Tháng 11 là tháng để nhớ và tri ân các thầy cô, những người ươm trồng, chăm sóc thế hệ tương lai của đất nước.
Nhưng với các giáo viên dạy trẻ tự kỷ, niềm mong mỏi lớn lao không phải là những lãng hoa từ phụ huynh hay các con.
Với họ, món quà quan trọng nhất chính là sự thấu hiểu, đồng hành, tinh thần mạnh mẽ của chính phụ huynh để cùng các cô giúp các con làm được những điều bình thường nhất.
Cô Nguyễn Thùy Linh tại chương trình liên hoan văn nghệ tri ân giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: NVCC |
Cô Nguyễn Thùy Linh – người sáng lập Trung tâm chuyên biệt Phú An (Long Biên – Hà Nội) - nơi chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ - bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên bằng những câu thơ dẫn đường chỉ lối của nhiều thế hệ giáo viên.
“ Không quản ngại đêm ngày mưa nắng
Dẫu nhọc nhằn cũng chẳng kể công
Mải mê lặng lẽ "ươm trồng"
Chèo, đưa trò nhỏ qua sông giúp đời…..”
Những vần thơ trong bài thơ “Nghề ươm trồng” nói về công việc mà cô Thùy Linh gắn bó đã 10 năm từ khi rời mái trường sư phạm.
Mỗi trẻ tự kỷ đến với các cô, bản thân chúng đã là một đứa trẻ đặc biệt nên thầy cô phải có cách dạy, cách học riêng đối với từng con. Cô Thùy Linh gọi đó là hành trình ươm trồng những mầm non đặc biệt.
Nhớ lại thời điểm năm 2008, cô Thùy Linh tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương mang theo bao hoài bão của tuổi trẻ với tâm niệm sẽ cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Cô xin được một công việc đúng chuyên ngành.
Nhưng sau 7 năm gắn bó, cô bắt đầu có chút nản. Giọng nói lúc nào cũng khản đặc và cô bắt đầu bị lung lay tư tưởng với lý do của bố mẹ, bạn bè khuyên nhủ theo kiểu "kiếm việc ổn định mà làm”. Cô được khuyên là nên rời Hà Nội về quê làm việc ở huyện nhà cho ổn định.
Cô chia tay với các con, với phụ huynh, tất cả reo vào tâm khảm cô bao cảm xúc vỡ vụn. Về quê Phú Thọ, cô liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn của nhiều phụ huynh chia sẻ. Đặc biệt, khi đó, cô lại nghe tin thần tượng là chú Trần Lập mất.
Những nỗi buồn xa các con, thần tượng ra đi khiến cô nản và bị tổn thương. Rồi một người chị đã nói với cô Thùy Linh rằng “mày không thể làm gì khác ngoài công việc đó đâu”.
Chợt một ý nghĩ lóe lên, cô quyết định bỏ việc ở quê quay trở lại Hà Nội làm công việc cũ nhưng cô sẽ mở trung tâm của riêng mình cùng với những người bạn chung mục đích.
Cô Thùy Linh (ngoài cùng bên trái ảnh) tham gia chương trình "Tôi đã hiểu, còn bạn?". Ảnh: NVCC |
Cô Thùy Linh và các cộng sự mong muốn không chỉ đồng hành cùng các con mà sẽ truyền cho phụ huynh một tinh thần mạnh mẽ, mang tư tưởng như một chiến binh nhạc rock Trần Lập.
Trong quá trình đồng hành cùng các con, cô Thùy Linh tự nhận mình “rất may mắn” khi được biết đến Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, biết đến câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội.
Ở đó, cô được chỉ giúp thêm kiến thức chuyên, có nhiều lời động viên là động lực để cô có thêm sự mạnh mẽ, tự tin đồng hành cùng các con.
Cô và những giáo viên khác đã hoạt động không mệt mỏi sẻ chia tới mọi người để họ có thể thấu hiểu về thế giới người tự kỷ.
Đích cuối cùng là để các con nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia, yêu thương của mọi người, khi hiểu đúng bản chất về trẻ tự kỷ.
Ngoài ra, cô Thùy Linh còn tham gia chương trình tình nguyện “Tôi đã hiểu! Còn bạn?” - một chương trình nâng cao nhận thức về tự kỷ tại cộng đồng - do chủ nhiệm, ca sĩ Thái Thùy Linh và nhóm tình nguyện Tim hồng tổ chức.
Chính trong một lần tham gia sự kiện này, cô đã gặp một trong những học trò gieo cho cô và các đồng nghiệp thêm động lực để cố gắng.
Hành trình giúp cậu bé 5 tuổi gọi “mẹ” một cách có chủ động là chặng đường mà niềm vui, hạnh phúc, xen lẫn những giọt mồ hôi nhọc nhằn để chinh phục từng trang giáo án.
Cô kể lại: “Tôi gặp cậu bé trong một dịp làm chương trình tình nguyện “Tôi đã hiểu! Còn bạn?". Mẹ của cậu bé dẫn em theo để tìm hiểu về hội chứng tự kỷ.
Hôm đó, chàng trai nhỏ bé ấy không thể đứng im một chỗ dù chỉ là vài giây. Em chạy nhảy liên tục khiến mẹ phải nắm chặt, hay thậm chí phải liên tục bế lên”.
Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán người mẹ đủ để cô giáo trẻ biết chị đã vất vả thế nào với cậu nhóc này. Điều đó thôi thúc cô Thùy Linh trò chuyện với mẹ em.
Người mẹ kể với cô về hành trình từ khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ với những buổi đi can thiệp, những đêm thức trăng trông con vì con không chịu ngủ. Rồi những lần hớt hải, khóc lóc vì suýt lạc con.
“Sau lần gặp ấy khá lâu, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của người mẹ này nhờ giúp đỡ. Chị nói muốn cho con đến trung tâm của tôi học.
Tôi đã ngăn chị và khuyên “hãy tìm trung tâm gần nhà cho bé vì chỗ em cách chỗ chị xa quá. Nhà con tận Yên Sở để sang Long Biên học, con sẽ rất vất vả”, cô Linh nhớ lại.
Tuy nhiên, người mẹ vẫn quả quyết muốn tìm trung tâm can thiệp cho con chứ không muốn con đi học mầm non nữa.
Và hành trình của của họ bắt đầu. Những buổi học đầu của cậu bé vẫn hằn sâu trong trí nhớ của cô Linh với hình ảnh con la khóc phải dỗ dành đủ thứ đồ chơi mà con đều ném đi.
Rồi những buổi trưa cả lớp yên tĩnh ngủ thì một mình con chơi xoay tay, khóc lóc đòi bế.
Con thường xuyên tè ra quần vì không biết chủ động đi vào nhà vệ sinh. Chàng trai ấy cứ đến 3h chiều là khóc nhè đòi về.
“Những lúc đó, cô Trần Thu (giáo viên tại trung tâm) phải bế, ôm con vào lòng dỗ dành con. Chúng tôi luôn phải nỗ lực rất, rất nhiều để con cảm thấy các cô gần gũi như chính người mẹ của con vậy”, cô Linh giãi bày.
Giáo viên dạy kỹ năng cho trẻ đặc biệt tại Trung tâm chuyên biệt Phú An (Long Biên – Hà Nội). ảnh: Trung tâm cung cấp. |
Những câu chuyện, chi tiết nhỏ đã diễn ra từ lâu nhưng trong tâm trí của cô Thùy Linh, nó như mới ngày hôm qua. Chân thực, sống động như những thước phim quay chậm.
Cô Linh tâm sự: “Mỗi ngày, chàng trai của tôi phải thức dậy từ lúc 6 giờ sáng để kịp lên xe buýt đến trường.
Con thường xuyên phải ăn sáng trên xe, có những ngày mưa tắc đường em đi học mất đến gần 2 tiếng trên xe, có hôm con đi học về đến nhà lúc 9h tối.
Thương con rất nhiều, vì thế tôi và các cô tại trung tâm luôn tự nhủ trong lòng là phải cùng chàng trai ấy chinh phục từng mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn hơn trong chương trình học”.
Mỗi ngày, mỗi ngày cố gắng, con dần biết thêm từng chút, từng chút một. Con biết quay lại chạy về phía cô, phía mẹ khi được gọi.
Con biết chỉ vào cô Linh, cô Thu vào bạn khi được hỏi. Con biết lấy cất đồ dùng học tập, biết vẫy tay tạm biệt, liếc nhìn cô vài giây khi chào cô ra về. Con biết gọi “mẹ” “bố” khi phụ huynh đến đón.
“Với chúng tôi, những điều rất bình thường như vậy cũng khiến cô giáo và phụ huynh vỡ òa trong hạnh phúc.
Bố mẹ chàng trai nói với tôi rằng, đó là phép màu. Họ đã nuôi con 5 năm nhưng đến lúc đó, họ mới lần đầu được nghe con gọi “mẹ, bố”.
Họ chia sẻ rằng tim họ như ngừng đập không dám tin vào tai mình”, cô Linh hạnh phúc chia sẻ.
Chính những điều giản đơn đó đã tiếp lửa cho cô Thùy Linh và các đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa để đưa những chuyến đò thật đặc biệt qua sông.