại thường có các phần để điền, làm bài tập nhanh, khác với trước kia. Theo kinh nghiệm giảng dạy của mình, thầy Toán cho rằng, việc thiết kế như vậy mặc dù giúp các em làm bài tập nhanh trong sách nhưng lại hạn chế khả năng trình bày của học sinh. Vậy nên cần có thay đổi thiết kế để giúp các em vừa trình bày được tốt hơn mà lại tránh lãng phí để cho các em học sinh các năm sau dễ dàng dùng lại được sách của các khóa trước.

Học sinh cần có cam kết bảo quản sách được mượn

Cũng đồng tình với chủ trương mua sách cho học sinh mượn, nhưng thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Nội lại bày tỏ quan điểm cho rằng cần có giải pháp để học sinh nào có nhu cầu cũng có thể mượn được.

“Mượn sách giáo khoa thì nên chia sẻ bình đẳng, bất kỳ học sinh nào có nhu cầu cũng có thể mượn, không phân biệt về kinh tế. Mặt khác, việc cho mượn sách giáo khoa sẽ giúp các em được rèn luyện tính cẩn thận, giữ gìn tài sản chung”, thầy Việt chia sẻ.

Mặc dù biết, khi triển khai cho học sinh mượn sách giáo khoa thì nhà trường, thầy cô cũng như bộ phận thư viện sẽ nhiều công việc hơn, nhưng nhà trường sẽ tìm cách khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em, đồng thời việc này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục nói chung, tạo ra các bài học về sự chia sẻ, giữ gìn tài sản chung cho các em nói riêng.

Nhiều ý kiến từ các cơ sở giáo dục mong muốn đề xuất mua sách giáo khoa đưa vào cho học sinh mượn sớm được thực hiện. Ảnh minh họa: Phạm Linh

Nhiều ý kiến từ các cơ sở giáo dục mong muốn đề xuất mua sách giáo khoa đưa vào cho học sinh mượn sớm được thực hiện. Ảnh minh họa: Phạm Linh

Theo thầy Việt, phải tính đến triển khai thực hiện ở các trường một cách cụ thể: trước khi học sinh mượn sách thì cần phải ký cam kết, khi mượn sách còn nguyên vẹn thì đến khi trả cũng phải còn nguyên như vậy. Nếu không bảo quản được thì cần báo lại với gia đình và nhà trường để kịp thời có biện pháp xử lý, tránh trường hợp sách không được bảo quản, các lứa học sinh sau không có sách để học.

Thầy Phạm Quốc Việt cũng cho biết thêm, hàng năm, nhà trường cùng các thầy cô cũng có vận động quyên góp từ các tổ chức xã hội, các phụ huynh, các học sinh ủng hộ sách cũ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn trong trường, để các em có sách học nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của học sinh cần được hỗ trợ sách. Vì vậy, thầy và trò nhà trường đều mong đề xuất này sớm được thực hiện.

Trà My