Con ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà, phụ huynh vùng cao vui mừng

06/08/2023 07:19
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gia đình phụ huynh thuộc diện hộ nghèo, có bữa ăn cơm độn ngô, cảm thấy phấn khởi khi con em được tăng sự hỗ trợ bữa ăn trưa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Theo nội dung dự thảo, trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ. Mỗi trẻ sẽ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và không được hưởng quá 9 tháng/năm học. (Hiện tại các trẻ nhà trẻ 1-3 tuổi chưa được nhận chế độ hỗ trợ)

Đối với học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ ở các khoản ăn, ở, hỗ trợ gạo với các mức quy định.

Tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 900.000 đồng/ăn trưa/tháng, không hưởng quá 9 tháng/năm học. (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, học sinh được hỗ trợ khoảng 720 nghìn đồng/tháng học)...

Khi biết thông tin trên, anh Hạng Văn Vấn (trú tại huyện Quản Bạ, Hà Giang) cho hay, gia đình anh đã thoát nghèo được nhiều năm, nhưng năm 2022, gia đình lại được cán bộ xã xếp vào danh sách hộ nghèo.

"Tôi là đảng viên nên cũng không muốn như vậy đâu, nhưng cán bộ khi đến gia đình khảo sát thấy gia đình quá nghèo nên phải cho vào", anh Vấn chia sẻ.

Người dân ở quê anh Vấn còn nhiều hộ nghèo. (Ảnh: NVCC)

Người dân ở quê anh Vấn còn nhiều hộ nghèo. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, anh Vấn nói, vợ chồng anh và các con sống trong căn nhà trình tường, phương tiện đi lại duy nhất là một chiếc xe máy, trong nhà có một chiếc tivi đã cũ, tủ lạnh và điều hòa không có...

Đứa lớn nhất, năm nay đang học khối trung học phổ thông, đứa thứ hai học đang trung học cơ sở và hai đứa bé học mầm non.

"Trước đây, tôi có quan điểm là phải đẻ con trai vì sau này nó mới ở cùng mình, còn con gái đi lấy chồng là thôi. Vì vậy, dù bị khiển trách về mặt đảng nhưng tôi vẫn cố đẻ thêm. Tuy nhiên, giờ đây tôi nhìn lại mới thấy đông con là khổ", anh Vấn chia sẻ.

Cái khổ của gia đình anh Vấn không chỉ về đồ dùng sinh hoạt, mà bữa ăn của các thành viên cũng thường là mèn mén (cơm trộn ngô). Một tháng, gia đình chỉ có tiền mua thịt khoảng hai, ba bữa.

"Bữa cơm hằng ngày của gia đình rất đạm bạc là mèn mén, rau, nước chấm. Một tháng chỉ có hai, ba bữa gia đình được ăn thịt", anh Vấn nói.

Công việc của hai vợ chồng là đi làm nương rẫy, trồng ngô, lúa. Nhà trồng được lúa cũng chỉ để ăn, còn ngô gieo khoảng 7kg và thu hoạch được khoảng 40-50 tải ngô.

Theo vị phụ huynh này, đứa con lớn của anh đang học tại trường nội trú nên chi phí sinh hoạt, học tập được nhà nước chăm lo, mức phí gia đình phải đóng trong ba năm học tổng là 1,2 triệu đồng. Còn với đứa thứ hai, thứ ba cũng được nhà nước hỗ trợ các chi phí, đứa út học lớp nhà trẻ chưa có chính sách hỗ trợ.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, nên anh Vấn nhận thấy rằng, nếu bé nhà trẻ được hỗ trợ bữa ăn, cũng như hai chị nó đang học trung học cơ sở, trung học phổ thông được tăng các khoản hỗ trợ, sẽ giúp đỡ gia đình rất nhiều và phụ huynh cũng rất vui mừng khi con em được tăng chất lượng bữa ăn.

"Các con ăn cơm ở trường đã ngon hơn cơm ở nhà. Sắp tới, bữa ăn được tăng thêm tiền, tôi thấy rất vui, cảm ơn nhà nước có chính sách quan tâm với con em đồng bào vùng cao", anh Vấn phấn khởi nói.

Chị Hà Thị Sông (Trạm Tấu, Yên Bái, gia đình đã thuộc diện thoát nghèo) cho hay, vợ chồng chị có hai con, một bé đang học lớp mầm non, bé còn lại học tiểu học. Cả hai bé đều ăn trưa ở trường.

"Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng có thông báo về khẩu phần bữa ăn hằng ngày của con", chị Sông chia sẻ.

Vị phụ huynh cho biết, địa bàn nơi các con học tập thuộc khu vực III nên chúng được nhà nước hỗ trợ chi phí ăn trưa. Song bên cạnh đó, phụ huynh cũng có đóng góp cho nhà trường. Ví như đối với bé học lớp mẫu giáo, gia đình đóng góp 3kg gạo/tháng, một bó củi; với bé học tiểu học, gia đình đóng góp 22kg/học kỳ, và bó củi khi nhà trường hết.

Chị Sông cho hay, nếu mức hỗ trợ bữa ăn trưa đối với học sinh được nâng lên 900 nghìn đồng/tháng chắc chắn bữa ăn các con sẽ được cải thiện nhiều.

Chị Sông cho rằng, với các bé lớp mẫu giáo, khi ngủ dậy buổi chiều có thể được uống sữa, ăn chè... còn với học sinh tiểu học, khó có thể tổ chức ăn thêm bữa phụ cho các con vào buổi chiều, bên cạnh đó từ chỗ học đến nhà ăn của trẻ cũng cách một quãng đường.

"Với học sinh tiểu học, khi được nhà nước hỗ trợ thêm tiền ăn trưa, tôi đề xuất mua thêm sữa hộp để phát cho các con uống vào buổi chiều", chị Sông nói.

Mạnh Đoàn