Tiếp nối cách ra đề mở của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, sáng nay các thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục đón nhận dạng đề này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các thí sinh khi được hỏi đều thấy hài lòng về dạng đề và phù hợp với kiến thức của học sinh, đặc biệt được nói lên cảm nghĩ của mình với ý 3 của câu II về nguồn cội và trách nhiệm bản thân trước vận mệnh đất nước.
Em Lê Thanh Hường, học sinh Trường THCS Dịch Vọng cho biết, đề năm nay tương đối dễ, tuy rằng không hỏi hẳn về biển đảo nhưng có ý về vấn đề này. Theo Hường, em làm phần nghị luận này theo hai ý, một là cội nguồn và trách nhiệm. Đối với trách nhiệm sẽ có trách nhiệm của người học sinh và trách nhiệm của một công dân.
“Trách nhiệm của người học sinh đương nhiên là học tập tốt, có đạo đức tốt sau này trở thành công dân tốt. Luôn luôn dõi theo tình hình biển đảo, có lòng yêu nước. Đối với trách nhiệm của công dân, em luôn luôn chấp hành chủ trương, sau này nếu đất nước lâm nguy em sẵn sàng nhập ngũ” Hường bày tỏ.
Các thí sinh được hỏi cho rằng, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội khá dễ. |
Em Lê Trung Đức, học sinh Trường THCS Nguyễn Du cũng thổ lộ, đề năm nay hay. Đối với câu hỏi về nguồn cội và trách nhiệm bản thân, Đức chia sẻ trong bài làm em đã nói lên trách nhiệm của mỗi người cần phải làm gì khi lãnh thổ quốc gia đang bị đe dọa.
Đức cũng cho biết, em khá thích với dạng đề như thế này, trong phòng thi của Đức có khá nhiều bạn làm xong sớm.
Nguyễn Trung Kiên, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, mặc dù đề sáng nay không trúng tủ nhưng cũng làm được . Riêng đối với câu nghị luận về trách nhiệm và nguồi cội, cho biết em đã nêu lên cội nguồn sống của chúng ta và cần phải biết ơn ông cha ta đã xây dựng. Những việc mà bản thân cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền đất nước.
“Sau này nếu em có công việc làm ổn định em sẽ cống hiến cho tổ quốc nhiều hơn nữa” Kiên cho biết.
Kết thúc bài thi môn Ngữ văn, tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung – Hà Nội, nhiều thí sinh cho biết đề không quá khó, phù hợp với nội dung kiến thức chương trình được ôn tập.
Vui vẻ vì làm bài tốt, em Lê Quốc Cường cho biết đề Văn năm nay dễ. Hai câu hỏi đều tập trung vào kiến thức Cường được học. Ở câu 1 về tác phẩm Chiếc lược ngà, đây là tác phẩm em thích nên cũng có nhiều sự chuẩn bị hơn. Cường còn hào hứng cho biết phần nghị luận xã hội không nằm ngoài dự đoán của em.
Câu hỏi về “suy nghĩ về cội nguồn của mỗi người, qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay”.
Trả lời về tình hình đất nước hiện nay, Cường có trích dẫn sự kiện nóng đang được cả dân tộc quan tâm là tình hình căng thẳng trên biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bản thân Cường là một người học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên bằng hành động nhỏ của mình cùng với thầy cô, bạn bè ủng hộ cho Trường Sa, Hoàng Sa.
Cường còn cho biết học tập thật tốt chính là việc làm thể hiện trách nhiệm của một học sinh như em đối với đất nước.
Tương tự, em Nguyễn Hương Giang cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ quanh câu hỏi nghị luận xã hội trong đề Văn năm nay.
“Ở ý 3 câu 2, em trả lời theo hai ý là về cội nguồn của mỗi người và trách nhiệm với đất nước. Em có dẫn ra những người khi nhớ về cội nguồn ra sao, có cả những người không nhớ về cội nguồn dân tộc. Qua đó, em nêu lên ý nghĩa của việc nhớ về quê hương đất nước” Giang nói.
Tại điểm thi THPT Cầu Giấy, các thí sinh bước khỏi phòng thi với tâm trạng rất thoải mái. Em nào cũng cười tươi vì: "đề năm nay dễ hơn mọi năm".
Dương Đức Tuân, lớp 9A3, THPT Nam Trung Yên dự đoán, năm nay sẽ có nhiều điểm Văn cao vì đề dễ, ra sát nội dung. Bài 7 điểm rơi vào tác phẩm "Chiếc lược ngà" các em đã được thầy cô ôn luyện cho rất kỹ.
Câu hỏi thú vị nhất về hiểu biết xã hội và trách nhiệm của giới trẻ trong tình hình hiện tại của đất nước cũng rơi vào nội dung mà học sinh đã tìm hiểu kỹ càng.
Như vậy, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục được thí sinh đánh giá khá cao bởi xen lẫn các câu hỏi kiến thức phổ thông, còn có các ý, các câu để thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình. Đây là một dạng đề mở mà trong nhiều năm qua Hà Nội và cả nước đã áp dụng.
Buổi chiều các thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán với thời gian làm bài 120 phút.