Tết không giao bài tập, sau 7 ngày học sinh có thể sẽ lãng quên 80% kiến thức

10/02/2021 06:20
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tết Nguyên đán năm 2021 học sinh được nghỉ 7 ngày, nếu không giao bài tập thì ra Tết, học sinh sẽ lãng quên 80% kiến thức”, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho biết.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã có chủ trương yêu cầu các đơn vị trực thuộc không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Mục đích là tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh và sinh viên sum họp gia đình, đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn.

Sau khi chủ chương từ 2 sở giáo dục này được công bố, có ý kiến cho rằng vẫn phải giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh. Theo luồng quan điểm này, nếu không giao bài cho học sinh, ra Tết học sinh sẽ bị “rơi rụng” kiến thức.

Một quan điểm khác thì cho rằng: "việc học là cả một quá trình, không thể vì mấy ngày Tết mà “rơi rụng” kiến thức được".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là cần thiết.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để minh chứng cho điều này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền đã nhắc tới nhà thần kinh học Herman Ebbinghaus (những năm 1880) - người đầu tiên nghiên cứu và phân tích trí nhớ. Ông đã đưa ra 1 biểu đồ thời gian thể hiện sự suy giảm trí nhớ, được đặt tên là Đường cong của sự lãng quên (the Forgetting curve).

Theo biểu đồ này, sau khi tiếp nhận kiến thức, mức độ ghi nhớ giảm mạnh sau mỗi giây, mỗi giờ, mỗi phút. Sau 1 ngày, hơn 70% kiến thức học được sẽ bị lãng quên. Sau đó, kiến thức còn lại tiếp tục lãng quên dần đến khi đạt mức độ nhất định.

Lượng kiến thức còn lại không đủ để chúng ta vận dụng giải quyết các vấn đề cuộc sống và thời gian để học lại kiến thức đó gần như bạn học một kiến thức mới.

Đối với Tết Nguyên đán, học sinh thường được nghỉ khoảng từ 7 đến 10 ngày (Tết Nguyên đán năm 2021 học sinh được nghỉ 7 ngày). Đối chiếu với biểu đồ của Herman Ebbinghaus, sau 7 ngày 80% kiến thức sẽ bị lãng quên.

Biểu đồ thời gian thể hiện “Sự suy giảm trí nhớ”, được đặt tên là “Đường cong của sự lãng quên” (the Forgetting curve). (Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cung cấp)

Biểu đồ thời gian thể hiện “Sự suy giảm trí nhớ”, được đặt tên là “Đường cong của sự lãng quên” (the Forgetting curve). (Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cung cấp)

Cô Hiền chia sẻ thêm: “Thực tế, tôi vừa giảng dạy ở trường đại học, vừa mở cơ sở can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển ở Hà Nội, với những gia đình không phối hợp dạy con ở nhà, khi học sinh nghỉ từ 2 đến 3 ngày trở lên lượng kiến thức, kĩ năng sẽ mất đi rất nhiều, biểu hiện rất rõ đối với trẻ rối loạn ngôn ngữ. Khi trẻ đi học lại, gần như chúng tôi phải dạy lại một số kiến thức, kĩ năng chúng tôi đã dạy trước đó. Điều đó ảnh hưởng đến tiến độ can thiệp của trẻ.

Đối với học sinh phổ thông cũng vậy, trong thời gian nghỉ Tết nếu không ôn luyện sẽ quên rất nhiều kiến thức.

Đó là lý do nhà trường vẫn giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết đúng như tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.

Việc ôn tập thường xuyên bài học giúp học sinh tăng khả năng ghi nhớ, Herman Ebbinghaus gọi đây là Hiệu ứng giãn cách. Mỗi lần ôn tập, đường cong sẽ được đẩy lên và lượng kiến thức được giữ lại sẽ tăng theo.

Mặc dù giáo viên đều biết rằng không phải học sinh nào cũng làm bài một cách nghiêm túc trong thời gian này.

Đương nhiên với những học sinh mải chơi Tết mà không học bài hoặc học một cách đối phó thì giáo viên cũng không nỡ trách phạt đầu năm mới. Như vậy, bản chất việc giao bài tập về nhà là tốt, là cần thiết cho học sinh.”

Để bài tập Tết không gây áp lực lên học sinh đồng thời vẫn khiến học sinh ghi nhớ được những kiến thức đã học theo đúng tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, cô Hiền cho rằng cần lồng ghép bài tập vào chủ đề Tết:

“Trong thời gian vừa qua, một số phụ huynh phản đối việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Họ muốn học sinh được chơi Tết thoải mái, điều đó cũng làm giảm áp lực cho chính bố mẹ.

Đúng là ngày Tết là lúc các thành viên được quây quần bên nhau, cảm nhận văn hoá truyền thống, hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của ngày Tết. Như vậy, tại sao chúng ta không lồng ghép bài tập vào chủ đề Tết?

Ở bậc mầm non, những ngày này cô trò đang nhúng mình trong chủ đề Tết và mùa xuân.

Các kiến thức, kĩ năng cần có của trẻ được lồng ghép qua các hoạt động liên quan đến Tết như: gói bánh chưng (trẻ học toán, kĩ năng vận động qua hoạt động đong gạo, gói bánh, buộc dây bánh), trang trí cây mai, cây đào ngày Tết (phát triển tình cảm xã hội và thẩm mĩ qua các hoạt động cắt, vẽ nặn, trang trí),…

Tất cả những điều này vừa giúp trẻ háo hức mong chờ không khí Tết, vừa giúp trẻ hứng thú hơn khi học và lưu giữ kiến thức lâu hơn.

Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể (Ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT – BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra yêu cầu về phẩm chất và năng lực cho học sinh theo từng cấp học.

Cụ thể, yêu cầu về phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; yêu cầu về năng lực: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Theo đó, giáo viên có thể lựa chọn những phẩm chất, năng lực cụ thể để lồng ghép, xây dựng nhiều bài tập cho học sinh được luyện tập thực hành, trải nghiệm trong Tết cổ truyền, điều đó vừa giúp học sinh tăng khả năng ghi nhớ kiến thức, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống mà còn giúp học sinh cảm nhận những giá trị Tết truyền thống đem lại.

Ví dụ: để giáo dục lòng nhân ái, giáo viên có thể cho học sinh sáng tác những câu thơ, câu chúc tết để tặng những người thân, dùng tiền “lì xì” để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ quần áo cho những học sinh nghèo được đón tết ấm áp,…

Để giáo dục học sinh sự chăm chỉ, giáo viên có thể yêu cầu học sinh cùng với các thành viên trong gia đình dọn dẹp nhà cửa đón tết, gói bánh Tết, mua sắm đồ dùng ngày Tết, nấu những món ăn cho gia đình,…

Để giáo dục học sinh năng lực tự học, giáo viên có thể giao một số bài tập để học sinh hoàn thành trong dịp Tết”.

Biểu đồ “Hiệu ứng giãn cách”. Mỗi lần ôn tập, đường cong sẽ được đẩy lên và lượng kiến thức được giữ lại sẽ tăng theo. (Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cung cấp)

Biểu đồ “Hiệu ứng giãn cách”. Mỗi lần ôn tập, đường cong sẽ được đẩy lên và lượng kiến thức được giữ lại sẽ tăng theo. (Ảnh: Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cung cấp)

Cô Hiền nhấn mạnh: “Bài tập không nên quá nhiều và quá khó sẽ gây áp lực cho học sinh.

Giáo viên có thể xây dựng những bài tập ôn luyện kiến thức đã học dựa trên tình huống có thể xảy ra vào dịp Tết, cách thức giao bài làm sao cho học sinh thấy thoải mái, kích thích trẻ tự học, không đánh giá “gây tổn thương” với các học sinh chưa hoàn thành các bài tập sau kì nghỉ Tết,…

Khi đó việc giao bài tập trong các kì nghỉ không còn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và phụ huynh”.

Đình Hùng