Có trường ở TP HCM từ năm 2016 đã không giao bài tập về nhà cho HS dịp Tết

12/01/2023 06:35
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, giao bài tập về nhà chỉ phù hợp vào khoảng thời gian trong năm, còn Tết phải để các em nghỉ ngơi, tận hưởng giây phút bên gia đình.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh, giáo viên toàn thành phố là 8 ngày, từ 19/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lịch nghỉ từ ngày 18/1/2023 đến hết ngày 29/1/2023, tổng 12 ngày. Bên cạnh đó, rất nhiều tỉnh, thành khác cho học sinh nghỉ Tết tới 14 ngày như Yên Bái, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lào Cai, Long An, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang,...

Với thời gian nghỉ Tết 1-2 tuần như vậy, câu hỏi được cộng đồng quan tâm là: Có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hay không?

Nỗi ám ảnh mang tên… bài tập Tết

Chị Tăng Kim Oanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cả năm con bận rộn với việc học, những ngày Tết đáng ra phải là dịp nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, Tết năm nào cũng vậy, con chị luôn bận rộn với rất nhiều nhiệm vụ, bài tập Tết của các môn học.

“Những năm trước, việc con có quá nhiều bài tập Tết khiến bố mẹ cũng áp lực theo nhưng không biết làm gì ngoài động viên con cố gắng làm sớm để 3 ngày Tết thảnh thơi, có thời gian vui chơi cùng gia đình, bạn bè.

Tôi không phản đối việc giáo viên giao bài tập Tết cho học sinh nhưng chỉ nên giao với số lượng vừa đủ để các con không quên nhiệm vụ mà vẫn được thoải mái vui vẻ cùng gia đình. Bên cạnh đó, thay vì các bài tập cứng nhắc như giải đề, tính toán thì với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên có thể linh động giao các bài mang tính chất tìm hiểu Tết xưa - Tết nay. Như vậy vừa tạo sự hứng thú vừa khơi gợi được tính sáng tạo của mỗi học sinh”, chị Oanh nói.

Em Trần Thị Duyên, học sinh một trường trung học phổ thông ở Vĩnh Phúc kể, những năm trước, năm nào em cũng nhận được rất nhiều bài tập, chủ yếu từ các môn chính như Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.

Ảnh minh họa: Trần Lý

Ảnh minh họa: Trần Lý

“Thầy cô giao cho cả lớp các tập đề và yêu cầu hoàn thành trong kỳ nghỉ Tết, ra Tết sẽ kiểm tra. Nếu bạn nào không làm hoặc làm không xong sẽ phải viết bản kiểm điểm hoặc thầy cô gọi cho phụ huynh. Do đó, năm nào cũng vậy, để có thời gian đi chơi cùng gia đình, em luôn tranh thủ thời gian mỗi buổi tối để giải đề, trung bình mỗi ngày cố gắng làm xong một đề. Em chỉ mong, Tết không có bài tập để được thoải mái tận hưởng thời gian nghỉ cùng gia đình, bạn bè”, Duyên bày tỏ.

Quán triệt giáo viên không giao bài tập Tết cho học sinh

Trên cương vị là giáo viên, cô Khổng Thị Nhung (giáo viên một trường trung học cơ sở ở Bắc Ninh) chia sẻ, việc thầy cô giao bài tập Tết cho học sinh cũng xuất phát từ mục đích không muốn học sinh quên bài, tuy nhiên giao quá nhiều lại không tốt.

“Theo tôi, giáo viên nên hạn chế việc giao bài cho học sinh làm dịp Tết. Nếu có, thì cần tính toán số lượng bài hợp lý, chỉ nên giao ở mức độ kiến thức dễ để các em duy trì thói quen tự học ở nhà và thích thú với việc học. Điều này cũng tạo điều kiện cho học sinh nghỉ ngơi thoải mái, sum vầy bên gia đình.

Qua mỗi mùa Tết, các em học sinh tự trải nghiệm và tự học được thêm rất nhiều về những nét văn hóa, phong tục ngày Tết, các giá trị truyền thống được ông bà, cha mẹ giữ gìn và tiếp nối. Thay vì bài tập khô khan, học sinh được giáo dục về những bài học mang tên văn hóa truyền thống, như vậy đã là một thành công rồi”, cô Khổng Thị Nhung nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về việc nên hay không nên giao bài tập Tết cho học sinh, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc giao bài tập về nhà trong năm học là cần thiết nhưng phải kiểm soát số lượng sao cho phù hợp vì học sinh không chỉ học một môn mà còn phải học song song rất nhiều môn khác nhau.

Mục đích của giao bài tập về nhà là để củng cố, nhớ lại và mở rộng kiến thức, tuyệt đối không đánh đố và dùng hết khoảng thời gian nghỉ ngơi ở nhà của các em để làm bài tập.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du. Ảnh: vov.vn

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du. Ảnh: vov.vn

Theo thầy Phú, giao bài tập về nhà chỉ phù hợp vào khoảng thời gian trong năm, còn Tết phải để các em nghỉ ngơi, tận hưởng giây phút bên người thân, gia đình.

“Tết đến, xuân về là khoảng thời gian nghỉ lễ đặc biệt của dân tộc, không nên giao bài tập cho học sinh, vừa tạo áp lực, vừa không hiệu quả. Vì để có thời gian nghỉ Tết, nhiều em tập trung làm dồn bài tập vào những ngày áp Tết, hoặc cũng có khi làm vội cho xong trước hôm đi học trở lại, như vậy mục đích của việc giao bài tập không đạt hiệu quả như mong muốn.

Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh có quyết định cho học sinh nghỉ Tết 12 ngày, trong khoảng thời gian này, học sinh được trang bị kiến thức đời sống, kỹ năng mềm. Còn để bắt nhịp với việc học trở lại sau Tết thì theo tôi, chỉ cần 1-2 tiết sau khi các em quay lại trường là đủ”, thầy Phú nói.

Năm 2016, thầy Phú về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, thành phố Hồ Chí Minh làm công tác quản lý. Từ đó đến nay, thầy luôn chỉ đạo, quán triệt việc giáo viên không được giao bài tập Tết cho học sinh dưới mọi hình thức. Triển khai qua từng năm, học sinh rất phấn khởi và bản thân giáo viên cũng không áp lực với việc những ngày đầu năm mới phải kiểm tra học sinh bài tập trước Tết, chấm và giải đề.

Trước đó, có năm, một số địa phương như Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh,... đã có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan không giao bài tập cho học sinh vào dịp Tết. Thầy Phú đánh giá điều này thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi học sinh, tôn trọng người học. Những công văn này rất cần thiết để học sinh có thể nghỉ Tết đúng nghĩa.

Anh Trang