LTS: Chia sẻ về hình ảnh và cái tâm của người thầy trong việc giáo dục học sinh, thầy giáo Nhật Duy cho rằng, mỗi người thầy cần phát huy phẩm chất đạo đức của mình và thường xuyên trau dồi, rèn luyện.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bình thường, một người thầy kể từ khi ra trường đến khi về hưu sẽ có gần 40 năm đứng lớp và cũng chừng ấy thế hệ học trò theo tuổi nghề của thầy.
Nếu, người thầy có tâm sáng, có kiến thức uyên thâm sẽ tạo dựng nên hàng chục thế hệ học trò biết noi theo để trở thành những người tốt.
Ở chiều ngược lại, nếu người thầy yếu về chuyên môn, trái tim yêu thương hời hợt, có những hành động, lời nói không phù hợp với văn hóa học đường sẽ làm cho nhiều thế học trò bị ảnh hưởng theo.
Và, quan trọng hơn cả là có thể làm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành giáo dục, của hàng triệu thầy cô giáo khác.
Tình cảm thầy trò (Ảnh minh hoạ: chamngoncuocsong.com). |
Là phụ huynh, có lẽ ai cũng mong cho con em mình được học tập với những thầy cô giáo sáng trong về đạo đức, về nhân cách.
Sự nghiêm khắc của thầy nhưng được hòa quyện trong yêu thương và trách nhiệm sẽ là điều cần thiết cho bất kể giáo viên nào.
Người thầy tận tụy với nghề, biết vượt qua mọi khó khăn để giảng dạy, biết định hướng cho học trò của mình không chỉ làm đẹp thêm hình ảnh người thầy mà đó mới là những người thầy chân chính, hết lòng với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, chuyện giáo viên bạo hành học trò bằng hành động, bằng lời nói vẫn luôn xảy ra với một số học trò ở một số nơi trong thời gian qua.
Nhiều người thầy có những hành động phi giáo dục khi dùng những phương pháp cực đoan để áp dụng trong quá trình giảng dạy của mình.
Mấy ngày nay, báo chí lại râm ran về chuyện cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 của trường Tiểu học Trần Văn Ơn (thành phố Hồ Chí Minh) có một hình phạt lạ đời đối với những học sinh nói chuyện riêng trong lớp.
Những em học sinh đầu tiên nói chuyện sẽ tự tát mình 2 cái, em thứ hai tự tát 4 cái, cứ thế em tiếp theo lại cộng thêm 2 cái...
Sự việc chỉ bị lộ ra khi có học sinh phải tự tát vào mặt mình đến 32 cái ngay trước mặt bạn bè - dù đó là lần đầu em vi phạm.
Cô giáo tiểu học bắt học sinh nói chuyện phải tự tát vào mặt mình 32 cái |
Hình phạt này cho thấy phương pháp giáo dục của giáo viên có vấn đề và khó nhận được sự đồng cảm của dư luận.
Không chỉ giáo viên dạy lớp đánh học sinh mà ngay cả giáo viên quản lý nhà trường cũng có hành động tương tự trong những ngày đầu tháng 11 này.
Đó là trường hợp bà Phạm Thị Huế, Phó Hiệu Trưởng trường trung học cơ sở An Hồng (An Dương, Hải Phòng) đã dúi đầu em V.V.Đ. - học sinh lớp 9C vào tường, khiến em học sinh này bị chấn thương vùng đầu khi cho rằng em đã vẽ bậy lên tường nhà trường.
Điều khiến cho chúng ta xót xa nhất là em học sinh đó có vấn đề về thần kinh…nhưng lại không có một phương pháp giáo dục phù hợp thay vì dùng bạo lực với trò.
Những trường hợp như thế này không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là cuối cùng trong nhà trường.
Bởi, từ lâu, chúng ta đã thấy có nhiều giáo viên áp dụng những hình phạt học trò rất kỳ lạ như phạt quỳ gối, uống nước giẻ lau bảng, cho học sinh tát vào mặt nhau, giáo viên lên lớp cả tháng không giảng mà chỉ chép lên bảng…
Và, thực tế chuyện bạo lực trong các nhà trường mà đặc biệt là ở cấp tiểu học hiện nay không phải là hiếm.
Có điều, học sinh không dám nói với cha mẹ, hoặc khi sự việc vỡ lỡ thì nhà trường thường chủ động thương lượng với phụ huynh để “ém” những sai phạm cho giáo viên để không làm ảnh hưởng đến “uy tín” của nhà trường.
Như chúng ta đã biết, nghề nào cũng cần phải bình tĩnh, tự tin, khéo léo trước công việc của mình nhưng có lẽ nghề giáo thì yêu cầu này lại càng cao hơn tất cả.
Nếu người thầy không bình tĩnh, khéo léo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đứng lớp. Bởi thực tế, ngày nay có một số em học sinh hay quậy phá, có những hành động, lời nói với thầy không phù hợp, nhiều em ngồi trong lớp không học bài mà mải mê nói chuyện, nhiều em thậm chí có thái độ bất cần khi trả lời với thầy cô giáo.
Vì thế, nếu người thầy chưa tìm được biện pháp hữu hiệu để khắc phục và kích thích học sinh chú ý học tập rất dễ dẫn đến sự áp đặt, không kiềm chế, nhất là đối với một giáo viên mới ra trường thì thường gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các tình huống như vậy.
Cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau bảng có phạm tội hành hạ trẻ em? |
Thực tế giảng dạy cho thấy, có những thầy cô kiến thức sư phạm còn nhiều hạn chế nên khi đứng lớp chưa có sự khéo léo, khích lệ học sinh mà thường ra mệnh lệnh, áp đặt cứng nhắc.
Trong khi, tuổi các em còn chưa đủ chín nên có những hành động, những lời lẽ thiếu kiềm chế, bột phát và thiếu suy nghĩ.
Nếu giáo viên không linh hoạt, bình tĩnh sẽ dễ dẫn các em tới những hành động thiếu kiềm chế.
Chúng ta đã từng chứng kiến hiện tượng học sinh nhảy lầu tự tử, cắt mạch máu tay… để phản đối thầy cô. Những tình trạng này có phần ứng xử không khéo léo, vụng về của người giáo viên đứng lớp.
Chúng tôi đã phải chứng kiến ở nơi mình công tác có là có những thầy cô khi gặp những phiền muộn, tức bực từ gia đình, lãnh đạo, đồng nghiệp…đến khi vào lớp người thầy cứ bê nguyên nét mặc bực dọc lên lớp.
Học sinh chỉ cần làm phật ý là người thầy “giận cá chém thớt” đổ lên đầu học sinh và dẫn đến ác cảm với lớp học.
Có những trường hợp mà mâu thuẫn giữa thầy và trò kéo dài đằng đẳng cả tháng trời không kết thúc.
Thầy bảo vệ ý kiến của thầy, học trò bảo vệ ý kiến học trò. Mặc cho đoàn thể đã nhiều lần dàn xếp nhưng khoảng cách giữa tình thầy trò luôn trong tình trạng ác cảm với nhau.
Thầy vào lớp chỉ dạy cho mau hết kiến thức bài học, có tiếng trống báo hết giờ là bước ra. Trò đã không thích thầy thì thầy giảng kệ thầy, trò làm việc riêng kệ trò. Khoảng cách thầy - trò cứ như mặt trăng với mặt trời, nhìn thấy nhau mà xa cách vời vợi…
Phải công nhận một điều là nhân lực ngành giáo dục đang chiếm số lượng áp đảo so với các ngành nghề khác.
Có những lý do khác khiến nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo |
Hơn nữa, ngành giáo dục lại thường hay bị chú ý khi để xảy ra những sai phạm. Vì thế, hơn lúc nào hết, mỗi người thầy cần nêu cao trách nhiệm của mình trước nghề nghiệp, trước học trò và toàn xã hội.
Mặc dù, áp lực của ngành rất nhiều, học sinh bây giờ cũng có một số em ngang ngược nhưng suy cho cùng những trường hợp như vậy không nhiều.
Điều dễ thông cảm hơn là các em đang ở độ tuổi đến trường, cần được uốn nắn và giáo dục để trưởng thành.
Vậy nên, dù khó khăn như thế nào đi chăng nữa thì những người thầy vẫn là những người đang giữ một thiên trách cao cả.
Nếu tâm người thầy sáng trong, có phương pháp giáo dục phù hợp thì chắc chắn xã hội không phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng như thời gian qua.
Hy vọng, mỗi người thầy cần phát huy phẩm chất đạo đức của mình và thường xuyên trau dồi, rèn luyện.
Bởi, ở đời: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” mà người thầy thì cần lắm cái chân lý ấy.